22/09/2019 15:20 GMT+7

Mẹ tôi là 'siêu nhân'

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Hình ảnh mẹ được Sơn ví von như "siêu nhân", bởi bà luôn chọn làm những công việc nặng nhọc nhất để lo đủ cái ăn, cái mặc, chuyện học hành cho các con. Vũ Hoàng Hải Sơn (sinh viên năm 2 Đại học Ngoại thương cơ sở II, TP.HCM) chia sẻ.

Mẹ tôi là siêu nhân - Ảnh 1.

Vũ Hoàng Hải Sơn trang trí lại "Góc Nhật Bản" do Sơn và bạn bè thực hiện tại trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 - Ảnh: BÌNH MINH

Năm lên 9 tuổi, Hải Sơn đã bắt đầu làm quen với cuộc sống trong một gia đình không còn trọn vẹn tiếng cười khi cha mẹ li hôn. Cha sau đó bỏ đi biệt xứ, để lại một mình mẹ nuôi lớn ba chị em Sơn. Cậu bé Vũ Hoàng Đông, em trai Sơn, dù đã lên 11 tuổi nhưng mới chỉ học đến lớp 3 do chậm phát triển.

Xin cảm ơn hoàn cảnh!

"Tôi nhìn thấy rất nhiều những điểm sáng trong suốt hành trình gian khó của mình. Phải cảm ơn vì hoàn cảnh đã biến tôi thành một người chững chạc hơn so với tuổi đời", Sơn nói.

19 tuổi, Hải Sơn tự gọi mình là "chàng trai của công việc nhà" bởi từ giặt đồ, nấu ăn, quét tước, lau nhà, chăn gà vịt…, Sơn đều thành thục. Mỗi khi có thời gian rảnh, Sơn phụ mẹ đi nhặt điều, chở điều, phục vụ quán nước, rồi rửa chén, dọn tiệc thuê....

Hàng tháng, Hải Sơn cũng dạy thêm cho học sinh tiểu học. Thu nhập 1,2 triệu đồng/tháng giúp Sơn chi trả được chi phí thuê trọ, còn chi tiêu của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào mẹ và người chị ruột làm công nhân tại Bình Phước.

Hầu như chưa bao giờ Sơn bị "đuối" khi phải cân đối giữa việc nhà, việc học, việc dạy thêm và hoạt động Đoàn, Hội tại trường bởi cậu sinh viên này lớn lên từ trong thử thách - những thử thách bắt đầu từ khi Sơn mới ở cấp tiểu học - từ đó hình thành kỹ năng quản lý công việc và thời gian một cách khéo léo.

Tự nhủ phải luôn mạnh mẽ và ý thức chủ động giải quyết vấn đề, Hải Sơn nói cậu tự hào nhất về những nỗ lực của chính bản thân mình, điều mà khi nhìn lại Sơn vẫn không hiểu "vì sao mình có thể đi được một hành trình dài đến như vậy".

"Mẹ là siêu nhân"

Nhiều năm không gặp cha nhưng trong ký ức của Sơn vẫn còn nhiều hình ảnh và kỷ niệm đẹp. Sơn nói cậu luôn tôn trọng cha dù có thế nào đi nữa, và hiểu rằng mình không nên giữ sự thù ghét đối với bất kỳ ai bởi "biết đâu họ có những lý do riêng".

"Tôi vẫn nhớ cha là người dắt tôi đi thả diều, tập cho tôi chạy xe đạp, luôn mua quà cho tôi mỗi khi đi làm về dù bây giờ không còn gặp cha nữa", Hải Sơn kể.

Kể từ khi cha quay lưng bỏ lại gia đình, mẹ Sơn đã xoay vần với rất nhiều công việc nặng nhọc từ khuân củi, bốc than, vác gỗ, chở điều, đi cạo và chở mủ cao su… Một ngày trời mưa rất to, mẹ Sơn chở mủ cao su không may bị dây ràng quật vào mắt gây thương tổn, khiến mắt bà không còn nhìn rõ như trước.

"Thu nhập của mẹ không ổn định, có khi mẹ vẫn phải đi vay mượn để mua thức ăn, đồ dùng học tập cho em tôi", Sơn nói.

Với Hải Sơn, hình ảnh mẹ được cậu ví von như "siêu nhân" bởi bà luôn chọn làm những công việc nặng nhọc nhất để lo đủ cái ăn, cái mặc, chuyện học hành cho các con.

Giáo dục là sự phát triển dài hạn

"Với tôi, phát triển giáo dục chính là sự phát triển về lâu dài. Giáo dục là gốc rễ của mỗi con người, giúp bồi dưỡng nhận thức để mỗi chúng ta khi trở thành những người cha, người mẹ được giáo dục tốt từ bé, sẽ nuôi dạy con mình một cách đúng đắn", cậu sinh viên 19 tuổi nói.

Mẹ tôi là siêu nhân - Ảnh 2.

"Với tôi, phát triển giáo dục chính là sự phát triển về lâu dài", Hải Sơn chia sẻ - Ảnh: BÌNH MINH

Sơn cho biết cậu muốn học thật tốt để đạt được những mục tiêu lớn trong sự nghiệp và cuộc đời, mà cụ thể là mơ ước xin được học bổng du học và làm việc tại Nhật Bản.

"Tôi mong được làm việc tại những công ty kế toán, kiểm toán hàng đầu nhưng trước đó, tôi sẽ tìm học bổng đến Nhật Bản để trau dồi khả năng ngoại ngữ cũng như kinh nghiệm làm việc, từ đó quay về đóng góp cho đất nước", Hải Sơn chia sẻ.

Đóng vai trò tích cực trong rất nhiều hoạt động cộng đồng, Sơn nói thứ giá trị mà cậu muốn lan toả nhiều nhất đến cho mọi người chính là sự tin tưởng.

"Hoạt động cộng đồng giúp tôi nhìn thấy nhiều mảnh đời bất hạnh hơn mình. Có những bạn trẻ rất phi thường và nghị lực, luôn nở nụ cười và không cam chịu nghịch cảnh. Đó là điều rất đáng trân quý", Hải Sơn nhắn nhủ.

Trao 65 suất học bổng “Chắp cánh ước mơ” 2019

Nhằm hỗ trợ kịp thời các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và sinh viên vùng Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến lớp, báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Tổng công ty Tín Nghĩa cùng phối hợp tổ chức trao 65 suất học bổng Chắp cánh ước mơ 2019.

Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ tài trợ 500 triệu đồng trao 65 suất học bổng cho học sinh - sinh viên thuộc địa bàn 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Trong đó, TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận có 30 học bổng dành cho sinh viên năm 1, năm 2 (mỗi tỉnh thành 5 học bổng).

Riêng tỉnh Đồng Nai có 30 học bổng cho học sinh và 5 học bổng cho sinh viên. Mỗi học bổng cho học sinh là 5 triệu đồng, sinh viên là 10 triệu đồng. Lễ trao học bổng Chắp cánh ước mơ 2019 sẽ tổ chức tại Trường Đại học Đồng Nai vào ngày 25-9-2019.

Quế Trâm kiên cường sau những biến cố Quế Trâm kiên cường sau những biến cố

TTO - Một năm trước, Lê Thị Quế Trâm (sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế TP.HCM) vẫn còn dễ khóc, dễ buồn trước khó khăn, nhưng biến cố đã biến Trâm thành một con người khác, kiên cường và bản lĩnh.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên