07/08/2019 15:35 GMT+7

Miền Tây chủ động ứng phó xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt

BỬU ĐẤU - CẨM TRIỀU
BỬU ĐẤU - CẨM TRIỀU

TTO - 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp quản lý, kiểm soát độ mặn ở 35 cống ngăn mặn để chủ động đối phó, đồng thời khẩn trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện biển đổi khí hậu khi lũ không về.

Miền Tây chủ động ứng phó xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt - Ảnh 1.

Cống Sông Kiên ngăn mặn ngay cửa biển Rạch Giá - Ảnh: KHOA NAM

Ngày 7-8, ông Lữ Cẩm Khường - phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - cho biết để đối phó với hạn mặn, tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Kiên Giang quản lý chặt chẽ 35 cống ngăn mặn ven biển, tích cực kiểm tra đo độ mặn giữa hai tỉnh.

Theo ông Khường, năm nay nếu lũ không về thì An Giang sẽ tập trung nạo vét các hồ trữ nước, bố trí những cây trồng tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng 3 vụ trồng lúa không hiệu quả và kèm theo nhiều giải pháp kỹ thuật.

"Giải pháp trước mắt là tuần tra, đo nồng độ mặn. Nếu độ mặn vượt quá 2/1.000 thì cảnh báo để  người dân biết và chuẩn bị một số giống lúa thích nghi hạn mặn để trồng ven với vùng giáp Kiên Giang", ông Khường nói.

Sở NN&PTNT An Giang cũng vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 gói thầu thuộc dự án kiểm soát lũ vùng Tây sông Hậu - tỉnh An Giang do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 400 tỉ đồng. 

Trong đó gói thầu lớn nhất là "Thi công xây lắp nâng cấp đê bao kết hợp với giao thông bờ Bắc kênh Ba Thê mới và 12 cống hở vùng 1 và vùng 3", với giá trị gói thầu 114,5 tỉ đồng. Dự kiến, trong quý III-2019, Sở NN&PTNT sẽ đấu thầu rộng rãi một số gói thầu thuộc dự án.

Còn ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết mặc dù đang giai đoạn cao điểm mùa mưa bão nhưng tình hình nước mặn xâm nhập, uy hiếp vùng Tứ giác Long Xuyên (thuộc tại hai huyện Kiên Lương và Giang Thành) trong những ngày qua diễn biến bất thường.

Theo ông Tâm, do tác động vận hành các đập thủy điện ở thượng lưu sông Mekong như Trung Quốc giảm xả đập thủy điện, đập thủy điện Xayaburi ở Lào mới xây dựng xong đang tích nước chuẩn bị chạy thử nghiệm…, nên mực nước thượng nguồn sông Mekong xuống nhanh và đang ở mức rất thấp. 

Mực nước đầu nguồn tại Châu Đốc (An Giang) và các trạm nội đồng trong tỉnh giảm rất nhanh, mặn xâm nhập trở lại vùng Tứ giác Long Xuyên từ hướng đầm Đông Hồ (TP Hà Tiên) vào kênh Rạch Giá - Hà Tiên và vào sâu trong nội đồng khoảng 10-15km, ảnh hưởng sản xuất của hai huyện Kiên Lương và Giang Thành.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng với huyện khẩn trương đắp lại đập Hòa Điền trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền và một số tuyến kênh rạch khác để bảo vệ lúa hè thu 2019, ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong vụ Đông Xuân.

Làm gì để giúp ĐBSCL chung sống với hạn, mặn? Làm gì để giúp ĐBSCL chung sống với hạn, mặn?

TTO - Biến đổi khí hậu và những đập thủy điện thượng nguồn Mekong khiến ĐBSCL phải thay đổi để thích nghi với điều kiện "mất lũ".

BỬU ĐẤU - CẨM TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên