05/06/2015 06:00 GMT+7

Bộ Y tế VN sẵn sàng vào cuộc với MERS

ĐẶNG TƯƠI - LAN ANH - TRÀ MY - MINH MẪN
ĐẶNG TƯƠI - LAN ANH - TRÀ MY - MINH MẪN

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xác nhận khả năng lây nhiễm bệnh MERS CoV đến Việt Nam là có thể.

Một gia đình đeo khẩu trang ngừa virus MERS-CoV tại sân bay Incheon (Hàn Quốc) - Ảnh: Reuters.

Tại Hàn Quốc đã có hàng trăm trường học phải đóng cửa để tránh nguy cơ lây nhiễm vi rút MERS. Số ca nghi nhiễm đã vượt con số 1.000 người. 

Theo AFP, hiện hơn 20 quốc gia trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi vi rút này, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Hy Lạp, Mỹ... Với tỷ lệ tử vong là 30-40% và hiện chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa, việc phòng ngừa MERS là hết sức quan trọng và cần làm ngay.

Người dân không nên quá hoang mang

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xác nhận khả năng lây nhiễm bệnh MERS CoV đến Việt Nam là có thể.

Theo bộ trưởng Tiến, bệnh lây từ người sang người nên việc phòng chống cần được quan tâm và tích cực chủ động. Tuy nhiên, bộ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh người dân không nên quá hoang mang, tuy hiện nay chưa có thuốc đặc trị và vắc xin nhưng Bộ Y tế đã có những kế hoạch kĩ lưỡng để ứng phó trong trường hợp xấu nhất là dịch bệnh lây lan đến Việt Nam.

>> Bà Nguyễn Thị Kim Tiến 

Bộ Y tế đã có những cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ ban ngành, các chuyên gia và các tổ chức y tế thế giới để đưa ra các giải pháp cần thiết và cấp bách.

Thứ nhất không nên du lịch hoặc ký kết làm ăn với các nước Trung Đông và Hàn Quốc, Trung Quốc trong giai đoạn này.

Khâu kiểm dịch tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tất cả khách du lịch từ Trung Đông và Hàn Quốc phải khai rõ tình trạng sức khỏe của mình với cán bộ y tế.

Bên cạnh đó, người dân cần chủ động bảo vệ mình bằng cách vệ sinh tay chân, răng miệng sạch sẽ, tránh tập trung ở những nơi đông người, nhất là trẻ em.

Đối với Ban chỉ đạo và phòng chống dịch bệnh, phải có sự cam kết và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, phải thực hiện giám sát cộng đồng những ca bệnh nghi ngờ hoặc những ca đi về từ vùng có dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch trong việc tập huấn cho cán bộ y tế trên khắp 63 tỉnh thành trong việc giám sát, xử lý các ca bệnh nếu có xuất hiện, bà Tiến cho biết thêm.

>> Bà Nguyễn Thị Kim Tiến 

Người dân còn nhiều câu hỏi về bệnh

Chị Như Mai (TP.HCM) cho biết chị cũng có theo dõi các thông tin về căn bệnh này trên báo chí trong thời gian qua và cũng rất lo lắng nếu dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo chị Mai, thông tin hiện nay chưa được nhiều và cụ thể, nhất là tại các cơ sở y tế địa phương dường như chưa có bảng tin hay thông báo nào hướng dẫn cụ thể cho người dân cách phòng tránh.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm MERS tại sân bay quốc tế Incheon tại Incheon, Hàn Quốc ngày 2-6 - Ảnh: Reuters

Bạn Thanh Tú (TP.HCM) cho biết bệnh dịch này hạn chế người dân tập trung nơi đông người thế nhưng công việc đăc thù của mình là làm việc tại Siêu thị, nên Tú rất lo lắng nếu dịch bệnh bùng phát.

Thanh Tú chia sẻ băn khoăn không biết đối với những nơi công cộng thì người dân nên làm gì để phòng tránh hữu hiệu nhất?

Trong khi đó một bạn đọc khác cho biết: Nhìn thấy hình ảnh bệnh dịch ở Hàn Quốc thấy “ớn” quá vì giờ vẫn chưa có vacxin hay thuốc đặc trị, không biết Bộ Y tế đã có kế hoạch phòng tránh chưa?

Anh Hoàng Phong (Đồng Nai) nói: Chỉ mong sao cho những bệnh nhân đã mắc bệnh sẽ qua khỏi và tốt nhất là bệnh đừng lây lan sang Việt Nam.

Tỉ lệ tử vong là 40%

Đó là con số do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra sau khi đã có 1.149 người nhiễm MERS tính đến ngày 31-5-2015.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thanh Bình, giảng viên bộ môn Lao và bệnh phổi, ĐH Y dược TP.HCM cho biết MERS cũng gây ra hội chứng suy đường hô hấp cấp, giống như hội chứng SARS. Tuy nhiên, sự lây lan của MERS được ghi nhận là cao hơn Sars.

>> PGS.TS Ngô Thanh Bình 

Đánh giá về khả năng lây lan, PGS.TS Ngô Thanh Bình cho biết các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh vi rút MERS lây sang người có tiếp xúc với sữa, nước tiểu, phân, nước bọt của lạc đà. Và sau đó, vi rút này sẽ lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc như bắt tay, ôm hôn, dùng đồ ăn uống chung…

>> PGS.TS Ngô Thanh Bình 

“Biểu hiện khi nhiễm vi rút MERS giống như bệnh cúm thông thường, đó là sốt, ho, khó thở… Tuy nhiên, diễn tiến bệnh sẽ nặng hơn từng ngày, dẫn đến việc bệnh nhân viêm phổi nặng, suy thận nặng và có thể tử vong. Thời gian ủ bệnh có thể lên đến hai tuần.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng ngừa vi rút này”, BS Bình chia sẻ.

>> PGS.TS Ngô Thanh Bình 

Theo PGS.TS Ngô Thanh Bình, những người đang mắc các bệnh như đái tháo đường, suy tim, suy thận mãn và những bệnh nhân đang mắc các chứng gây suy giảm hệ miễn dịch… sẽ gặp bất lợi hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn nếu nhiễm vi rút MERS.

Học sinh Hàn Quốc ở Seoul đeo khẩu trang để đề phòng MERS - Ảnh: Reuters

PGS.TS Ngô Thanh Bình khuyến cáo mọi người nên tự bảo vệ mình, tránh lây nhiễm bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn trong 20 giây, nhất là trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Bên cạnh đó, khi ho hay hắt hơi thì nên dùng khăn giấy che mũi, miệng và vứt khăn giấy và sọt rác có nắp đậy để tránh lây lan.

Một khuyến cáo khác là không nên tiếp xúc với người mắc bệnh như bắt tay, ôm hôn, ăn uống chung bởi đó là những nguy cơ làm lây lan MERS cho người khỏe mạnh. Đối với những dụng cụ từng tiếp xúc với người bệnh, phải có động tác sát trùng, khử khuẩn thường xuyên để tránh lây lan, kể cả những vật bình thường như nắm cửa, ghế ngồi…

>> PGS.TS Ngô Thanh Bình 

ĐẶNG TƯƠI - LAN ANH - TRÀ MY - MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên