27/05/2011 09:09 GMT+7

Mạnh tay với nhập siêu

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đang kêu thông tư 20 của Bộ Công thương đưa ra những điều kiện ngặt nghèo về nhập khẩu ôtô sẽ đẩy họ đến chỗ phá sản, ngược lại các liên doanh ôtô được hưởng lợi. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát nhập khẩu, hạn chế dùng ngoại tệ nhập hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Read this on Tuoitrenews.vn

Vấn đề mà doanh nghiệp nhập khẩu ôtô gặp phải chẳng khác gì các doanh nghiệp kinh doanh sàn vàng trong đầu năm 2010. Trước đó, lợi nhuận từ sàn vàng quá lớn, nhiều đơn vị đã bỏ vốn mở sàn. Hệ quả là “ra ngõ gặp sàn vàng” nhưng cũng tạo ra những cơn chao đảo của giá vàng, đẩy tỉ giá ngoại tệ “ngụp, lặn” theo biến động của giá vàng. Rồi hàng loạt người kinh doanh trên sàn vàng bị phá sản. Quyết định đóng cửa sàn vàng được đưa ra, doanh nghiệp kêu nhưng về tổng thể đã góp phần trả lại sự yên bình cho thị trường vàng và ngoại tệ.

Tương tự, không phải ai cũng tâm phục khẩu phục trước quyết định dừng sử dụng vốn vàng trong hệ thống ngân hàng (không huy động, chẳng cho vay...). Nhiều doanh nghiệp đã mất cơ hội thu lãi cao khi Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu vàng lên 10%. Đổi lại, người dân không còn phải “giật mình” trước những cú nhảy dựng của giá vàng.

Câu chuyện siết sàn vàng hay kiểm soát hoạt động nhập khẩu ôtô là một trong nhiều việc mà các cơ quan chức năng đang triển khai nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó với kiểm soát nhập khẩu ôtô, mục tiêu là kiểm soát nhập siêu.

Nhập siêu, nói cho dễ hiểu là chúng ta đang xài quá mức khả năng làm ra của nền kinh tế. Lẽ ra, việc kiểm soát nhập khẩu phải làm ngay sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để không biến Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa.

Thế nhưng, kết thúc năm 2008, hai năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhập siêu lên đến 17 tỉ USD, chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu, gây sức ép rất lớn lên tỉ giá, lạm phát. Khi đó, gần như chúng ta thiếu hẳn hàng rào hợp pháp với các cam kết của WTO nhằm kiểm soát nhập khẩu. Năm 2009 nhập siêu 12 tỉ USD. Năm 2010 là 12,4 tỉ USD. Năm tháng đầu năm 2011, dù đã siết rất chặt nhưng khoản nhập nhiều hơn xuất vẫn lên hơn 6,6 tỉ USD.

Sự cấp bách phải kiểm soát nhập siêu được thể hiện qua chỉ tiêu liên tục được điều chỉnh, từ trên 20% kim ngạch xuất khẩu kéo xuống 20% và nay là 18%. Gần đây đã có nhiều hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu, việc mà nhiều nước đã làm từ lâu và ngày càng tinh vi, đã được ban hành.

Tuy vậy, mục tiêu kiểm soát nhập siêu luôn bị đe dọa bị phá vỡ. Biết rằng, một phần ngoại tệ chi ra cho nhập siêu được bù lại từ tiền vay nợ, ngoại tệ do nhà đầu tư nước ngoài đem vào, kiều hối... Nhưng sẽ lành mạnh và tích cực hơn nếu chúng ta bớt xài để tích cóp ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối cho quốc gia, từ đó tạo lòng tin để nhà đầu tư mang vốn vào làm ăn.

Việc điều chỉnh chính sách để kiểm soát nhập khẩu đã và sẽ còn đụng chạm đến các nhóm lợi ích. Có thể, sẽ có nhóm doanh nghiệp này bị thiệt nhưng lại tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp kia... Cũng có thể chỉ có một số doanh nghiệp bị thiệt nhưng cả nền kinh tế được lợi.

Vì vậy, không thể chùn tay trong việc đưa ra những giải pháp nhằm chấn chỉnh thị trường. Vấn đề là nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn xa, cân nhắc mọi tình huống để đạt được mục đích lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Một chính sách tốt, đó là định hướng cho doanh nghiệp nên mở rộng ở lĩnh vực này, hạn chế làm ăn ở lĩnh vực kia.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên