Mẹ chồng - con dâu hoàn toàn có thể thân thiết như ruột thịt - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Con dâu yêu quý!
Nỗi hối hận dâng trào, mẹ cần phải viết ra những lời này để xin lỗi con. Trước đây mẹ chăm chăm nhìn thấy toàn lỗi lầm của con, nên mẹ hay cáu có và trả lời cộc lốc, không một chút thiện cảm.
Con thật sự đã làm mẹ giận dữ khi trở thành con dâu. Mẹ đã rất vất vả, con trai mẹ mới có được là một doanh nhân trẻ thành đạt, là niềm tự hào của ba mẹ, ông bà, dòng họ. Nhưng con mẹ lại chọn vợ là con nhà nông, ra thành phố làm công nhân khu công nghiệp.
Khỏi phải nói cũng biết đại gia đình đã thất vọng tràn trề như thế nào khi con trai dẫn bạn gái về ra mắt. Tuy thất vọng, nuối tiếc, không ai dám ngăn cản, vì tuy là doanh nhân trẻ, con trai mẹ không còn trẻ về tuổi lập gia đình.
Mẹ luôn nghi ngờ rằng con lấy con trai mẹ vì tất cả những gì đang có. Mẹ đã nhìn con bằng cặp mắt đầy thành kiến, không thèm để ý đến cái tốt, điều hay, sự chân thành của con. Mẹ biến thành một bà mẹ chồng suốt ngày chỉ săm soi tội lỗi của con dâu mình.
Từ ngày về sống chung một nhà, con chịu không ít ấm ức từ sự coi thường của gia đình chồng. Bắt đầu từ việc mẹ yêu cầu con phải thôi làm công nhân với lý do: "Gia đình này không chấp nhận có con dâu làm công nhân".
Hễ có dịp, mẹ lại than: "Không ai sướng bằng con dâu nhà này. Chuột sa hũ nếp".
Sau nhiều sự cố, công ty con trai mẹ phá sản, phải bán nhà cửa, xe ô tô đến tất cả những gì có được để trả nợ, trở về với hai bàn tay trắng.
Rồi con thông báo: "Ba mẹ con hỗ trợ vốn cho con mua lại một nhà hàng nhỏ. Ban đầu con chỉ kinh doanh vài món với khoảng chục bàn, dần dần ổn định con sẽ mở rộng quy mô". Cả nhà mắt chữ O mồm chữ A nhìn con.
Chẳng ai quan tâm hay ủng hộ dự án được cho là không ra gì ấy. Không được gia đình chồng ủng hộ từ vật chất lẫn tinh thần, con một mình xoay xở từ A đến Z, không một lời than vãn.
Chính mẹ cũng không ngờ, nhờ ở nhà nội trợ mấy năm trời, con nấu ăn rất ngon. Vốn là người để ý khẩu vị từng người trong gia đình, nhất là bà mẹ chồng khó tính, con cũng rất chịu khó để ý khẩu vị của từng khách hàng. Nấu cho người miền Trung, con nêm mếm gia vị đậm đà một chút, vị ngọt mặn hài hòa. Còn với người miền Nam, con thêm chút vị ngọt, vị béo đúng chất món miền Nam.
Sự tinh tế trong khẩu vị có sức lôi kéo đặc biệt, khiến khách hàng càng lúc càng đông. Sau vài năm, từ một nhà hàng nhỏ, giờ con đã là chủ nhà hàng kinh doanh tiệc cưới sang trọng bậc nhất thành phố.
Mẹ chợt nhận ra, cuộc sống thật mong manh, đời người thật ngắn ngủi. Trong cuộc sống đầy rủi ro bất ngờ, biết đâu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời thì mẹ sẽ rất hối tiếc và ân hận vì đã quên viết thư xin lỗi con.
Cảm ơn con, con dâu của mẹ.
Từ 28-11 đến 6-12-2018, Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều bài viết chia sẻ của độc giả với chủ đề Gửi người thương: Trần Văn Tám, Thiện, Diệp Linh, Nguyễn Thanh Quang, Kiều Thu, Dương Dương, Nguyễn Văn Nam, Thu Hien, Bình Phú Võ, Thi Hoàng, Nguyệt Thanh Sương, Đức Duy, Nguyễn Đình Đầy, Linh Nguyễn, Thu Trang...
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi bài viết, và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các bạn thời gian tới.
Bạn có tâm sự muốn nhắn gửi người thương xưa, hay người yêu hiện tại? Mời bạn gửi bài viết khoảng 800 - 1.000 chữ cho Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận