12/12/2018 09:58 GMT+7

Miền Trung: đồng bằng ngập sâu, miền núi sạt lở

LÊ TRUNG - TRƯỜNG TRUNG - NHẬT LINH - VÕ MINH
LÊ TRUNG - TRƯỜNG TRUNG - NHẬT LINH - VÕ MINH

TTO - Tại Đà Nẵng, trong ngày 11-12 trời đã ngớt mưa hơn so với những ngày trước. Tại một số khu vực ngập sâu trước đó, người dân bắt đầu dọn dẹp và sửa chữa xe, thiết bị điện tử bị hỏng.

Miền Trung: đồng bằng ngập sâu, miền núi sạt lở - Ảnh 1.

Trao quà cứu trợ lũ cho dân ở Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG

Sau mưa cũng xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở lớn trên bán đảo Sơn Trà. Theo ghi nhận tại tuyến Tiên Sa - ngã ba Bãi Bắc, nhiều tảng đá lớn nằm ngay giữa đường. Một số đoạn cống thoát nước bị vỡ nên nước chảy xiết ăn sâu vào móng đường, tạo nên hàm ếch rất nguy hiểm.

Mưa lớn cũng gây xói lở mương thoát nước dọc đường bán đảo Sơn Trà. Nước tràn lên cắt ngang mặt đường, gây lở đất đá ở phần taluy âm và taluy dương.

Theo ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, thống kê sơ bộ có 27 điểm sạt lở trên bán đảo Sơn Trà.

Hai thủy điện xả nước đón lũ

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ 12-12, trên địa bàn tỉnh dự báo có mưa to đến rất to. Dự báo trong sáng sớm 12-12 mực nước trên sông Bồ có thể đạt báo động II và sông Hương xấp xỉ báo động I, nguy cơ xuất hiện lũ trung bình.

Trước tình hình đó, thủy điện Hương Điền và thủy điện A Lưới đã được lệnh xả nước điều tiết qua tràn và tuôcbin nhằm chuẩn bị đón lũ. Theo ông Đặng Văn Hòa, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, việc xả nước với lưu lượng nhỏ nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ đập và không ảnh hưởng đến vùng hạ du.

Hàng ngàn nhà bị ngập

Cuối giờ chiều 11-12, thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết mưa lũ đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 1.471 nhà dân bị ngập. Diện tích hoa màu, rau màu bị ngập là 532,43ha. 9km đường giao thông bị sạt lở. Tại huyện Ba Tơ có 4 tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông.

Đến chiều 11-12, nước lũ vẫn còn ngập sâu ở các khu vực huyện Phú Ninh, TP Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành của tỉnh Quảng Nam. Theo thống kê nhanh của tỉnh Quảng Nam, trong đợt lũ này có 17.600 hộ dân bị ngập lụt, đã tổ chức sơ tán 5.991 hộ đến nơi an toàn.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết và 1 người mất tích. Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp vụ đông ven sông bị bồi lấp, bờ mộng bị cuốn trôi.

Có 87ha rau các loại và 934,7ha rau màu các loại (cây rau vụ đông phục vụ Tết Nguyên đán), 20ha đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp; 14.000 con gia cầm, gia súc bị chết; khoảng 178ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và tràn bờ.

Về giao thông, hiện trên các tuyến quốc lộ 14D, 14H, tuyến tỉnh lộ đã có thiệt hại.

Ngày 11-12, lực lượng biên phòng Quảng Nam cùng nhiều lực lượng khác, nhà hảo tâm đã vượt lũ dữ, có mặt từ rất sớm ở những khu vực ngập lũ nặng ở Quảng Nam để cứu trợ dân bằng mì gói, nước uống.

Thượng tá Nguyễn Xuân Bách - chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam - cho biết gần 1.000 suất quà cứu trợ được bộ đội biên phòng trao tới tận tay người dân vùng lũ.

5 người chết do lũ tại Bình Định

Ngày 11-12, nước lũ hầu như đã rút khỏi các khu vực bị ngập nặng ở tỉnh Bình Định, tuy nhiên hậu quả mất mát về người rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Dũng - chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ - cho biết sáng 11-12, khi nước lũ rút, lực lượng chức năng và người dân đã tìm được thi thể 3 người bị lũ cuốn trôi. Đó là vợ chồng anh Trần Văn Điền (31 tuổi) chở vợ là chị Lê Thị Phương Oanh (27 tuổi, ở xã Mỹ Chánh Tây).

Sáng sớm 10-12, anh Điền chở vợ (đang mang thai đứa con đầu lòng gần 6 tháng) vào TP Quy Nhơn, nơi hai vợ chồng làm công nhân. Nhưng trên đường đi cách nhà chỉ vài cây số, cả hai vợ chồng và chiếc xe máy bị nước lũ cuốn trôi.

Nạn nhân thứ ba được tìm thấy là ông Võ Đông Hoàng (43 tuổi, ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ). Tối 10-12, ông Hoàng cùng một người bạn tên Thắng chèo sõng đi mua đồ thì nước lớn đã làm lật sõng, ông Thắng được cứu sống nhưng ông Hoàng mất tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Công - phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn - cho biết sáng 11-12 có 2 người chết đuối tại địa phương này. Anh Phạm Duy Quang (27 tuổi, dân quân xã Hoài Thành) bị lũ cuốn đuối nước khi đang giúp dân đẩy lục bình khỏi ruộng đang ngập nước.

Cũng đi đẩy lục bình khỏi ruộng, ông Lê Văn Trấn ở xã Hoài Tân bị trượt chân, ngã xuống nước lũ tử vong.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đợt lũ này đã làm ngập hơn 10.000 ngôi nhà, có 6 nhà sập, 5 nhà hư hỏng; 8.650ha lúa mới gieo sạ, 575ha rau màu bị ngập; các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng nề.

DUY THANH - THANH CHI

Thôn nghèo bàng hoàng thương anh dân quân hiền lành chết ngập trong lũ Thôn nghèo bàng hoàng thương anh dân quân hiền lành chết ngập trong lũ

TTO - Anh mất đi khi còn thanh xuân của sức trẻ, cả thôn nghèo Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam chìm trong đau buồn tan tác khi dòng nước lũ vẫn còn giầy vò nơi này.

LÊ TRUNG - TRƯỜNG TRUNG - NHẬT LINH - VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên