30/11/2017 10:30 GMT+7

'Ma chê, cưới trách', người Việt hay bắt bẻ vậy sao?

B.H
B.H

TTO - Theo bạn đọc B.H, sở dĩ người dân quê ông có lời đúc kết 'ma chê, cưới trách' là vì trong đám ma và tiệc cưới có nhiều người đến với mỗi người mỗi ý, do vậy việc chê trách là khó tránh khỏi!

Ma chê, cưới trách, người Việt hay bắt bẻ vậy sao? - Ảnh 1.

Quang cảnh một đám cưới ở làng quê Việt Nam - Ảnh: TL

Dưới đây là ý kiến của tác giả B.H phản hồi cho mục Bạn đọc hỏi, bạn đọc đáp.

"Đọc ý kiến: 'Không chê đám cưới, không cười đám ma',có phải lỗi thời?, do bạn đọc Trần Văn Tám viết đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 28-11, tôi lại nhớ câu nói cửa miệng của người dân quê tôi khi nói về đám ma, tiệc cưới đó là: "ma chê, cưới trách". 

Sở dĩ người dân quê tôi có lời "đúc kết" đó là vì trong đám ma và tiệc cưới có nhiều người đến với mỗi người mỗi ý, do vậy việc tiếp đón khách không thể chu toàn được. 

Mặt khác, những người đến với đám cưới, đám tang cũng có đủ mọi thành phần, lứa tuổi, giới tính và mối quan hệ thân, quen với gia chủ nên người nói tốt, người chê chưa tốt cũng là chuyện bình thường, khó tránh.

Ai cũng biết, việc tổ chức cưới hỏi, tang gia phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó điều kiện kinh tế và suy nghĩ, cách thực hiện của mỗi gia đình đóng vai trò quyết định. Ngoài ra, tập tục của mỗi địa phương và tín ngưỡng thờ cúng của mỗi tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức lễ cưới và đám tang. 

Thường thì những gia đình có điều kiện kinh tế và những gia đình có cán bộ chức quyền thì việc tổ chức tang lễ cho người thân hoành tráng với nhiều nghi lễ kèn trống, xe pháo, cúng lễ.

Ngược lại những gia đình điều kiện kinh tế có hạn, thậm chí khó khăn và là "thường dân" lại tổ chức tang lễ cho người thân đơn giản, tiết kiệm. 

Do vậy những người đến chia buồn cùng gia chủ nên thành tâm, tôn trọng gia chủ và người đã khuất, đó cũng là văn hóa ứng xử của người đang sống. 

Chuyện cưới hỏi ngày nay cũng khác xưa nhiều lắm, nhất là những người sống ở thành phố. 

Nếu như ngày mới giải phóng, tổ chức đám cưới chỉ có trà thuốc ở nhà hoặc hội trường cơ quan đang làm việc thì ngày nay phải đặt tiệc mặn tại nhà hàng, khách sạn với thực đơn năm bảy món ăn. 

Khách mời tham dự đám cưới ngày nay cũng khác xưa nhiều lắm. 

Khách mời đám cưới ở quê chủ yếu là những người có mối quan hệ dòng tộc sống trong làng xã, còn khách mời đám cưới ở thành phố chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp và cả đối tác làm ăn, do vậy thiệp mừng cô dâu chú rể cũng phụ thuộc vào mối quan hệ thân quen với gia chủ.

Thậm chí, còn phụ thuộc vào chất lượng bữa tiệc như bạn đọc Trần Văn Tám đã viết. 

Mới nghe câu "không chê đám cưới, không cười đám ma, giờ lại có thêm câu "ma chê, cưới trách" là sao vậy? Ai biết trả lời giúp hoặc có ý kiến khác, mời tranh luận.

Góc chia sẻ dành cho bạn đọc

Với góc chia sẻ này, các bạn có thể gửi tất cả thắc mắc lâu nay của mình, ở mọi vấn đề, đề tài trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng như những kiến thức khoa học thường thức, văn hóa nghệ thuật...

Và các bạn bằng kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống của mình cũng thoải mái trả lời những thắc mắc của người khác.

Tuổi Trẻ Online tôn trọng và đăng tải những thắc mắc (hỏi) lẫn trả lời (đáp) chân thành, thuyết phục của các bạn, miễn không xúc phạm người khác. Thân mời bạn tham gia!

B.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên