![Miền Tây bắt đầu bước vào đợt xâm nhập mặn sâu nhất mùa khô 2025 - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/hinhanh-nuuoc-1739504240031921711930.jpg)
Các nhà máy nước tại tỉnh Bến Tre đã lên phương án để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn sắp tới - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Ngày 14-2, ông Đặng Hoàng Lam, giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, cho biết thông tin trên. Đồng thời đưa ra khuyến nghị các địa phương cách cửa sông chính như sông Tiền, sông Hàm Luông, Cổ Chiên… từ 51km đến 69km trở xuống nên theo dõi và kiểm tra độ mặn khi vận hành cống và sử dụng nước sông trực tiếp.
Cụ thể, theo ông Lam, trên sông Cửa Đại độ mặn sẽ tăng dần từ ngày 21 đến ngày 23-2. Độ mặn 1‰ sẽ xâm nhập sâu vào xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, cách cửa sông hơn 51km.
Trên sông Hàm Luông, độ mặn tương tự xâm nhập vào đến xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, cách cửa sông hơn 62km. Còn trên sông Cổ Chiên, độ mặn 1‰ xâm nhập sâu gần 70km, đến xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng xâm nhập mặn, các địa phương nằm giáp biển đã đưa ra nhiều phương án để ứng phó với hạn, mặn.
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn nước trước khi lấy nước tưới cây trồng, và chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa 2 lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới).
Tận dụng các vật liệu tủ gốc trong vườn có thể (lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…) để hạn chế bốc thoát hơi nước, kết hợp chủ động tạo bóng che tạm thời cho cây trồng.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn nước mặn xâm nhập người dân cần mạnh dạn tỉa bớt hoặc toàn bộ số trái trên cây tùy theo mức độ ảnh hưởng của mặn ít hay nhiều để đảm bảo sự sinh trưởng của cây.
Còn tại Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu và được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt phương án 448 về phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, mùa khô 2024 - 2025, ngành nông nghiệp chọn phương án phòng, chống hạn, mặn theo kịch bản của năm 2023 - 2024 để bảo vệ sản xuất an toàn và nước sinh hoạt cho người dân.
Trong thời gian tới, các địa phương nghiên cứu dự báo để điều chỉnh phương án phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn cho phù hợp. Ngành nông nghiệp sẽ theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn để vận hành hệ thống cống thủy lợi.
Cụ thể, khi cống Xuân Hòa có điều kiện lấy nước ngọt, ngành nông nghiệp sẽ vận hành lấy nước để phục vụ sản xuất cho vùng ngọt hóa Gò Công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận