22/12/2018 20:37 GMT+7

Phòng bệnh rối loạn tuyến giáp sau khi sinh

Nguồn: Trang thông tin Kiến thức bệnh học chuyên khoa
Nguồn: Trang thông tin Kiến thức bệnh học chuyên khoa

Những tình trạng khó ngủ, thay đổi cân nặng, tâm trạng bất ổn của sản phụ có thể là do rối loạn tuyến giáp sau khi sinh con.

Phòng bệnh rối loạn tuyến giáp sau khi sinh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: selection.ca

Bệnh rối loạn tuyến giáp ở phụ nữ sau khi sinh rất dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của căn bệnh khác. Những tình trạng khó ngủ, thay đổi cân nặng, tâm trạng bất ổn của sản phụ có thể là do rối loạn tuyến giáp sau khi sinh con. Căn bệnh này không hiếm gặp, nhưng nhiều người lại dễ nhầm lẫn nó với tình trạng stress sau sinh.

Tại sao phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp sau khi sinh?

Bệnh rối loạn tuyến giáp là căn bệnh thường gặp ở các chị em phụ nữ sau khi sinh, thực tế các thống kê đã chỉ ra rằng có khoảng 5 – 7% sản phụ gặp phải tình trạng này trong vòng 1 năm kể từ khi lâm bồn. Người ta cũng thường gọi hiện tượng này là viêm tuyến giáp sau sinh.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tuyến giáp sau sinh thường liên quan đến hiện tượng tự miễn. Những bệnh nhân có tiền sử gia đình bị bệnh tuyến giáp tự miễn rất dễ bị rối loạn tuyến giáp sau khi sinh con. Theo đó, những người bị rối loạn tuyến giáp thai kỳ cũng dễ bị rối loạn tuyến giáp trong giai đoạn hậu sản.

Nhận biết sản phụ bị rối loạn tuyến giáp sau khi sinh

Tuy là một căn bệnh thường gặp nhưng những triệu chứng của căn bệnh này rất dễ nhầm với các căn bệnh khác, theo đó rối loạn tuyến giáp sau khi sinh xảy ra theo từng giai đoạn. Trong vòng 1– 6 tháng đầu tiên sau sinh, người phụ nữ rơi vào tình trạng nhiễm độc giáp. Trong vòng những tháng tiếp theo, người bệnh chuyển sang pha suy giáp. Triệu chứng rối loạn tuyến giáp sau khi sinh có thể không giống nhau ở mỗi người. Triệu chứng giai đoạn nhiễm độc giáp sau khi sinh cụ thể như sau:

Triệu chứng nhiễm độc giáp

- Tâm trạng dễ thay đổi, bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, dễ stress;

- Sức khỏe yếu ớt, thường xuyên mệt mỏi, khó ngủ;

- Thèm ăn, thay đổi trọng lượng cơ thể, thường là sụt cân không rõ nguyên nhân;

- Kinh nguyệt không đều, sợ nóng;

- Giọng nói thay đổi;

- Da dày do bị vôi hóa, nhưng lông mày lại mỏng đi;

- Suy giảm thính lực và ham muốn tình dục.

Vì xảy ra trong giai đoạn đầu sau sinh nên những dấu hiệu này rất ít khi được quan tâm, hoặc nếu có thì sẽ bị hiểu lầm do bà mẹ bị căng thẳng trong thời gian chăm sóc con nhỏ.

Triệu chứng suy giáp

Ngược lại hoàn toàn với cường giáp, suy giáp lại là hiện tượng tuyến giáp hoạt động quá yếu kém, làm cho lượng hormone tiết ra không đủ. Nó cũng gây ra những bất lợi nhất định cho người phụ nữ .Triệu chứng rối loạn tuyến giáp sau khi sinh giai đoạn suy giáp bao gồm:

- Rối loạn kinh nguyệt do hàm lượng hormone tuyến giáp thấp cản trở sự rụng trứng;

- Thay đổi cân nặng, thường là tăng cân không kiểm soát;

- Đau cơ xương khớp, sợ lạnh, mất ngủ;

- Da và tóc khô, dễ gãy.

Mặc dù gây ra những phiền phức nhất định, nhưng kết quả thống kê cho thấy 80% phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp đều sẽ trở lại bình thường sau 1 năm mà không cần điều trị. Những trường hợp còn lại có triệu chứng không suy giảm theo thời gian thì có thể gây ra một số biến chứng như bệnh về tim, giòn xương hay vấn đề về thị lực. Nghiêm trọng hơn, rối loạn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản tình dục do kìm hãm sự rụng trứng.

Phòng ngừa rối loạn tuyến giáp cho phụ nữ sau khi sinh

Đối với những phụ nữ đã có tiền sử bị rối loạn tuyến giáp, chắc chắn bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân một chế độ ăn kiêng thích hợp. Còn đối với những người muốn phòng ngừa rối loạn tuyến giáp sau khi sinh có thể áp dụng một số phương pháp như:

- Ăn uống hợp lý: Đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất tăng cường bổ sung trái cây, các loại ngũ cốc, thịt nạc. Chúng không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn tốt cho sữa mẹ;

- Tập thể dục sau sinh, khởi đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, sau đó tăng cường độ theo tình trạng sức khỏe của bản thân;

- Ngủ đủ giấc, điều này rất có lợi cho sức khỏe, sữa mẹ và tâm trạng;

- Nếu bị cường giáp, hãy hạn chế những thức ăn nhiều i-ốt và chế phẩm từ sữa: Tảo bẹ, cá biển, cua biển, nước mắm, muối i ốt, cải xoong, phô mai, bơ, kem, sữa chua.

Nếu trong trường hợp bản thân và gia đình cảm thấy quá lo lắng về tình trạng rối loạn tuyến giáp sau khi sinh, đừng ngại đến gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên chính xác nhất./.

Nguồn: Trang thông tin Kiến thức bệnh học chuyên khoa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên