Ông Emmanuel Cerise - chuyên gia Pháp hỗ trợ chuyên môn cho dự án bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội - cho rằng việc nhiều người chê màu vôi của ngôi biệt thự đang hoàn thiện trùng tu này cũng là một tín hiệu vui cho thấy người dân Việt Nam quan tâm tới di sản và bảo tồn di sản.
Nhưng với vai trò là một chuyên gia về bảo tồn và khai thác giá trị di sản, ông mong làn sóng dư luận này sẽ không một lần nữa tác động tới dự án trùng tu công trình theo hướng tiêu cực như đã từng.
Khi người Hà Nội quen với màu vàng và trắng của các biệt thự cổ
Hơn một thập niên làm việc tại Việt Nam, ông Emmanuel Cerise đã có nhiều quan sát về công tác bảo tồn di sản, trùng tu các công trình kiến trúc cổ ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội.
Một điều ông rút ra đó là nhiều dự án trùng tu ở Hà Nội đã không tuân thủ nguyên tố bảo tồn yếu tố gốc của công trình cổ, đặc biệt là chuyện màu vôi của ngôi nhà, vì những e ngại dư luận hoặc mong muốn tạo ra những màu sắc thuận mắt hơn với thẩm mỹ người đương thời.
Và lần này, câu chuyện dường như lặp lại với chính công trình mà ông là chuyên gia hỗ trợ về chuyên môn cho Hà Nội để tạo ra một dự án bảo tồn, trùng tu kiểu mẫu, tuân thủ các nguyên tắc khắt khe của việc trùng tu.
Lâu nay người Hà Nội quen với màu vàng và trắng của các biệt thự Pháp cổ, những màu sắc gợi dịu mát, thanh lịch mà người ta tin rằng rất Pháp.
Nhưng thực chất, theo chuyên gia về di sản này, màu vàng và trắng "kinh điển" ấy lại không phải là màu gốc của nhiều biệt thự Pháp ở Hà Nội.
Nó là màu mà sau những đợt sửa chữa, trùng tu gần đây được chọn phủ lên để cho cảm giác dịu mắt, hợp với thẩm mỹ hiện nay.
Màu sắc gốc của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo mà ông Emmanuel Cerise và các chuyên gia đang thử nghiệm trên dự án bảo tồn này được cho là đã được tìm thấy dựa trên thám sát chuyên môn sau khi bóc lớp vữa, bỏ đi từng lớp màu đã được quét lên tường sau các đợt sửa chữa để đi vào lớp màu trong cùng.
Và thêm một căn cứ nữa cho các chuyên gia là những bức ảnh màu chụp các biệt thự ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 của nhà nhiếp ảnh Léon Busy (người Pháp) cho thấy có nhiều biệt thự với màu vàng và màu đỏ giả gạch như vậy.
Tiêu biểu là Trường Trưng Vương (trên phố Hàng Bài) và ba căn biệt thự trên phố Tông Đản (quận Hoàn Kiếm). Nhưng cả mấy công trình này sau nhiều lần trùng tu đã có màu vàng thêm kẻ trắng như hiện nay chứ không phải màu sắc gốc.
Cần có cuộc báo cáo, trưng bày kết quả trùng tu biệt thự
Ông Emmanuel Cerise khẳng định dưới góc độ nhà chuyên môn, ông không ủng hộ việc thay đổi màu sắc gốc cho thuận mắt người đương thời như cách làm nhiều dự án trùng tu trước đây. Đặc biệt là nếu quyết định thay đổi đó lại đến trực tiếp từ áp lực dư luận thì rất đáng tiếc.
Ông dẫn ví dụ "trường hợp vô cùng đáng tiếc" là một dự án trùng tu Nhà thờ lớn Hà Nội. Ban đầu công trình được trùng tu có màu sắc nhìn hơi cứng vì mới, nhưng nó là màu gốc của công trình khi chưa được nhuộm thời gian.
Nhưng sau khi màu sơn mới bị dư luận phản ứng thì nhà đầu tư đã quyết định biến nó thành nhuốm màu thời gian ngay khi vừa trùng tu xong theo cách tô vẽ cho ra màu cũ kỹ.
Trong khi các công trình mới trùng tu theo lẽ tự nhiên cần có thời gian (không lâu với thời tiết nhiệt đới của Việt Nam) để có màu thời gian mà mọi người quen thuộc.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, KTS Lê Việt Hà - người sáng lập trang Ashui.com - cho biết để nói về màu sắc của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo thì phải dựa trên nghiên cứu kỹ tài liệu về dự án, trực tiếp khảo sát chứ không thể chỉ bình luận qua ảnh chụp.
Vì vậy, trước dư luận phản ứng, ông Hà nói các bên liên quan cần tổ chức sớm một cuộc báo cáo, trưng bày kết quả công khai dự án bảo tồn này để mọi người hiểu mới có thể ủng hộ hay phản đối đúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận