13/03/2015 10:30 GMT+7

Bên trong bệnh viện di động

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
TRẦN MAI - THÂN HOÀNG

TT - Chúng tôi may mắn khi đến với Trường Sa trên con tàu bệnh viện Khánh Hòa 01 (HQ561).Sứ mệnh cao cả của chiếc tàu này khi xuất xưởng là cứu người giữa biển khơi...

Tàu Khánh Hòa 01 - bệnh viện di động trên biển - Ảnh: Trần Mai

Chúng tôi may mắn khi đến với Trường Sa trên con tàu bệnh viện Khánh Hòa 01 (HQ561). Từng nghe danh rất lâu về tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á này, ấy thế mà khi lên tàu vẫn cảm thấy nhiều bất ngờ.

Sứ mệnh cao cả của chiếc tàu này khi xuất xưởng là cứu người giữa biển khơi. Dấu chữ thập đỏ bên thành tàu trắng toát đã nói lên tất cả.

Những ngày trên tàu bệnh viện

Ngày 5-1, từ quân cảng Cam Ranh chúng tôi thẳng tiến ra Trường Sa, vịnh Cam Ranh trải dài quấn lấy những vách núi dựng ngược lởm chởm đá. Chiếc tàu bắt đầu rung lắc nhẹ khi vừa thoát ra ngoài cửa vịnh, bỏ lại sau lưng phố thị núi đồi.

Vài người chưa quen với sóng gió bắt đầu nôn ói. Cánh phóng viên “yếu sóng gió” vội trở về phòng nằm giữ sức khỏe trước hành trình có thể kéo dài cả tháng, nhất là trong dịp cuối năm sóng biển có thể đánh gục bất kỳ ai chưa có “bài học vỡ lòng” về biển.

Cách bờ chừng 50 hải lý, phóng viên Văn Tài báo Phú Yên bất ngờ co giật khiến những người trên tàu hốt hoảng. Bác sĩ Thái Đàm Lương vội vã huy động y bác sĩ trên tàu nhanh chóng đưa anh Tài xuống phòng hội chẩn nơi có trang bị hệ thống kết nối vệ tinh Vinasat.

Nếu tình hình phóng viên Văn Tài xấu hơn, can thiệp bằng thuốc không thành công sẽ phải kết nối trực tuyến với Bệnh viện Quân y 175 để các bác sĩ hàng đầu bàn thảo hướng xử lý, cần thiết sẽ tiến hành mổ cấp cứu.

Chiếc tàu có tải trọng 2.070 tấn, chuyên chở được gần 200 người, thủy thủ đoàn cùng êkip bác sĩ, nhanh chóng giảm tốc độ nhằm giảm tối đa sự va đập của sóng làm tàu chao đảo gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh. Sau hơn một giờ cứu chữa, sức khỏe phóng viên Văn Tài dần ổn định.

Qua các vòng đo huyết áp, điện não, điện tim, siêu âm... không phát hiện triệu chứng phát sinh gì, bác sĩ Lương cùng êkip mới thở phào nhẹ nhõm. “Ra Trường Sa công tác đợt này khó khăn nhất bởi thời tiết không ổn định bằng chuyến mùa hè. Có năm 20 giường bệnh trên tàu không còn một chỗ trống” - bác sĩ Lương chia sẻ.

Tàu HQ561 đi vào hoạt động từ đầu năm 2013 đã trải qua hơn 20 lần làm nhiệm vụ trên biển, khi thì cấp thuốc cho ngư dân, lúc vận chuyển thực phẩm, thuốc men cho các đảo ở Trường Sa và diễn tập hải quân Asian, diễn tập cấp cứu thảm họa trên biển... Chuyến dài nhất lên đến 43 ngày, chuyến ngắn nhất cũng hơn 20 ngày.

Là người có mặt trên tàu từ khi bắt đầu những hải lý đầu tiên, bác sĩ Lương và thiếu tá Nguyễn Văn Cường - thuyền trưởng tàu - người hiểu rõ nhất về từng phòng bệnh và công năng của tàu. Thiếu tá Cường chia sẻ lái tàu biển là một ngành khó bởi khi xuyên biển dài ngày không thể tránh khỏi sự cố sóng gió, máy móc, đá ngầm... nên phải hết sức thận trọng đối với cả thủy thủ đoàn dù trên bất kỳ con tàu biển nào.

“Chúng tôi trách nhiệm còn nặng nề hơn, chỉ cần trên biển bất kỳ tàu nào có người đau ốm chúng tôi sẽ xác định tọa độ đến vị trí để tiếp cứu dù thời tiết có như thế nào. Hơn nữa trên tàu thiết bị y tế thuộc loại hiện đại nhất thế giới, việc bảo quản giữ gìn cũng như đảm bảo khi hoạt động cứu chữa sẽ không gặp bất cứ sự cố gì”.

Mỗi ngày ba lần, bác sĩ Lương và y sĩ Phan Văn Linh phải đi hết 10 phòng từ điện tim, giảm áp, xét nghiệm sinh hóa, siêu âm, mổ, hồi sức cấp cứu, X-quang kỹ thuật số, răng hàm mặt, kho thuốc trang thiết bị và phòng khám bệnh để kiểm tra thường nhật.

Đi cùng anh qua các phòng chức năng trên tàu bệnh viện, anh Lương chia sẻ: “Phòng nào cũng quan trọng, nhưng đặc biệt chú ý đến phòng giảm áp bởi hệ thống giảm áp cấp cứu hiện đại nhất Việt Nam một lúc có thể cấp cứu 8-10 người này rất quan trọng.

Ngư dân gặp tai nạn trên biển trong quá trình lặn nếu máy móc không ổn định, cấp cứu không kịp thời sẽ nguy đến tính mạng người bệnh”.

Bệnh viện di động với trang thiết bị hiện đại cũng là một thách thức không nhỏ đối với êkip bác sĩ và đoàn thủy thủ bởi nắm bắt, vận hành cứu chữa trên biển khó hơn trên đất liền. Tàu có hai cánh giảm sóng để giảm bớt độ rung khi sóng to.

Trong chuyến đi của chúng tôi ra Trường Sa, cánh liên tục được mở nhưng một số phóng viên báo đài vẫn nôn ói cho đến ngày về lại Cam Ranh là có thể hiểu được việc cứu chữa, hay mổ nội soi, mổ hở... trên tàu khó khăn đến mức nào. Từ việc giữ thăng bằng, cố định dao mổ và người bệnh đến truyền dịch, gây mê, hồi sức không phải bác sĩ nào cũng có thể làm được.

Bác sĩ Lương dù được thực tập bài bản nhưng khi nhận nhiệm vụ vẫn phải mất khá nhiều thời gian để làm quen. “Cứu người không phải đơn giản, chỉ cần mổ trật một vết cắt là có thể ân hận cả đời. Ở trên tàu phải tự rèn luyện sóng lắc mình theo, nhưng mũi dao vẫn không trật dù chỉ một milimet”, anh Lương nói.

Các chiến sĩ hải quân giúp một tàu cá Quảng Ngãi neo nhờ và đưa người lên tàu bệnh viện khám bệnh - Ảnh: Trần Mai

Điểm tựa của ngư dân

Phải mất chín ngày vừa đi vừa ghé các đảo chúng tôi mới đến được đảo Thuyền Chài, dù là đảo chìm nhưng khi thủy triều xuống lại lộ ra một bình nguyên san hô dài hơn 30km. Hôm đó biển động, chúng tôi không thể xuống xuồng vào đảo, tàu thả neo cách đảo chừng hai hải lý.

Lúc nhá nhem tối trời bỗng dưng hết mưa, đứng trên boong tàu chúng tôi nhìn thấy chiếc tàu cá QNg 96156 là tàu duy nhất còn đánh bắt trong những ngày giáp tết. Biển động, chiếc tàu cá ra tín hiệu để tiến lại gần và xin neo nhờ. Thủy thủ đoàn dùng dây thừng cố định chiếc tàu cá phía sau đuôi HQ561. Nhìn chiếc tàu cá lắc lư trên biển như muốn lật úp mới thấy hết sự dữ dội của biển khơi mùa sóng lớn.

Một vài ký hiệu bằng tay của ngư dân và thủy thủ đoàn mà chỉ có những người đi biển mới hiểu được. Thuyền trưởng Cường giơ ngón tay cái lên ra hiệu đồng ý. Anh Cường giải thích: “Ngư dân đề nghị tàu giúp đỡ vì có người bị bệnh”.

Chiếc thúng chai thả xuống mặt biển cứ chao đảo liên tục, hai thanh niên đỡ một người ốm nhom tay giữ lấy phần miệng tỏ ra đau đớn. Ngư dân Nguyễn Văn Hội (quê An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) được đưa lên tàu HQ 561 khám bệnh, đã tám ngày anh đau ở vòm họng phải nhưng vẫn gắng làm việc.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Lương xác định anh Hội bị sâu răng, chân răng hỏng nặng dẫn đến sốt và đau.

Các bác sĩ tiến hành rửa răng bằng dung dịch, đồng thời thoa thuốc trực tiếp lên chân răng. Sau hơn một giờ, anh Hội hết sốt và không còn cảm giác ê buốt. Bác sĩ Lương cấp thuốc riêng cho anh Hội, đồng thời đưa thuốc dạ dày, kháng sinh, dung dịch bôi vết thương và băng y tế để anh Hội mang xuống tàu cá cho các ngư dân.

Ngư dân 32 tuổi ở quê hương hải đội Hoàng Sa chia sẻ: “Chúng tôi đánh bắt ở Hoàng Sa là chính, mùa biển động mới chuyển vào Trường Sa vì sóng gió ít hơn. Mấy hôm nay chúng tôi cố gắng cập đảo để khám bệnh mà sóng lớn quá tàu không ngược sóng được. Lúc chiều thấy tàu bệnh viện HQ561 neo, anh em đưa tôi lên khám. Đi biển mà thấy tàu bệnh viện này là ngư dân tụi tui an tâm lắm”.

Trước lúc trở về tàu, những ngư dân trên tàu cá tặng hơn 10kg cá nục đỏ, còn tàu HQ561 ngoài thuốc còn biếu những ngư dân cà phê, thịt hộp và kẹo bánh. Những nụ cười quân dân giữa biển khơi khiến chúng tôi yêu quý hơn những người lính - thầy thuốc trên tàu trong những hải trình cùng ngư dân bám biển.

_________

Cũng đau họng, nhưng một ngư dân Bình Định đã khiến cả bệnh xá Trường Sa thức trắng đêm.

Kỳ tới: Nghẹt thở trong đêm

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên