03/05/2021 14:10 GMT+7

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 1: Buồng lặn cứu mạng 33 người

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Từ một số vụ giải cứu tàu ngầm thành công, đến nay việc cứu nạn thủy thủ tàu ngầm đã phát triển mạnh về công nghệ và hợp tác quốc tế nhưng hiểm nguy vẫn luôn ẩn hiện dưới đáy sâu đại dương.

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 1: Buồng lặn cứu mạng 33 người - Ảnh 1.

Thử nghiệm túi “phổi Momsen” - Ảnh: nww2m.com

Van nạp khí chính của tàu ngầm USS Squalus đã mở ra hoặc không đóng được vì lý do gì đó không ai rõ.

Hội lịch sử New England

Tai nạn vẫn luôn rình rập tàu ngầm như vụ tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia vừa gặp nạn vào tháng 4-2021 làm thiệt mạng tất cả sĩ quan cùng thủy thủ đoàn.

Hải quân Mỹ luôn ghi nhớ vụ cứu nạn tàu ngầm USS Squalus, nhiệm vụ giải cứu mà Hội lịch sử New England gọi là vụ cứu nạn vĩ đại nhất lịch sử. Tàu ngầm Squalus chở 59 người chìm xuống độ sâu 74m do hỏng van nạp khí.

Trong 39 tiếng, lực lượng cứu nạn đã đưa ra nhiều quyết định sinh tử. Cuối cùng, 33 nạn nhân được giải cứu thành công nhờ một buồng lặn chưa thử qua thực tế và các thợ lặn can đảm, một đô đốc nhanh nhạy cùng một thuyền trưởng có tầm nhìn.

Linh tính của chuẩn đô đốc Cyrus Cole

7h30 sáng 23-5-1939, tàu ngầm Squalus chuẩn bị cho chuyến lặn thử nghiệm thứ 19 ở vùng biển cách bang New Hampshire 14km. Tàu ngầm bắt đầu hoạt động từ tháng 9-1937 và đã trải qua 18 lần lặn thử nghiệm thành công.

Đại úy thuyền trưởng Oliver Naquin (35 tuổi) chỉ huy 4 sĩ quan, 51 binh sĩ và 3 dân thường gồm 1 kiến trúc sư và 2 thợ điện.

Trời mưa bão. Tàu ngầm vào vùng biển động cách quần đảo Shoals 6,4km. 8h40, Naquin ra lệnh cho tàu lặn. Chuông reo, cửa đóng lại, các lỗ thông hơi mở ra, tàu ngầm chìm xuống. Mọi thứ đúng quy trình thao tác chuẩn (SOP).

Đến độ sâu 18m, tàu khựng lại đột ngột. Thủy thủ ở các khoang trước nghe qua điện thoại ai đó hét lên từ buồng máy sau tàu: "Đẩy nó lên! Đẩy nó lên!". Van nạp khí chính đã mở ra hoặc không đóng lại được vì lý do gì đó không ai rõ.

Hàng tấn nước biển tràn vào buồng máy. Các thủy thủ khẩn trương đóng các khoang sau nhưng vô ích.

Khí nén được đẩy vào các thùng dằn để nâng tàu nổi lên. Tàu ổn định và có vẻ hướng lên trên nhưng áp suất tăng lên đột ngột. Nước ồ ạt tràn vào phía trước tàu. Tàu ngầm lại chìm xuống. Hơi nước phun ra từ các thanh pin cao 1,8m và axit sôi trào lên nắp.

Thợ điện nhận ra pin đã chập mạch và sẽ sớm bốc cháy hoặc phát nổ nên cố tắt công tắc. Toàn bộ tàu ngầm chìm trong bóng tối.

Tại xưởng hải quân Washington, thiếu tá Charles Bowers Momsen - chuyên gia cứu nạn tàu ngầm và chỉ huy đơn vị lặn thử nghiệm - đang ăn trưa với bánh mì kẹp giăm bông thì điện thoại đổ chuông.

Bộ Hải quân thông báo: "Tàu ngầm Squalus đang ở ngoài khơi quần đảo Shoals tại độ sâu từ 60-120m. Chuẩn bị ngay thợ lặn và thiết bị để đi ngay". Hai tiếng sau, thủy phi cơ chở Momsen đến vị trí đã định.

Thật ra từ 9h40 sáng hôm đó, chuẩn đô đốc Cyrus Cole chỉ huy nhà máy đóng tàu hải quân Portsmouth đã lo lắng khi tàu ngầm Squalus không báo cáo nổi lên đúng quy định. Ông gọi hỏi thì người giữ hải đăng trên đảo White Island cho biết không nhìn thấy tàu ngầm.

Linh tính báo chuyện chẳng lành, ông lao ra bến tàu yêu cầu tàu ngầm Sculpin đang chuẩn bị đi kênh đào Panama đổi lộ trình để tìm tàu ngầm Squalus, rồi gọi cho Washington đề nghị cử toán thợ lặn hải quân giỏi nhất và điều động tàu quét mìn USS Falcon ở New London cách xa 320km chở buồng lặn của Momsen tới.

Dưới độ sâu 74m, thuyền trưởng Naquin tính toán có thể cầm cự đến 48 tiếng nếu không sử dụng quá nhiều không khí, vì vậy ông ra lệnh mọi người bình tĩnh nằm nghỉ và không nói chuyện. Mỗi người được phát một túi "phổi Momsen".

Họ rải bột vôi soda trên sàn tàu để hấp thụ khí CO2. Tàu ngầm đã bắn phao tín hiệu cầu cứu. Phao màu vàng dài gần 1m cột với dây cáp nối với boong tàu. Trong phao có điện thoại. Trên phao ghi dòng chữ lớn: "Tàu ngầm bị chìm ở đây. Điện thoại bên trong".

Các thủy thủ cũng thường xuyên bắn pháo khói và bơm dầu nhớt từ bồn cầu ra để phát tín hiệu.

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 1: Buồng lặn cứu mạng 33 người - Ảnh 3.

Buồng lặn được sử dụng lần đầu tiên trong vụ giải cứu tàu ngầm Squalus - Ảnh: defense.gov

4 chuyến buồng lặn cứu nạn

Thiếu tá Momsen ngồi trầm ngâm trên tàu ngầm Sculpin suy nghĩ không thể trục vớt tàu ngầm Squalus lên vì quá khó và quá mạo hiểm. Như vậy chỉ còn hai lựa chọn. Một là các nạn nhân dùng "phổi Momsen" từ từ ngoi lên mặt nước.

Họ phải thoát nhanh qua cửa trong lúc đang yếu, lạnh và áp lực nước mạnh nên có thể một số người bỏ cuộc. Hai là dùng buồng lặn xuống tàu ngầm. Cách này an toàn hơn nhưng phải chờ tàu quét mìn Falcon tới.

Tàu ngầm Sculpin thu hồi được phao có điện thoại màu vàng nhưng vừa liên lạc xuống tàu ngầm thì dây điện thoại bị đứt. 10h15 ngày 24-5-1939, thợ lặn Martin Sibitsky khoác vào người 90kg thiết bị lặn xuống nước với nhiệm vụ buộc dây thép vào cửa tàu ngầm để buồng lặn bám theo dây cáp đi xuống.

Phải mất 22 phút Sibitsky mới móc được dây cáp nối buồng lặn vào chiếc vòng giữa cửa thoát hiểm. Rồi phải mất 40 phút để anh ngoi lên mặt biển và vào phòng giảm áp.

Lực lượng cứu nạn đã nhận được tin nhắn mã Morse gõ vào thành tàu ngầm báo tin còn 33 người sống sót trong các khoang phía trước. Thiếu tá Momsen dự tính đưa họ lên bốn chuyến lần lượt 7, 8, 9 và 9 người.

Buồng lặn cao 3m, rộng hơn 2m, có buồng trên và buồng dưới có thể áp vào cửa tàu ngầm bằng đệm cao su. Lực lượng cứu nạn trên mặt nước nắm tình hình trong buồng lặn qua điện thoại.

Hai thợ lặn John Mihalowski và Walter Harman vào buồng trên mang theo mền, đèn pin, thùng sữa đầy xúp đậu nóng, bánh mì sandwich và bột soda chanh.

11h30, buồng lặn từ từ hạ xuống. Nửa tiếng sau, thợ lặn điều khiển cho buồng lặn nằm ngay trên cửa tàu ngầm rồi bắt vít cố định buồng lặn vào cửa.

14h, chuyến đầu tiên, 7 nạn nhân yếu nhất lên tàu Falcon với danh sách những người sống sót. Đến chuyến thứ hai, với kinh nghiệm vận hành buồng lặn, thợ máy William Badders quyết định đưa đi 9 người. Chuyến thứ hai lên mặt nước lúc 16h11.

Chuyến thứ ba tiếp tục chở 9 người an toàn nổi lên lúc 18h27. Đến chuyến thứ tư, buồng lặn chở 8 người cuối cùng, trong đó có thuyền trưởng Naquin. 20h14, buồng lặn bắt đầu lên.

Đến độ sâu 48m, buồng đột ngột dừng lại vì dây cáp kẹt trong trục quay. Không thể thay cáp mới cho buồng lặn nên thiếu tá Momsen quyết định kéo bằng tay. Sau 4 tiếng rưỡi cật lực, lực lượng cứu nạn trên tàu Falcon kéo được buồng lặn lên theo sợi dây cáp đã rách tươm.

Ngày 13-9-1939, hải quân Mỹ trục vớt tàu ngầm Squalus. Bên trong tàu chỉ còn 25 thi thể. Một thủy thủ có thể đã chui ra cửa và mất tích. Tàu ngầm Squalus được sửa chữa rồi hoạt động trở lại với cái tên mới Sailfish vào tháng 2-1940.

Lực lượng cứu nạn được thưởng 4 huân chương danh dự, 46 huân chương thập tự hải quân và 1 huân chương phục vụ xuất sắc hải quân.

Charles Momsen nhận được nhiều huân chương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông là người đã thúc đẩy thiết kế tàu ngầm hạt nhân Albacore. Thuyền trưởng Oliver Naquin lập được nhiều công trạng đã được vinh thăng chuẩn đô đốc.

Từ năm 1921 đến lúc tai nạn tàu ngầm USS Squalus năm 1939 đã có 825 người chết trong tai nạn tàu ngầm và không có nỗ lực giải cứu nào thành công. Bức xúc với tai nạn tàu ngầm S-4 chìm vào tháng 12-1927 (tàu nổi lên bị va chạm), Charles Momsen đã sáng chế buồng lặn hình quả chuông và "phổi Momsen".

"Phổi Momsen" là túi cao su treo ở ngực quấn quanh cổ và buộc quanh thắt lưng. Trong túi có hộp vôi soda giữ lại CO2 trong khí thở ra, sau đó không khí được nạp lại bằng oxy. Hai ống dẫn khí từ túi đến ống ngậm ở miệng gồm một ống để hít oxy và ống kia để thở ra CO2.

Hiện nay, tàu ngầm hiện đại không dùng "phổi Momsen" nữa mà thay bằng mũ Steinke.

-------------------------------

Vụ cứu nạn tàu lặn Pisces III là vụ giải cứu thành công dưới đáy biển sâu nhất trong lịch sử cứu nạn hàng hải thế giới.

Kỳ tới: Sống sót nhờ vô tình thay bình oxy

245 năm lịch sử tàu ngầm quân sự 245 năm lịch sử tàu ngầm quân sự

TTO - Sự cố của tàu ngầm KRI Nanggala cho thấy dù đã làm chủ từ những tàu ngầm nguyên thủy đơn giản đến tàu ngầm chạy bằng hạt nhân, con người vẫn không tránh được những thảm kịch đau lòng.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên