Thầy cô đi tìm học bổng, chắp cánh ước mơ cho những học trò gian khó

Đằng sau mỗi câu chuyện của các cô cậu học trò gửi đến chương trình học bổng - giải thưởng Chắp cánh ước mơ 2025 là cả tấm lòng.

chắp cánh ước mơ - Ảnh 1.

Một số bài viết về những học sinh vượt khó học giỏi được giới thiệu với học bổng Chắp cánh ước mơ 2025

Đó là thầy cô giáo, người quen tình cờ biết câu chuyện nghị lực của các bạn và muốn kể cùng mọi người.

Có thầy giáo kể câu chuyện về nhiều bạn với phân trần đã "phải chọn lựa những bạn vất vả nhất, chứ còn nhiều học sinh khó khăn lắm". Hay một bạn đọc nói rất khâm phục sức chịu đựng của người phụ nữ cùng quê khi một mình quần quật nuôi năm con mà đứa nào cũng ngoan ngoãn.

Thầy cô giáo đi xin học bổng Chắp cánh ước mơ cho trò

Phần lớn bài viết giới thiệu học sinh với học bổng Chắp cánh ước mơ là của các thầy cô giáo nói về học sinh của mình. Cô giáo Trương Thị Hạnh cám cảnh vì cô học trò Dương Trần Diệu Anh trong lớp cô chủ nhiệm ngay từ lúc sinh ra đã bị chính cha ruột hắt hủi vì ông tin lời mê tín bảo rằng "đứa con gái là điềm gở".

Ngay cả ông ngoại, hàng xóm cũng bàn tán mấy chị em con bé là "đám báo cô" khi chúng được một tay bà ngoại nuôi nấng. Nỗi cám cảnh ấy được thay thế bằng tình thương. Cô tin vào nghị lực của cô học trò nhỏ quyết học hành để viết lại đời mình, đổi thay số phận để có tương lai tươi sáng hơn.

Mời bạn đánh giá các chương trình, sản phẩm, dịch vụ tại link này.

Trong thư gửi đến chương trình, cô Hạnh viết: "Tôi tự hào khi có một học sinh chăm ngoan, nghị lực như thế và muốn chia sẻ câu chuyện của Diệu Anh với mọi người, rất mong bạn được nhận học bổng Chắp cánh ước mơ để phần nào nhẹ bớt gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé ấy".

Còn thầy giáo Tôn Đức Vinh viết về hai nữ sinh cùng học lớp 8 ở đất võ Bình Định với tất cả sự cảm phục về nghị lực vượt khó và sự phấn đấu không ngừng của hai cô học trò mồ côi. 

Thầy giới thiệu và chờ tin học sinh sẽ được nhận học bổng vì với mỗi bạn, suất học bổng không chỉ là món quà vật chất vô cùng ý nghĩa trong cảnh khốn khó hiện tại mà trở thành "nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm niềm tin để các bạn vững tin hơn trên con đường học tập còn dài phía trước".

chắp cánh ước mơ - Ảnh 2.

Một số bài viết về những học sinh vượt khó học giỏi được giới thiệu với học bổng Chắp cánh ước mơ 2025

Gửi trao niềm tin

Từ Đắk Lắk, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Anh gửi đến ba bài viết về các học trò cùng lời nhắn: "Các bạn đều xứng đáng để được trao học bổng Chắp cánh ước mơ mà quý báo đang tìm kiếm". Những học trò khiến cô thổn thức về sự kiên cường, nghị lực vững vàng, trưởng thành hơn nhiều so với tuổi của các bạn ở ngôi trường dành cho học sinh dân tộc nội trú cô đã công tác hơn ba năm qua.

Cô giáo tin nữ sinh Bùi Thị Anh Thư sẽ chiến thắng những rào cản phía trước với niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn cho mình và gia đình. 

Còn cậu học trò Đỗ Việt Hoàng đã âm thầm chiến đấu với hoàn cảnh, từng ngày bền bỉ xây đắp ước mơ bằng hành động cụ thể. Với những kết quả rõ ràng đạt được, cô giáo nói Hoàng sẽ vươn xa trên hành trình học tập để trở thành lập trình viên như cậu hằng mơ ước.

"Học bổng với mỗi bạn là sự khích lệ tinh thần, giúp các bạn thêm niềm tin, thêm sức mạnh để viết tiếp hành trình học tập, hiện thực hóa ước mơ và gieo hy vọng cho buôn làng mai sau", cô Quỳnh Anh chia sẻ.

Hay thầy Nguyễn Bảo Toàn viết về cô học trò Nguyễn Quỳnh Như rằng nghèo khó không làm bạn nhụt chí. Cô gái không biết cha là ai đã nương tựa vào người mẹ khuyết tật của mình mà lớn lên, mà học với khát khao "phải có chữ" để đổi thay cuộc đời hai mẹ con. Nếu được tiếp sức kịp thời, người thầy tin học trò mình sẽ bước đi một cách vững vàng, mạnh mẽ vào tương lai.

chắp cánh ước mơ - Ảnh 3.

Một số bài viết về những học sinh vượt khó học giỏi được giới thiệu với học bổng Chắp cánh ước mơ 2025

"Thương các cháu quá"

Bạn đọc Trần Vinh khi gửi những bài viết giới thiệu về học sinh quê mình với chương trình luôn nhắn kèm theo "thương các cháu quá". Cậu học sinh Nguyễn Võ Sơn Hải để lại ấn tượng với ước mơ muốn trở thành bác sĩ mà bạn đọc này ví cậu có "ý chí như núi" giống cái tên mẹ đặt cho. Cũng bởi cậu bé lớn lên trong vòng tay cơ cực của người mẹ nghèo một nách nuôi năm con nhỏ mà đứa nào cũng ngoan.

Bạn đọc này còn giới thiệu với học bổng cô học trò Nguyễn Ngọc Tường Vy mà anh ví cô bé như đóa tường vi vẫn nở trên mảnh đất khô cằn sỏi đá quê mình. Bởi dù được coi là khó khăn nhất trong những học sinh khó khăn của lớp nhưng hễ bạn nào cần giúp, Tường Vy đều sẵn lòng. Cô bé còn nhận làm gia sư miễn phí cho mấy đứa trẻ cùng xóm.

Những câu chuyện nghị lực đó nhắc anh nhớ lại ngày xưa của mình, để càng khâm phục sự nỗ lực từng ngày của các bạn nhỏ ấy, quyết học để thay đổi đời mình, âm thầm chiến thắng số phận với sức sống mãnh liệt.

Trao 100 học bổng Chắp cánh ước mơ vào ngày 10-7

100 học sinh của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ được nhận học bổng Chắp cánh ước mơ 2025 (4 triệu đồng/suất) trong buổi lễ được tổ chức tại tỉnh Gia Lai ngày 10-7.

Các bạn đều có học lực khá - giỏi, gia cảnh quá khó khăn (mồ côi hoặc trụ cột, người thân trong gia đình không may mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, con thương binh - liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, học sinh khuyết tật...) nhưng luôn kiên trì bám trường bám lớp, khát khao học tập.

Đây là năm thứ hai chương trình học bổng - giải thưởng này được báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Văn Hiến thực hiện. Trong 100 suất học bổng có 30% dành cho học sinh THCS và 70% học sinh THPT.

Học bổng cho tân sinh viên

Trong khuôn khổ học bổng này, Trường ĐH Văn Hiến và Trường CĐ Bình Minh Sài Gòn còn dành 120 suất học bổng (khoảng 5,6 tỉ đồng) cho tân sinh viên trúng tuyển vào hai trường này mùa tuyển sinh 2025.

Trong đó 60 suất vào Trường ĐH Văn Hiến và 60 suất vào Trường CĐ Bình Minh Sài Gòn. Tùy theo học lực, hoàn cảnh, tân sinh viên sẽ được tặng học phí các mức 100%, 50% và 30% toàn khóa đào tạo.

Hiện vẫn đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký ứng tuyển học bổng của học sinh lớp 12 qua liên kết: https://bit.ly/dkhbchapcanhuocmo, hạn chót đến ngày 28-7.

chắp cánh ước mơ - Ảnh 4.

Tấm lòng người dưng - Ảnh 4.Từ học bổng Chắp cánh ước mơ, Thảo đã đi qua dông bão cuộc đời

Một năm sau khi lên TP.HCM học đại học, Nguyễn Thị Kim Thảo đang làm việc ca đêm tại một cửa hàng tiện lợi ở quận Bình Thạnh. Cô gái nhỏ đã dạn dĩ hơn nhiều.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên