Qua ống kính của nhóm Tản mạn kiến trúc, đình Minh Hương không chỉ là nơi thờ tự hương hỏa mà còn mang giá trị kiến trúc, thư pháp, chạm khắc gỗ độc đáo của thế kỷ 19 - Ảnh: TMKT
Cách đây gần một năm, những người trẻ ấy chỉ mới bước qua tuổi 20. Họ thường gặp mặt trong buổi cà phê cuối tuần, râm ran về một tòa nhà cổ vừa đi qua, kéo nhau đến ngôi đình nào đó ở góc đường Sài Gòn để tìm hiểu những đồ án tinh xảo. Nhóm Tản mạn kiến trúc ra đời từ đó.
Các thành viên có người đang làm kiến trúc sư, hướng dẫn viên du lịch, người đang học chuyên ngành lịch sử. Ngoài công việc thường nhật, họ luôn dành một khoảng thời gian để lao vào nghiên cứu và viết bài.
Tụ họp dưới bóng di sản
Suốt một năm qua, chỉ với sáu thành viên, Tản mạn kiến trúc cho ra mắt vài trăm bài viết trên trang Facebook của nhóm. Họ viết nhiều về lối kiến trúc của những ngôi đình cổ ở miền Tây Nam Bộ, hoa văn trên các tòa nhà của người Pháp ở Sài Gòn, về kinh thành Huế và những thuật ngữ trong kiến trúc.
Có những bài viết chỉ đơn giản vài dòng để giới thiệu một ngôi nhà lạ lẫm họ tình cờ gặp trên đường điền dã. Cũng có bài viết giới thiệu các đặc trưng chi tiết của công trình, những liễn đối thi vị, cánh chim phượng được tỉa lộng lẫy. Hình ảnh trên trang hoàn toàn đều do nhóm tự chụp với màu sắc bắt mắt, góc nhìn độc đáo và mang đậm tính nhiếp ảnh kiến trúc.
Muốn đưa độc giả của mình đến gần hơn với di sản, nhóm tổ chức những buổi nói chuyện về quá trình phát triển kiến trúc tại Nam Kỳ, mở thêm một chuyến đi tham quan công trình cổ ở Sài Gòn.
Từ những hoạt động luân phiên như vậy, Tản mạn kiến trúc đã để lại cho độc giả của họ niềm trân trọng trên trang Facebook của nhóm: "Có thể cảm nhận được ở các bạn một tình yêu văn hóa nước nhà say mê", "Những bài viết rất hay, thông tin có chiều sâu mà cách viết lại bình dân và gần gũi với người đọc nên không khô khan hay khó hiểu", "Một trang viết đáng quan tâm, đáng xem và đáng để chúng ta cùng học hỏi về nghệ thuật kiến trúc"... .
Hầu hết người tiếp cận với Tản mạn kiến trúc đều là những bạn sinh viên. "Chúng tôi không muốn đi kêu gọi suốt để cộng đồng phải bảo vệ di sản, trong khi họ chẳng biết đích xác mình đang bảo vệ điều gì.
Chúng tôi cũng từng như vậy, nặng tình với kiến trúc, quý mến tòa nhà cổ trên đường đi học hằng ngày, biết đau lòng khi một di sản bị dỡ bỏ nhưng lại chẳng hiểu gì hơn về chúng.
Tản mạn kiến trúc hướng tới những người đọc trẻ tuổi, với suy nghĩ tình yêu dành cho di sản phải là mưa dầm thấm lâu, đến một lúc nào đó người đọc sẽ tự biết họ yêu mến điều gì ở căn nhà họ đang sống hoặc công trình kiến trúc cổ họ gặp" - Trọng Nghĩa, thành viên của nhóm, bộc bạch.
Một số thành viên của Tản mạn kiến trúc trong chuyến khảo sát Bưu điện TP.HCM và nhà thờ Đức Bà - Ảnh: MAI THỤY
Khơi dậy một tình yêu
Ban đầu, Tản mạn kiến trúc đặt mục tiêu sẽ viết về đặc trưng kiến trúc ở trong lẫn ngoài nước, nhưng dần thu hẹp phạm vi ở Việt Nam, giờ thì tập trung vào miền Nam bởi số lượng công trình và kiến thức quá đồ sộ.
Bên cạnh bài viết về di tích ít người biết đến như những ngôi mộ cổ ở miền Tây Nam Bộ, đình Minh Hương Gia Thạnh, đình Phú Long..., nhóm Tản mạn kiến trúc còn khơi lại hiểu lầm bấy lâu về các công trình di sản. Họ lần giở lại những ghi chép lịch sử để khẳng định tài năng xuất chúng của vua Gia Long khi hoạch định và thiết kế kinh thành Huế.
Với những dẫn chứng cụ thể và tư liệu rõ ràng, những ngộ nhận về chuyện họa tiết diềm nhà thờ Đức Bà Sài Gòn lấy cảm hứng từ trống đồng Đông Sơn cũng được nhóm gỡ bỏ.
Mỗi bài viết về một di sản kiến trúc chỉ chừng vài trăm chữ cũng vất vả trăm bề. Chí Thành, thành viên của nhóm, mở ra những thư mục lưu trữ trong chiếc máy tính bảng hơn 500 trăm công trình và lên đến hàng ngàn bức ảnh.
Lướt đến đâu, Thành đều nói về kỷ niệm của mình với bức ảnh, cả những bài dang dở cậu định viết. "Muốn giới thiệu một công trình kiến trúc, nhóm phải đọc tài liệu từ 1-3 tháng, có khi đọc hết cuốn sách chỉ ra được một từ khóa để mở rộng tìm kiếm, đó là chưa kể đến thời gian đi thực tế khảo sát. Vì vậy, cần phải làm việc miệt mài mới có bài viết đều đặn" - Chí Thành chia sẻ.
Với khối lượng tư liệu quý giá đã tích lũy được trong một năm qua, Tản mạn kiến trúc đang dự định xuất bản một cuốn sách ảnh về kiến trúc di sản Nam Bộ. Cuốn sách là cách để họ truyền cảm hứng cho những người trẻ đã trót say mê vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ kính.
Nhóm phát hiện hóa thạch của loài cúc đá (Ammonite) trong một bức tượng đá cổ ở Huế được tạc vào thời vua Thiệu Trị - Ảnh: NVCC
Trung Hiếu - thành viên của Tản mạn kiến trúc - có thể ngồi nói say sưa các nét đẹp đặc trưng của kiến trúc Việt so với Nhật, Hàn. Hiếu kể về một cảnh trong phim Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, khi nhân vật Hạnh đi mở cánh cửa thượng song hạ bản.
Khác với cửa lùa của Nhật khi kéo sẽ đi liền một mạch với mái thì cửa thượng song hạ bản của người Việt phải mở từng đôi một. Trong phim, mỗi cánh cửa mở ra, nắng đổ vào từng phân khuông, tạo nên góc tối góc sáng hắt vào nhau. Và như thế, kiến trúc cổ đã tìm được cách sống mãi trong điện ảnh nghệ thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận