18/04/2013 11:16 GMT+7

"Ma lực" rừng xanh...

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC

TT - Đừng nghĩ theo nghiệp “ngậm ngải tìm trầm” chỉ là những thợ sơn tràng hay nông dân nghèo khó chỉ vì mưu sinh.

Nhiều năm qua trong những chuyến ngược xuôi vùng biên ải, trên đường công tác khi thì tình cờ gặp họ trong những cánh rừng, khi gặp họ chốn thị thành, mới hay dù là phu trầm nhưng nhiều người trong số họ xuất thân có đủ: có người là giáo viên, có người là kỹ sư, thậm chí có người là sĩ quan quân đội...

zwpxVEoA.jpgPhóng to
Đi dọc khe suối vào rừng già, bắt đầu một chuyến săn trầm - Ảnh: HƯƠNG LÊ

Mưu sinh mạo hiểm

Phạm Minh Đ. vốn là một giáo viên ở Hướng Hóa (Quảng Trị), đời sống giáo viên dạo ấy còn nhiều khốn khó, lương bổng thấp, nhân một kỳ nghỉ hè rảnh rỗi Đ. đã theo anh em thợ trầm cùng quê thử vận may một chuyến.

Chuyến đi đầu tiên ấy không ngờ được “mệ” thương, Đ. và nhóm anh em trúng một lượng trầm kha khá, ít nhất cũng bằng cả năm lương giáo viên của Đ. Thế rồi mùa hè qua đi, Đ. không trở lại bục giảng và học trò của mình nữa.

Nghiệp trầm cứ thế cuốn Đ. đi, chuyến được chuyến mất, nhưng cuộc sống của Đ. từ bấy gắn với những cánh rừng già thâm u. Chuyện gian khó nghề trầm nhiều người đã nói đến nhiều, còn Đ. vốn xuất thân là một giáo viên nên ngoài chuyện gặp cọp beo, lũ rừng, sốt rét, trấn cướp như mọi thợ trầm khác, với Đ., nhờ chút máu “nghệ sĩ” nên rừng xanh không chỉ có những hiểm nguy.

Trong những cánh rừng chưa dấu chân người đó, Đ. đã gặp cả một thế giới nguyên sinh huyền thoại. Nhiều lần sau mỗi chuyến đi trầm về, bên ly rượu gạo Đ. đã kể chúng tôi nghe về những thác nước tuyệt mỹ giữa rừng già, những trảng cỏ xanh mịn mênh mông như thảo nguyên, những hang đá che rợp bởi phong lan rừng rực rỡ và những khe suối cơ man là cá xao, cá mát ken đặc - loại cá suối mà giờ đây vào những nhà hàng sang trọng chỉ người có tiền mới dám kêu!

Thế giới đi trầm của Đ. cũng đẹp huyễn hoặc như những truyện đường rừng của Lan Khai từ đầu thế kỷ 20 chứ không chỉ có chuyện mong manh sinh mạng. Và cùng giấc mộng kiếm tiền với trầm hương, chính một phần thế giới trong những cánh rừng nguyên sinh ấy cũng là “ma lực” dụ dỗ Đ. không thể nào từ bỏ những chuyến đi, bởi bên nỗi âu lo mưu sinh nhọc nhằn của một phu trầm còn có thêm sức hấp dẫn của một chuyến “du lịch sinh thái mạo hiểm”.

Không xuất thân từ giáo viên như Đ., nhưng câu chuyện của đại tá Nguyễn Minh Đức, nguyên phó chỉ huy trưởng biên phòng Quảng Trị, kể với tôi về một sĩ quan cấp dưới của anh nhiều năm trước lại mang nhiều oan khiên hơn.

Câu chuyện xảy ra khá lâu, nhưng số phận của L., người sĩ quan đàn em của anh, thì anh không thể nào quên. L. vốn quê ở Lệ Thủy (Quảng Bình). Một thời gian sau khi phục viên về quê, một lần L. trở lại thăm anh.

Nhìn làn da xanh bủng và gương mặt hốc hác của L., anh Đức nói ngay: “Trông tướng mạo là anh biết chú em làm nghề gì rồi, thôi ở nhà mà sửa xe đạp kiếm sống chứ đừng dấn thân vào nghề đó nữa”.

Được lời như cởi tấm lòng, L. kể hết tất cả những truân chuyên khổ ải của kiếp đi trầm, hứa sẽ không vào rừng tìm “vận đỏ” nữa. Vậy nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau cuộc gặp đó, anh Đức nghe tin L. và một số bạn trầm của mình bị bắn chết ở cánh rừng biên giới giữa tỉnh Khăm Muộn (Lào) và Quảng Bình.

TPZQB3nq.jpgPhóng to
“Chủ chòm” một thời Huỳnh Văn Đông - Ảnh: THÁI LỘC

Canh bạc số phận

Chúng tôi tìm gặp Đông “trầm” khi anh đang trông coi chăm sóc và quản lý một khu du lịch khá lớn ở phía tây Huế. Ở khu vực quanh lăng vua Tự Đức có những làng đi trầm chuyên nghiệp nên khu vực này đương thời vang danh cả nước với tên gọi “làng trầm Tự Đức” thay vì gọi đúng tên địa danh hành chính.

Về “phủ trầm” này hỏi Đông “trầm” thì dân đi trầm ai cũng biết bởi anh từng là chủ soái của một băng thợ trầm vùng này với thâm niên hơn 20 năm trong nghề.

Trời lất phất mưa, câu chuyện đời trầm của Đông và những anh em đồng hội diễn ra trong ngôi nhà rường của khu du lịch mà anh Đông đang được thuê làm quản lý. Với gương mặt điển trai pha nét nghệ sĩ, hồi ức về thời oanh liệt của người thợ trầm vẫn không giấu được những ký ức đắng đót.

Bắt đầu gia nhập đội ngũ đi trầm của thôn Trường Đá vào năm 1986 khi mới 18 tuổi. Với sự táo bạo, gan lì, chỉ sau vài chuyến Đông hầu như được xem là “chủ chòm” trong các nhóm người đi trầm ở “làng trầm Tự Đức”. Là “chủ chòm” nên phải luôn ở tốp đầu, vào rừng vừa đi vừa định hướng, vừa phát đường cho cả nhóm đi theo.

Và Đông cũng nổi tiếng với những vụ trúng quả rất đậm. Vào năm 1990 khi vàng chưa tới 2 triệu đồng/lượng, riêng Đông có lần trúng đến 76 triệu đồng (tương đương 40 lượng vàng) khi gặp một cội trầm đã rục ở rừng Quỳ Hợp, Nghệ An.

Trong câu chuyện Đông kể, khoảng năm 1990, sau hơn 20 ngày đường vượt biên giới từ Quảng Bình sang Khăm Muộn (Lào) tìm trầm, đang ngồi nghỉ cùng nhóm anh nhìn thấy một cái sọ người nhô lên trên bãi đất. Một người tên Thảo ở làng Tân Ba, xã Thủy Bằng nói ngay là đang ở khu vực có “Mẹo” (tên gọi thổ phỉ trong rừng Lào).

Khi bước lên, vạch mái lán bằng lá cây sụp trên nền đất thì thấy sáu bộ hài cốt nằm bên nhau như đang trong giấc ngủ bình thản, xương sọ và xương sườn thủng lỗ chỗ, kể cả một hộp quẹt bằng kim loại cũng bị bắn nát (sau này về hỏi ra mới biết đó là sáu phu trầm quê Quảng Bình). Đông cùng nhóm thợ trầm đào hố hốt từng bộ xương chôn cất...

Cuối năm 1996, đi trầm ở rừng Quỳ Hợp, Nghệ An suốt mấy tháng trời, khi về Đông mới biết bố mình đã mất gần một tháng trước đó. Nhưng bất hạnh của anh Đông không chỉ là câu chuyện đi trầm mà không biết bố qua đời. Nằm trong làng trầm Tự Đức, nhà anh Đông có bốn anh em trai cùng đi trầm nhưng một đứa em của anh là Huỳnh Văn Hùng đã bỏ mạng tại rừng Mường Noòng trên đất Lào vào cuối năm 2000.

Chuyến đi ấy, theo lời kể của anh Huỳnh Văn Phúc, người em trai út của anh Đông có mặt trong nhóm bảy người, trên đường vác trầm về, vừa ngồi xuống nghỉ chân thì đạn bay ầm ầm. Ba người chết tại chỗ, trong đó có anh Huỳnh Văn Hùng. Bốn người khác gồm cả Phúc bỏ chạy thục mạng và thoát chết trong làn đạn vùn vụt bắn xối xả. Đầu năm 2001, anh Đông cùng một số người thân khăn gói sau 20 ngày băng rừng lội suối đến nơi chôn thi thể em trai...

Sau rất nhiều thăng trầm, có lúc kiếm được vài chục lượng vàng mỗi chuyến đi, vậy mà giờ đây anh Đông bảo coi như chẳng có gì còn lại từ những năm trai trẻ sống chết với trầm.

Dù vậy, anh Đông cũng thừa nhận là “chưa chắc đã dứt nghiệp trầm” trong khi anh đã có cuộc sống ổn định, chăm sóc và quản lý công trường xây dựng một khu du lịch lớn gần nhà, đủ nuôi vợ và ba con nhỏ. “Trầm đã nhiễm trong máu rồi. Hễ nghe bạn này đồn, bạn kia đồn chỗ ni trúng chỗ kia trúng, rất xốn xang trong người. Chừ thì sức khỏe đã xuống nhiều, nhưng tui không nói là giải nghệ, có khi một ngày nào đó lên đường đi tiếp cũng nên” - anh Đông nói với chúng tôi khi chia tay.

Đâu chỉ riêng anh nghĩ như thế, câu chuyện về ba phu trầm vừa thoát chết đã quay lại rừng mà chúng tôi kể trong kỳ báo đầu tiên của hồ sơ này đã nói lên điều đó. Với họ trầm là “nghiệp”, và khi đã dùng chính sinh mạng mình vào canh bạc đời trầm, không ai dám chắc những cái chết của phu trầm trong những cánh rừng sẽ không còn xảy ra nữa. Và nói trầm có “ma lực” chính là vậy!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Vừa thoát chết, vẫn quay lại rừng Kỳ 2: Phu trầm “xuất ngoại” Kỳ 3: Bỏ mạng xứ người Kỳ 4: Trấn cướp nơi biên ải Kỳ 5: Từ phu lên phủ

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên