16/03/2015 08:46 GMT+7

Cứu người giữa trùng khơi - Kỳ 6: Mệnh lệnh trái tim

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
TRẦN MAI - THÂN HOÀNG

TT - Nhiệm vụ với Tổ quốc thiêng liêng, trách nhiệm với ngư dân là điều mà các y bác sĩ ở quần đảo Trường Sa luôn coi như một mệnh lệnh trái tim.

Đại úy Nhiệm (trái) và người anh vợ gặp nhau ở Trường Sa - Ảnh: Trần Mai

Nhưng những người chồng, người cha, người con không tránh được giây phút nhói lòng khi nỗi nhớ về gia đình cứ xốn xang ít nhiều.

Khi Tổ quốc là trên hết

Trường Sa giờ không còn như hơn chục năm về trước, sóng mạng Viettel đã phủ khắp các điểm đảo. Chính nhờ đó mà khoảng cách đất liền và đảo trở nên gần hơn.

Trong giờ sinh hoạt cá nhân buổi tối, các y bác sĩ ở các đảo mà chúng tôi gặp mỗi người một nơi vội gọi điện thoại về cho người thân hỏi thăm tình hình của gia đình mình.

Những giọng nói bi bô của con trẻ hay lời tâm sự xen chút hờn dỗi của những người vợ, người mẹ khiến lòng những người gắn bó với đảo trở nên ấm áp hơn. Đại úy Nguyễn Văn Nhiệm đang công tác tại đảo Đá Tây quê ở xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) tết này cũng như những tết trước anh phải ở lại với biển khơi.

Trong đợt chuyển quân ngày cuối năm, anh gặp người anh vợ là đại úy Lê Bá Sáu đang công tác tại lữ đoàn 146 - Trường Sa. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi cũng đủ để anh Nhiệm hỏi thăm bao nhiêu chuyện về đất liền,  về vợ và đứa con gái bé bỏng của mình.

Bên ấm trà nóng, hai người đàn ông gắn đời với biển thấu hiểu được lòng của nhau. Mặc dù đã trở về đất liền công tác nhiều năm nhưng anh Sáu nhìn thấy được nỗi lòng của người em rể. Nỗi nhớ ấy được gác một bên, nhường chỗ cho một trọng trách lớn hơn.

“Nhớ vợ con thì ai cũng giống nhau nhưng Tổ quốc là trên hết, nếu ai cũng vì cá nhân mình thì Tổ quốc ở đâu. Mỗi lần gọi điện về cho vợ và con tôi đều làm công tác tư tưởng để cô ấy hiểu rằng không chỉ tôi mà còn những anh em khác ra Trường Sa là nhiệm vụ của đất nước giao phó” - anh Nhiệm nói.

Vẫn ánh mắt và giọng nói nhẹ nhàng vốn có của người thầy thuốc, anh Nhiệm giọng đầy tự hào về vợ mình là chị Nguyễn Thị Hương và cô con gái Nguyễn Thị Thanh Trà đang học lớp 2.

“Cô ấy cũng làm nghề y, hiện đang công tác ở Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương. Biết là vợ ở nhà sẽ khổ hơn bởi mọi công việc lớn nhỏ trong nhà một tay cô ấy coi sóc, vậy mà khi tôi an ủi thì cô ấy lại động viên ngược lại.

Có lần con đau nằm viện cả tháng trời mà tôi không hề hay biết, mãi đến khi cháu khỏe vợ mới cho hay, lúc đó vừa thương vừa giận” - anh Nhiệm tâm sự.

Trước khi đoàn công tác rời khỏi đảo, anh Nhiệm không quên gửi cho anh Sáu lá thư viết vội và hai gói quà nhỏ là vỏ ốc và cá khô, ngoài hộp quà ghi rõ “phần quà của mẹ, phần quà của con”. Anh Nhiệm chia sẻ:

“Có lần tôi gửi quà về, mẹ cháu đem biếu hàng xóm và bà con nội ngoại hết. Cháu điện thoại nói: “Bố gửi quà cho con chứ phải cho mẹ đâu mà mẹ mang đi biếu hết, con chỉ còn mấy vỏ ốc thôi”, nghe giọng con nũng nịu mà tôi thương ghê. Chuyến này tôi gửi ghi rõ để cho cháu mừng”.

Đại úy Nhiệm khám bệnh cho một ngư dân vào đảo xin thuốc - Ảnh: Trần Mai

Tin xấu nửa đêm

Đảo Sinh Tồn Đông một ngày biển động. Trời về đêm gió thổi mạnh, sóng dồn sóng dập tứ phía. Đại úy Phạm Đức Thiện (bệnh xá trưởng bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông) đang xếp gọn gàng các loại thuốc trong tủ và gấp chiếc áo blouse chuẩn bị đi ngủ.

Điện thoại bỗng dưng đổ chuông, trên màn hình hiện lên số của Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn quốc gia. Từ ngày công tác ở đảo, anh Thiện sợ nhất những cuộc điện thoại lúc nửa đêm bởi những thông tin dội về thường là tin xấu.

Vội chộp lấy điện thoại, phía Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn quốc gia thông báo tình hình khẩn cấp: có một ngư dân trên tàu cá của tỉnh Bình Định đang nguy kịch vì bị lưỡi câu văng vào mắt, hốc mắt bị tổn thương nặng và mất nhiều máu.

Tàu đang cấp tốc đưa ngư dân vào đảo Sinh Tồn Đông. Anh Thiện vội khua anh em dậy, báo cáo tình hình cho chỉ huy trưởng của đảo và chuẩn bị các phương án sẵn sàng cứu người.

Khi tàu cá chỉ còn cách đảo vài hải lý, ánh sáng từ giàn đèn câu cá hắt về phía cầu cảng làm cả một vùng biển sáng bừng giữa đêm. Anh Thiện cùng các y sĩ đã túc trực sẵn trong đảo.

Anh thấy sốt ruột, lòng nóng như lửa đốt. Chiếc điện thoại lại đổ chuông, mở máy thấy màn hình hiện lên số điện thoại của gia đình, anh Thiện bấm nút từ chối không nghe để tập trung chuẩn bị cứu chữa ngư dân gặp nạn. Điện thoại vẫn liên tục đổ chuông.

Linh tính có chuyện chẳng lành, sau vài giây đắn đo Thiện quyết định nghe máy thì đầu dây bên kia người em trai thông báo: “Mẹ bị đau bụng dữ dội giữa đêm, cả nhà hoảng loạn nên phải gọi cho anh”...

Tiếng còi tàu rú lên từng hồi báo hiệu sắp cập cảng, tiếng gió biển rào rào, tiếng người thân hoảng loạn khiến Thiện ù hết tai, tâm trí hoang mang. Cố trấn tĩnh, hít thở sâu để tìm cách tốt nhất vừa cấp cứu cho ngư dân, vừa hướng dẫn người nhà sơ cứu cho mẹ.

“Lúc đó tôi rối bời không biết làm như thế nào cho đúng. Nhưng dường như tôi nghe thấy một mách bảo vô hình, phải hết sức bình tĩnh không được sơ suất. Tôi hướng dẫn em trai mình giữ ấm cho mẹ, gọi taxi đưa mẹ vào bệnh viện gần nhà.

Tôi nhớ ra đồng nghiệp của mình và cho số để em trai gọi đến nhờ giúp. Cuộc điện thoại dứt vừa đúng lúc tàu cá cập cảng. Gương mặt các ngư dân trên tàu hoảng loạn. Tôi cùng anh em vội lao ra để chuyển ngư dân bị thương vào bệnh xá” - anh Thiện nhớ lại.

Ngư dân bị thương được đưa vào đảo Sinh Tồn Đông là một chàng trai trẻ quê ở Hoài Nhơn, Bình Định mới 20 tuổi chưa có gia đình. Anh bị thương do lưỡi câu cá ngừ to bằng ngón tay, nặng như một viên bi sắt văng vào mắt.

Do vết thương sâu, không được sơ cứu kịp thời nên tiên lượng trong trường hợp xấu sẽ phải khoét bỏ nhãn cầu, thậm chí phải bỏ cả hai mắt. Việc xử lý vết thương gặp khó khăn khi ngư dân này vô cùng hoảng loạn, liên tục kêu gào vì đau đớn và sợ sẽ bị mù.

Để trấn tĩnh cho bệnh nhân, anh Thiện kể lại câu chuyện mà mình phải trải qua trong đêm nay:

“Trước khi đón cậu vào bệnh xá, mẹ tôi ở quê bị đau bụng trong đêm. Tôi cũng đang rất hoang mang nhưng cố giấu đi vì đôi mắt của cậu cần chúng tôi cứu chữa. Ở trên đảo giữa biển khơi này chúng ta cần tin tưởng vào nhau, mong cậu hiểu điều đó”.

Quá trình xử lý vết thương sau đó diễn ra khá thuận lợi. Rất may vết thương không bị nhiễm trùng, nhãn cầu cũng không phải múc bỏ.

“Ca cấp cứu kết thúc lúc tang tảng sáng, mình gọi điện về nhà thì được biết mẹ vừa trải qua cơn đau quặn thận. Cũng may người nhà đưa vào viện kịp, mẹ bị huyết áp cao, sức khỏe yếu nên phải nằm lại viện theo dõi thêm.

Cũng không dám nghĩ đến lúc đó nếu có chuyện xấu xảy ra thì mình sẽ phải chấp nhận và đối diện như thế nào. Nhưng đã mang trọng trách, nhiệm vụ trên vai, đã ra Trường Sa thì cứ nghe theo mệnh lệnh của trái tim thôi” - anh Thiện trải lòng.

_____________

Kỳ tới: Chúng tôi mang ơn họ

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên