26/07/2011 07:50 GMT+7

Mẹ quê

 ĐẶNG ĐẠI
 ĐẶNG ĐẠI

TT - Mẹ - người miền Trung, miền Nam hay gọi là má. Những bà mẹ, bà má tảo tần, chịu thương chịu khó, hi sinh cả đời vì chồng vì con như “người mẹ trèo dừa” Võ Thị Thơm ở Bình Định (Tuổi Trẻ ngày 25-7) ở đâu đó trên những con đường nghèo đầy bụi đất, trong những mái nhà xập xệ và xiêu vẹo, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp. Trên khắp đất nước còn gian nan này, những bà mẹ, bà má ấy hiển hiện khắp nơi, từ Nam chí Bắc.

Tôi cũng biết một bà mẹ khác ở TP Quy Nhơn, Bình Định. Bà mẹ ấy tảo tần bán buôn, đầu tắt mặt tối ngoài chợ. Ba đứa con vào đại học, bà cùng chồng - một thương binh - quyết định bán căn nhà nhỏ, lui vào ở hẻm sâu, lấy tiền cho con ăn học. Các con bà học hành đỗ đạt, hai người bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài.

Hôm tôi tìm đến nhà không gặp bà - căn nhà lúc này đã được các con làm ăn có tiền chuộc lại, hàng xóm cho hay bà vẫn bán trứng vịt lộn mỗi ngày ở chợ, dù con là tiến sĩ ở Tây.

Tôi cũng là dân miền Trung. Cũng là con nhà nghèo. Nghèo mà còn là nghèo ở miền Trung là cái nghèo tận cùng nên sự hi sinh của những bà mẹ nghèo là tột cùng, vô bờ bến. Người miền Trung ít cha mẹ nào vì nghèo mà để con thất học. Thất học với bất kỳ gia đình nào đều là nỗi nhục, của gia đình đó, dòng họ đó. Con cái học hành đỗ đạt, vì thế, là niềm tự hào, rỡ ràng với làng xóm.

“Đói thì cạp đất mà tru”, những người mẹ quê ít chữ hay dùng câu đó, quyết không để con thất học, quyết không chịu nhục. “Cạp đất mà tru” nghĩa gần giống như cắn răng chịu đựng, không ngửa tay xin xỏ, không đầu hàng số phận, giữ vững phẩm hạnh, “đói cho sạch rách cho thơm”, không để tiếng xấu.

Xem “Người mẹ trèo dừa”, bao bạn đọc Tuổi Trẻ rơi nước mắt. Rơi nước mắt vì mẹ, vì những hi sinh quá lớn lao. Rơi nước mắt vì khi đã lớn khôn, đã thành đạt, đã dư ăn dư mặc mà nhiều người con trong số đó ít có cơ hội, không còn cơ hội để phụng dưỡng, chăm lo cho mẹ. Thậm chí nhiều người trong số đó vô tâm, cuộc sống tất bật cuốn đi, quên mất người mẹ tảo tần ở quê xa nghèo khó.

Ở Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng... sớm sớm chiều chiều vẫn có nhiều người thành đạt tìm đến những nhà hàng sang trọng để ăn cái bánh xèo, tô riêu cua, bát canh rau dền hay chén mắm kho quẹt để tìm hương vị ngày xưa, tấm tắc khen ngon và vẫn bảo “không bằng mẹ mình ngày xưa nấu”.

Làm sao ngon bằng khi con cua con ốc ngày xưa mẹ đi ruộng, bắt được con nào là lận vào cạp quần, đến trưa về xổ ra và mâm cơm có chút chất tươi thơm lừng mùi bùn non, mùi mồ hôi mẹ.

Tôi cũng trong số ấy. Từ những giọt mồ hôi bất tận của mẹ, từ những bữa cơm mẹ “ăn mắm mút giòi” nhường miếng cơm, miếng cá cho con và được cho học hành đàng hoàng mà giờ tôi có công ăn việc làm, có nhà có xe. Ba năm trước - như những bà mẹ quê khổ cực khác, bị những tháng ngày khốn khó vắt kiệt sức - mẹ tôi đổ bệnh rồi mất mà tôi chưa kịp lo cho mẹ miếng ăn ngon, dù trong những bữa tiệc tùng miếng ngon với chúng tôi không thiếu.

Có nhiều người như tôi giờ không còn mẹ để mà lo lắng, để mà phụng dưỡng. Có những người như tôi suốt đời chưa tặng mẹ mình một cành hoa, dù đã nhiều lần muốn làm như thế (trong ngày 8-3, Ngày của mẹ…) để bây giờ ray rứt khôn nguôi: người mẹ nghèo khó lam lũ cả đời vì chồng, vì con lần đầu tiên được nhận hoa trong đời cũng chính là khi rũ bỏ mọi muộn phiền về miền cực lạc.

 ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên