Các em học sinh tại TP Buôn Ma Thuột đến tham gia buổi giao lưu, trao học bổng - Ảnh: TRUNG TÂN
Đó là những tâm sự của ông Nguyễn Hoàng Nguyên, ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ gửi đến 110 tân sinh viên nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" khu vực Tây Nguyên tối 21-9.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng tỉnh đoàn 5 tỉnh Tây Nguyên, Đài Phát thanh - truyền hình Đắk Lắk và Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức…
Nghị lực của những cánh cò mồ côi
Tân sinh viên Y Mâu Ajun (thứ 2 từ trái qua) và Thị Phượng (ngồi kế) chia sẻ về câu chuyện bản thân - Ảnh: TRUNG TÂN
Trong hàng trăm lá thư đề đạt nguyện vọng của sinh viên tại 5 tỉnh Tây Nguyên gửi về, chúng tôi đã rất đắn đo khi lựa chọn, vì số lượng học bổng cho toàn vùng năm nay chỉ 110 suất (10-15 triệu đồng/suất). Có hàng trăm câu chuyện đau thương, mất mát không thể kể hết bằng lời, không thể đong đếm.
Đó là hoàn cảnh của bạn Trần Văn Dũng ở thôn 6, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), tân sinh viên Trường đại học Đà Lạt. Dũng sinh ra đã không biết mặt cha. Năm 2006, khi cậu bé đáng thương vừa tròn 5 tuổi thì mẹ cũng từ biệt cõi đời vì bệnh tim.
Trái tim cậu học trò nhỏ này cũng mang di truyền từ mẹ và gia đình và bạn đang được theo dõi tại Viện Tim TP.HCM do bệnh rối loạn nhịp tim - hội chứng Brugada.
Các tân sinh viên Tây Nguyên trong chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Tây Nguyên - Ảnh: TRUNG TÂN
Bù lại hoàn cảnh đầy khốn khó và trái tim yếu ớt vì bệnh lý, ý chí của cậu học trò xứ núi Kon Tum lại vô cùng mạnh mẽ. Mỗi lúc khỏe, Dũng vùi đầu vào học, tranh thủ làm thêm để phụ giúp bà ngoại, các dì để kiếm tiền đi học.
Với quyết tâm không ngừng, cậu học trò tưởng chừng yếu ớt ấy giờ đây đang là tân sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Đà Lạt. "Mình rất hạnh phúc khi được là 1 trong 7 sinh viên được nhận suất học bổng đặc biệt của ban tổ chức. Số tiền không quá lớn nhưng nó vô cùng trân quý đối với hoàn cảnh của mình", Dũng tâm sự.
Một "cánh cò mồi côi" khác, bạn Nguyễn Thiện Vy (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), tân sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng có hoàn cảnh vô cùng éo le. Ba chị em Vy mất cả cha lẫn mẹ từ khi còn nhỏ nên về sống chung với người bác ruột.
Các tân sinh viên nhận học bổng tại chương trình - Ảnh: TRUNG TÂN
Cả gia đình sống nhờ vào quán tạp hóa nhỏ của bác ở chợ nên kinh tế khó khăn, thiếu trước hụt sau. Bù lại, những lúc rảnh, Vy xin đi phụ việc ở quán nước để kiếm thêm thu nhập.
"Đậu đại học đúng ngành mình mơ ước mình rất vui. Vậy nên dù còn rất nhiều khó khăn phía trước, minh sẽ cố gắng vượt qua để ra trường, giúp bác đỡ vất vả", Vy tâm sự.
Mở cửa cuộc đời từ buôn làng xa xôi
Hai trong số 110 tân sinh viên từ buôn làng vượt qua nỗi đau, khó khăn để chinh phục tri thức - Ảnh: TRUNG TÂN
Đại diện cho 110 sinh viên nhận học bổng, hai tân sinh viên tại buổi giao lưu đã để lại rất nhiều cảm xúc. Đó là 2 sinh viên người dân tộc thiểu số, gia đình khó nghèo nhưng có khát khao cháy bỏng sẽ mở cánh cửa cuộc đời bằng con chữ.
Cô tân sinh viên người M’nông Thị Phượng vừa đậu ngành công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) rơm rớm mỗi khi kể về hoàn cảnh gia đình. Trước ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019, cha Phượng đột ngột qua đời. Nay một mình mẹ gồng gánh nuôi ba con với vài trăm cây cà phê ở vùng đất cằn cỗi, đã khó nay còn thêm khổ.
Mỗi lần nhắc về người cha xấu số của mình, Phượng không khỏi xúc động - Ảnh: TRUNG TÂN
Phượng kể dù nghèo, đông con nhưng mẹ không cho chị em bạn nghỉ học. "Mẹ hay nói chỉ có học mới thay đổi cuộc đời mình", Phượng tâm sự. Chị gái Phượng cũng đang học năm cuối ngành ngữ văn của trường này, còn còn cô em gái út đang học cấp 2 ở quê.
Phượng nói cô chọn ngành công tác xã hội vì mong muốn truyền được thông điệp đến những người con gái ở buôn làng mình phải thoát khỏi tập tục: bỏ học sớm, lấy chồng, sinh con. "Mình muốn thay đổi suy nghĩ cố hữu ở quê nhà rằng con gái phải bỏ học, lấy chồng. Con gái hay con trai, dù ở vùng sâu vùng xa cũng đều phải có tri thức để xây dựng cuộc sống của mình, quê hương mình tốt hơn", Phượng chia sẻ.
Y Mâu tự tin chia sẻ về dự định tương lai của mình - Ảnh: TRUNG TÂN
Cùng suy nghĩ ấy, Y Mâu Ayun - tân sinh viên Trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM luôn xác định chỉ có việc học mới thay đổi cuộc đời bản thân, nhận thức của cộng đồng quanh mình. Nhà Y Mâu ở buôn Ea Nhái (xã Ea Knuếch, Krông Pắk, Đắk Lắk) không có nương rẫy và ba mẹ đau yếu nên chỉ phụ thuộc vào công việc làm thuê, buôn bán trái cây lặt vặt.
Khó khăn, thiếu thốn nhưng Y Mâu không đầu hàng số phận, suốt nhiều năm liền bạn đã không ngừng học tập với tâm niệm thoát khỏi buôn làng bằng việc theo đuổi con chữ. Để duy trì việc học tập, mỗi lúc rảnh Y Mâu đều đi kiếm công việc làm thêm như đi phát cỏ cà phê, đi bưng bê ở quán cà phê, quán nhậu hoặc tranh thủ phụ giúp ba mẹ trong việc thu mua trái cây.
Ông Ngô Văn Đông tâm sự với các tân sinh viên vượt khó, học giỏi - Ảnh: TRUNG TÂN
Còn cha Y Mâu, ông Y Khoan Ajun tâm sự con mình học giỏi, năng nổ nên dù vợ chồng ông có khó nghèo, vất vả đến mấy cũng ráng cho con đi học. "Cháu học giỏi lắm, bắt bỏ học ở nhà thì tội. Tôi muốn con có cái chữ, con phải khác mình để sau này có công việc ổn định, bản thân cháu sướng hơn và đóng góp chút ít cho xã hội", ông Y Khoan nói.
Tâm sự với các bạn tân sinh viên, ông Võ Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng Tây Nguyên là vùng đất còn nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua đã có hàng vạn bạn trẻ tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Hàng ngàn bạn trẻ sau tốt nghiệp đã trở về đóng góp, xây dựng cho miền đất đỏ bazan thêm trù phú, trong số này có nhiều người con của buôn làng.
Ông Võ Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (trái) và PGS.TS Nguyễn Văn Nam, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên trao học bổng cho các tân sinh viên - Ảnh: TRUNG TÂN
"Tôi rất xúc động khi nhiều đã vượt qua nhiều gian truân, vất vả bằng chính nỗi khát khao học tập và nghị lực của chính mình. Tôi cũng được biết, học bổng "Tiếp sức đến trường" được tổ chức hằng năm cũng đã tiếp sức cho hàng vạn sinh viên thực hiện ước mơ, hoài bão. Từ đó, các cháu tích lũy kiến thức để lập thân, lập nghiệp, làm nên của cải vật chất cho xã hội", ông Cảnh tâm sự.
Cũng chung hi vọng, ông Ngô Văn Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, chủ tịch Quỹ "Đồng hành nhà nông" - nói rất xúc động trước hoàn cảnh vượt khó của các tân sinh viên. Vì lẽ đó, nhiều năm nay doanh nghiệp này và các mạnh thường quân chưa hề đắn đo để đóng góp cho quỹ học bổng này.
"Tôi hi vọng, bằng nghị lực và bản lĩnh của mình, các bạn sẽ sớm thành công trên con đường đã chọn. Đó cũng là cách để cám ơn các mạnh thường quân rồi và nếu được, hãy trở về đồng hành cùng chúng tôi", ông Đông mong mỏi.
Chị Thương chia sẻ với các tân sinh viên tại buổi lễ - Ảnh: TRUNG TÂN
Có mặt tại buổi lễ, chị Đặng Thị Thương, điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk) - một sinh viên nhận học bổng 7 năm trước, khẳng định học bổng đã tiếp cho chị hi vọng. "Mong các bạn trẻ nhận học bổng hôm na, hãy xem đó là niềm động viên để bước tiếp vì còn nhiều khó khăn phía trước", chị Thương chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận