Chuẩn bị Tết, cỗ giao thừa ba miền Bắc - Trung - Nam thật khác mà cũng thật giống bởi đều nằm trong cảm trạng chung. "Ai ra Trung, ra Bắc, vô Nam, dù đi đâu ai cũng nhớ / về chung vui bên gia đình".
Cỗ phố cổ tỏ lòng son
Bà Vũ Thị Tuyết Nhung là tác giả của nhiều bài báo về ẩm thực Hà Nội. Bà cũng là người nấu ăn ngon có tiếng. Những ngày xuân Giáp Thìn sầm sập tới, lòng bà Nhung lại chộn rộn một mâm cỗ cúng giao thừa của phố cổ một thời xa.
Bà kể thời đó, phố mới chập choạng, vừa rửa xong chậu bát đĩa của bữa cơm tất niên chiều 30 Tết, chị em bà đã nghe tiếng mẹ cắt đặt chuẩn bị cỗ giao thừa.
Nào là đổ gạo nếp ngâm ra cho róc nước. Bổ gấc, đánh mấy hạt muối với thìa rượu trắng cho nhuyễn xóc vào gạo.
Ấp lá mỡ gà và cho đường vào chõ lúc xôi chín. Rồi thì chuẩn bị ấm nước sôi đặt sẵn để tối làm gà...
Dặn con là thế nhưng việc quan trọng nhất trong mâm cỗ cúng giao thừa thì phải do đích thân mẹ lo liệu.
Nhà bà Nhung đông chị em gái nên cứ giáp Tết, các rể bê con gà sống thiến béo múp và chai rượu nút lá chuối thơm lừng đến sêu Tết nhạc phụ, nhạc mẫu.
Tuy nhiên, gà đó chỉ để luộc, rán, ninh măng, nấu bún thang; còn gà cúng giao thừa, mẹ bà phải đích thân ra chợ Hàng Bè hoặc dặn các thím ở Vân Đình gửi ra.
Bà hay nói gà cúng giao thừa phải là gà trống hoa, chưa biết đạp mái, độ trên dưới 1kg. Gà ri ta thịt thơm mà mềm. Chân vàng rượi, mào phải đỏ tươi.
Bà dạy con gái trong nhà lấy chiếc đũa ăn cơm gác hai cánh gà lên, buộc lạt mềm dựng chiếc đầu gà lên cho thẳng, thả vào chiếc nồi to cho ngập nước và mấy hạt muối rồi đun sôi nước, hớt bọt, tắt lửa đậy vung một lúc lâu lâu là vớt ra, giội nước đun sôi để nguội cho sạch sẽ.
"Gà non mà luộc lâu quá là toác da, tụt cánh không có được đâu đấy" - bao năm rồi mà giọng của mẹ vẫn còn in trong tâm trí.
Bà Nhung nói tiếp: "Lúc bấy giờ, mẹ tôi mới lấy bông hồng quế hàm tiếu đỏ hồng, cành lá xanh biếc gài vào mỏ gà bày lên đĩa. Con gà vàng rượi, đôi cánh dang sang hai bên như đang bay lên cao...".
Ngắm nhìn mâm cỗ tươm tất đẹp đẽ, mẹ bà Nhung mới mời chồng ra thắp hương mâm cúng trời đất, tiễn quan hành khiển năm cũ đi, đón quan hành khiển năm mới về cai quản nhân gian.
Bà Nhung nhớ những mùa Tết cũ "một đi không trở lại", cả thành phố lặng yên nghe thư chúc Tết của Bác Hồ. Thật là thiêng liêng và xúc động. Mẹ bà khấn vái trời đất phù hộ cho quốc thái dân an, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc rồi bà đốt tiền vàng, rắc gạo muối xuống đường.
Sau khi bưng mâm cỗ vào nhà, mẹ bà thường rót chén rượu mới và cha bà miếng tiết luộc, cắt cho các con mỗi đứa một miếng xôi gấc ăn lấy may cho năm mới.
Thơm thảo lễ Huế đón ông bà
Còn ở Huế, trong thời khắc giao năm thiêng liêng, chủ nhà thường bận bộ lễ phục áo dài đen khăn đóng thắp nhang khấn vái giữa đất trời.
Hình ảnh ấy hiện diện ở nhiều gia đình, thành dãy dài trên các phố ở đất cố đô trong giờ phút giao thừa. Giống như nhiều lễ nghi khác của người Huế, lễ đón giao thừa của người Huế cũng nghiêng hẳn về giá trị tinh thần.
Lễ vật cúng giao thừa rất thơm thảo. Ngoài cau trầu rượu, hương đèn vàng mã, hoa quả, còn có thêm một số thứ đơn giản nữa để tiễn ông hành khiển năm cũ, đón ông hành khiển mới.
Kể từ giao thừa đến mùng 7 tháng giêng, người Huế tránh việc động chạm gì đến thiên nhiên, đất trời. Bởi vậy người Huế nguyên xưa không có xuất hành hái lộc, bẻ hoa như một số nơi.
Với người Huế, lễ cúng trong ngày cuối năm là quan trọng nhất, được xem khởi sự ngày Tết của người Huế. Lễ này chính là lễ rước tổ tiên ông bà về nhà ăn Tết cùng con cháu.
Từ đó cho đến ngày cúng đưa, khoảng từ mùng 3 - mùng 4 Tết, bàn thờ luôn hương chong đèn rạng.
Mỗi bữa trong mấy ngày Tết, người Huế bày mâm cỗ và các loại bánh mứt lên bàn thờ, thắp hương mời ông bà như thể ông bà đang có mặt cùng con cháu trong những ngày này.
Bởi vậy, người Huế thường chỉ quanh quẩn đón Tết để lo chuyện cúng kiếng chứ ít đi xa, họ nghĩ đến bàn thờ luôn ấm cúng, tránh cảnh hương tàn bàn lạnh tội cho ông bà.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa nói hiện người Huế vẫn giữ nhiều truyền thống gắn liền với lễ nghi, ít phai nhạt, pha tạp, nhốn nháo.
Những lễ nghi trang trọng, gắn liền con người sống với gia tiên, với đất trời chứ không cầu đảo, dị đoan. Về cơ bản, mọi gia đình vẫn xem Tết là dịp sum vầy, đoàn tụ. Tết vẫn là dịp để xóm giềng viếng thăm nhau.
Tết nhứt nhớ chữ Nôm
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng quê An Giang, nơi mà cư dân đa số có gốc gác từ miền Trung. Trong những ngày xuân mới, anh lại nhớ về văn hóa chữ nghĩa của làng mình. Trạng kể ai trong làng mà biết chữ Nôm thì được cả làng coi trọng.
Người miền Tây thờ nhiều vị phúc thần: Thần tài, Thổ địa, Sơn thần, Táo quân, Thần nông... Họ cũng theo nhiều nghề thủ công như thợ may, thợ hồ, thợ mộc, nghề tàu ghe, hạ bạc..., mỗi nghề đều có tổ nghề.
Khi chưa có tranh thờ, người dân đa số thờ bằng chữ, đề tên phúc thần và vài câu chúc tụng bằng mực Tàu viết trên tờ giấy hồng đơn. Nét chữ đậm nhạt ấy, thấy vậy mà "có thần". Người ta nhìn chữ Nôm mà thấy cả hồn thiêng sông núi, tinh thần dân tộc một cách linh thiêng và cổ kính.
Lê Quang Trạng vẫn nhớ hồi nhỏ, khi Tết sắp về, anh hay theo bà nội đến chùa gần nhà để xin sư thầy Huynh Thành viết cho tấm biển thờ Ông Táo, Mẹ Sanh, Thổ Thần để thay cho tấm năm cũ đã phai, cùng vài câu liễn để treo ngày Tết.
Trạng nhớ có lần thầy viết sót một nét ngang trong chữ "Phúc" cho bà cụ xóm trên, thầy đã chân không chạy lẹ đến nhà bà đòi lại cho bằng được, thay bằng một tờ liễn khác.
"Sư phụ nói chữ nghĩa là thánh hiền, viết thiếu một nét cũng như thiếu một cái tay, tui thật là tội lỗi, thiện tai, thiện tai"...
Khi thầy Huynh Thành viên tịch, chùa không có ai theo học chữ Nôm để thay thầy viết liễn đối, liễn thờ... Từ đó, nhiều nhà trong làng cũng không thay liễn thờ có nét chữ Tết cuối cùng của thầy nữa.
Mấy tấm liễn thờ Mẹ Sanh, Ông Táo của nhà Trạng bao năm vẫn vẹn nguyên một nét mực của thầy. Vậy mà mỗi năm dọn dẹp nhà, nghĩ coi còn thứ gì mình cần thay mới hay không, ngó lên trang thờ thấy tấm liễn bạc màu, lòng lại xôn xao nhớ thương da diết.
Nam Bộ xưa phong nhiêu
Nhà nghiên cứu dân gian Huỳnh Ngọc Trảng từng kể trong một cuốn sách của ông, ở Nam Bộ có một tập tục xưa, chí ít tồn tại tới trước năm 1945, thậm chí tới 1960. Người dân thường chuẩn bị hai cỗ khác nhau.
Một cỗ trái cây tương tự như mâm ngũ quả hay mâm quả tử (được gọi là cái "chò chuối", tức một cái "chưn chò" ba chân làm bằng gỗ, trên đặt một "đĩa bàn thang" để bày cỗ chuối).
Người ta chọn nguyên buồng chuối và cắt từng nải sắp lên, trên cùng nải nhỏ, tạo nên ngọn tháp ba tầng. Loại cỗ thứ hai đặt hai bên lư hương chính trên bàn thờ: dưới là trái dưa hấu, trên đỉnh dưa hấu là quả hồng rim/hồng khô, trên hồng là quýt.
Trong chuyên khảo viết về phong tục tập quán ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20 của Lê Văn Phát, ông cho biết Nam Kỳ xưa có tục vào khem, tức những điều kiêng kị, bắt đầu sau lễ rước ông bà và dựng nêu, tức suốt đêm 30 đến mùng 1 cho đến khi có người xông đất đầu năm.
Trong thời gian đó, ai cũng phải ở trong nhà, cửa chỉ mở hé, giữ im lặng, riêng trẻ con được dặn phải ngoan để có một năm mới tốt lành. Kiêng quét nhà, mở tủ và giấu hết các loại chổi...
Hai câu chuyện nhỏ cho thấy Nam Bộ xưa cũng có nhiều tập tục. Tuy nhiên, giờ đây, văn hóa sửa soạn đón Tết cũng đơn giản đi nhiều. Quan trọng nhất, người dân giữ cái tinh thần nghênh xuân vui vẻ, hiếu lễ với tổ tiên, anh em sum vầy.
Nghệ sĩ Hữu Châu sống với bà nội từ nhỏ tới 19 tuổi (bà nội ông là bà bầu Thơ nổi tiếng của đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga - PV) nên học được nhiều từ bà trong việc sửa soạn đón Tết.
Hữu Châu thường phụ trách trang trí bàn thờ và cúng kiếng chính ngày 30 và đêm giao thừa.
Ngày xưa nội làm sao, giờ ông cũng bắt chước làm y vậy. Với Hữu Châu, những khoảnh khắc này hết sức thiêng liêng.
Gia đình ông làm lễ cúng rước ông bà vào trưa 30. Trái cây lúc nào cũng có. Mâm cúng gồm thịt kho hột vịt, canh khổ qua, canh bắp cải cuộn...
Đêm giao thừa Hữu Châu bày mâm cúng ra một cái bàn ngoài sân. Có đĩa trái cây lớn, trái dừa, một trái dưa hấu, ba chung trà, ba chung rượu.
Ông kể, ông đốt nhang và khấn mong một năm mới bình an cho gia đình, công việc thuận lợi. "Tôi thật sự rất thích công việc sửa soạn, bài trí bàn thờ ngày cuối năm.
Tôi cố gắng làm thật đẹp, chỉn chu như bày tỏ tấm lòng của mình với tổ tiên, mời ông bà về ăn Tết cùng gia đình. Trang trí xong cứ vậy mà ngồi ngắm và lắng lòng nhớ về những người xưa", ông nói.
Ngày xưa tôi sống chung gia đình chồng hơn hai mươi năm, từ năm 2001 vợ chồng ra riêng thì một tay tôi sắp xếp mọi việc trong nhà cuối năm.
Tôi nhớ má tôi làm sao thì tôi cũng làm giống vậy. Má tôi không nặng nề chuyện cúng kiếng rườm rà. Bà quan niệm cái tâm, cách sống của mình ở đời mới quan trọng.
Bà nói khi cúng kiếng cần phải có sự thành tâm, tưởng nhớ thật sự tới ông bà. Mâm cúng trưa 30 nhà tôi cũng giản dị nhưng trang trọng. Có trái cây, bánh kẹo...
Vì thích hoa nên tôi chưng rất nhiều hoa đẹp. Đêm giao thừa tôi đặt bàn cúng hướng ra ngoài với mâm ngũ quả lớn, một trái dừa, tôi điểm thêm những viên kẹo sô cô la cho một năm mới ngọt ngào.
Đặc biệt, tôi cũng tránh không đốt giấy tiền, vàng mã. Cả năm mình chăm chỉ làm từ thiện giúp đời, giúp người là tốt rồi. Tôi thích khoảnh khắc cúng giao thừa.
Một mình tôi ngồi đó thấy lòng bình an, ngẫm nghĩ những chuyện của năm qua và chiêm nghiệm được mất của cuộc đời để biết cách lắng lòng, học sống an yên. (Nghệ sĩ Kim Xuân)
Đêm giao thừa tôi cúng đơn giản: một đĩa trái cây, một đĩa mứt nhỏ, một đĩa muối nhỏ, một đĩa gạo, bình bông, bánh kẹo, ba chum nước, một bình trà...
Nhà tôi không cúng giao thừa đồ ăn mặn. Trái cây thì không nhất thiết phải năm loại, có xoài, thanh long, nhãn, na... Mỗi loại một trái.
Trên bàn thờ tổ tiên thì có mâm ngũ quả lớn hơn, có năm màu.
Khi cúng giao thừa, đứng giữa đất trời, tôi chỉ cầu mong những điều tốt lành đến với quê hương đất nước mình, rồi thiên nhiên khí hậu con người vì mình là một phần trong đó chứ không cầu mong điều gì riêng cho bản thân mình.
Một năm vừa rồi có nhiều biến cố không vui, mong năm mới mọi thứ thuận lợi hơn, mong mình có sức khỏe hoặc đủ tinh thần để dũng cảm vượt qua những khó khăn.
Tôi nghĩ quan trọng là mình có tấm lòng thành, cúng để khép lại một năm cũ, bước sang một năm mới sao cho bình yên. Bây giờ mọi thứ đều đơn giản hơn.
Không phải mình không có điều kiện và thời gian để bày biện phức tạp, nhưng tôi thấy năm nay nhiều người khó khăn quá, mình nên coi trọng phần nghĩa còn phần lễ tiết chế lại.
Nếu nấu nướng để cúng linh đình, ê hề mà gia đình không có nhiều người thì ngày hôm sau phải ăn lại đồ cũ không ngon, còn phải bỏ đồ ăn đi thì cực kỳ xót xa. (Diễn viên Hồng Ánh)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận