Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn - khoa nội tiết, Bệnh viện Nội tiết trung ương - cho biết có rất nhiều người quan niệm rằng khi đã mắc bệnh tuyến giáp thì nên kiêng hẳn đậu nành. "Điều này chưa đúng, không phải bệnh lý tuyến giáp nào cũng phải kiêng đậu nành", bác sĩ Tuấn nói.
Bác sĩ Tuấn phân tích, tại Việt Nam từ lâu đậu nành, chế phẩm từ đậu nành là món ăn phổ biến và là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành cung cấp rất nhiều protein, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Ngoài ra nó chứa rất nhiều phytoestrogen gọi là isoflavone giúp cải thiện nội tiết tố cho người phụ nữ.
Đậu nành thuộc nhóm thực phẩm chứa goitrogens có thể gây cản trở quá trình hấp thu i-ốt vào tuyến giáp. Isoflavone có trong đậu nành có thể gây ức chế enzyme Peroxidase, một enzyme giúp tổng hợp hormone tuyến giáp.
Chính vì những điều này người ta lo ngại rằng ăn nhiều đậu nành có thể làm tăng nguy cơ gây suy giáp hoặc những người đang phải điều trị hormone tuyến giáp sẽ phải dùng liều cao hơn so với bình thường.
"Tuy nhiên các bằng chứng về tác động của đậu nành đối với tuyến giáp còn rất hạn chế, cũng như không có một con số cụ thể về lượng đậu nành được sử dụng hằng ngày.
Một khẩu phần ăn chứa hàm lượng đậu nành thông thường được coi là an toàn, cùng với một chế độ ăn đảm bảo cung cấp đầy đủ i-ốt cho cơ thể thì người bệnh tuyến giáp có thể yên tâm sử dụng. Chỉ không nên sử dụng nhiều, kéo dài", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận