07/01/2012 07:00 GMT+7

Ly hôn vì của hồi môn

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Tiền mừng cưới, của hồi môn... trong ngày thành hôn nhằm tạo vốn cho đôi vợ chồng trẻ, đồng thời cũng làm ngày vui thêm long trọng. Tuy nhiên, không ít trường hợp những món quà trên lại đẩy đôi lứa ra xa.

wpdUO6Kk.jpgPhóng to

Trang sức cưới sẽ giúp ngày vui thêm long trọng, cũng là của hồi môn cha mẹ dành cho đôi trẻ - Ảnh: Quân Nam

1. Ngày hai bên gặp nhau định hôn sự, mẹ đàng trai vui vẻ rằng nhà chỉ có hai mẹ con, chuyện cơm nước bà đã quen rồi, con dâu khỏi lo, muốn buôn bán hay ở nhà thì tùy, bà không có ý kiến. Cha mẹ bên gái cũng hân hoan hứa sẽ cho của hồi môn là 15 lượng vàng để đôi trẻ làm vốn mở tiệm Internet ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ngày vui, những phong bì kèm lời chúc tụng trăm năm hạnh phúc đầy ăm ắp. Sau buổi lễ, toàn bộ tiền mừng cưới cùng số vàng được anh chị em hai bên cho, mẹ chồng giữ hết. Cô dâu Đ.M.X. ấm ức nói với chồng L.H.B. nhưng chồng biện hộ giao mẹ giữ giùm càng tốt. Cô dâu đem chuyện kể lại với cha mẹ ruột. Nghe xong, cha mẹ giận dữ rằng chưa chi đã chơi gác, đừng hòng bên này cho đồng nào.

Hai tháng trôi qua, thấy 15 lượng vàng bên vợ hứa cho làm của hồi môn chưa ló dạng, chồng nhắc nhưng vợ làm lơ. Vài lần như thế, chồng bắt đầu tỏ thái độ lầm lì, hoạnh họe, rồi ngủ riêng. Vợ giận bỏ về nhà cha mẹ ruột ở. Chồng cùng mẹ đi qua nhưng không phải để rước vợ về mà đòi lại nữ trang hai lượng vàng đã cho trong ngày cưới. Bên sui gái không chịu trả bởi cho rằng bên nhà trai lấy hết cả lượng vàng mà anh chị cô dâu cho em gái mình. Bên sui trai bảo rằng bên nhà gái bội ước khi hứa cho 15 lượng vàng làm của hồi môn nhưng không cho. Cứ thế những ngôn từ tham lam, bội ước, lật lọng... ném qua ném lại khiến tình cảm sui gia nứt vỡ đồng thời đẩy vợ chồng mới cưới ra tòa ly hôn.

2. Sau một thời gian yêu nhau, đám cưới được tổ chức. Chú rể L.A.K. hân hoan đeo dây chuyền, bông tai, trao nhẫn vàng cho cô dâu N.N.Q. để chính thức gắn kết nhau thành vợ thành chồng. Cuộc sống của họ êm đềm trôi. Số vàng cưới được cất vào tủ, vợ chỉ lấy ra đeo khi dự tiệc tùng cưới hỏi. Chuyện đời nhiều thử thách, gia đình bên chị vợ làm ăn thất bại nên hỏi mượn riêng em một số tiền. Để giúp gia đình chị mình vượt qua cái eo, vợ đem số vàng cưới bán lấy tiền cho chị mượn đỡ. Đem số vàng đi bán vợ mới vỡ lẽ tổng cộng chỉ có 1,2 lượng chứ không phải 1,4 lượng như lời trình của chủ hôn đàng trai trong ngày cưới.

Chồng không thấy vợ đeo trang sức khi đi dự đám cưới mấy đứa em họ nên hồ nghi. Hỏi riết vợ phải nói thật. Chồng giận vợ tại sao không hỏi ý kiến mình mà lại tự ý làm vậy. Lúc đầu vợ nín nhịn bởi biết mình quấy, nhưng chồng chì chiết mãi khiến vợ tự ái trả lời ngang rằng mượn rồi sẽ trả, có giật đâu mà sợ, đỡ hơn là nói cho 1,4 lượng mà chỉ có 1,2 lượng. Chồng nghe thế sững người. Vàng tự ý đem bán giờ lại la lên thiếu hai chỉ. Cuộc cự cãi bùng ra loang nhanh đến tai cha mẹ đôi bên, ai cũng lên tiếng bênh con mình. Người chị vợ hoảng hốt chạy vạy vay mượn trả tiền lại cho em mình. Nhưng tất cả đã muộn, không ai hãm được cơn giận dữ như đạn đã lên nòng bởi vợ nghĩ không thể sống với người chỉ biết vàng chứ không biết tình nghĩa. Còn chồng nghĩ chuyện giấu giếm đồng nghĩa với việc gian dối, may mà phát hiện kịp thời, chứ nếu không thì sau này tiền bạc mình làm quần quật mới có được, trước sau gì cũng tiêu tan hết về bên gia đình vợ.

Và rồi kết cục cũng là sự đổ vỡ...

3. Ông N.V.H. vốn là chủ nhà hàng khá lớn ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Có lẽ ảnh hưởng bởi sự quyết đoán trong kinh doanh nên tính ông rất gia trưởng, độc đoán. Chuyện hôn sự của con cái ông quyết hết. Người con trai út tên N.V.T. khi học đại học yêu say đắm cô bạn cùng trường nhưng ông bắt phải cưới cô gái L.N.Y. do người quen làm mai. Con trai không chịu, phản kháng. Ông dứt khoát, nếu không vâng lời thì khăn gói ra khỏi nhà ngay. Anh T. liền đến nhà chị Y. cảnh báo rằng anh rất yêu người yêu của mình, mong chị đừng chen vào phá chuyện tình của họ, còn nếu không nghe lời, trước sau gì cũng ly dị mà thôi. Vả lại chị Y. cũng đang có người yêu, đừng để đồng tiền xé nát câu thủy chung.

Vợ chồng ông H. đi ôtô đến nhà gặp cha mẹ chị Y. nói thẳng số tiền và trang sức cưới sẽ cho bằng cả gia tài của người khác. Trước món sính lễ quá lớn, và viễn cảnh sau này sẽ thừa kế một cơ ngơi đồ sộ khiến chị Y. gật đầu ưng thuận.

Đám cưới tưng bừng. Cô dâu rạng rỡ với vàng đeo đầy người do bên chồng tặng. Đêm tân hôn. Đêm thiêng liêng của ái ân hạnh phúc cho chuyện trăm năm, nhưng chú rể thản nhiên lấy di động gọi điện rồi nhắn tin cho người yêu cũ. Xong lăn ra ngủ mặc cho cô dâu tủi thân âm thầm khóc. Đám cưới cả tháng nhưng giữa họ không có một vòng tay nồng ấm nghĩa vợ chồng. Dưới sự thúc ép của cha muốn có cháu trai nối dõi, chồng mới chịu động phòng... để rồi sáng sớm hôm sau chồng từ phòng ngủ xộc ra, tuôn lời giận dữ rằng vợ không còn trinh tiết, một người như thế khó có thể cùng mình đi suốt cuộc đời. Sững người trước tin sốc trên, cha chồng đùng đùng nổi trận lôi đình, ông kêu con lột sạch đồ cưới trong sự hoảng loạn, sợ hãi, ê chề của con dâu. Rồi đem cô dâu trả về nhà gái.

Đừng để đồng tiền điều khiển

Nếu tiền, vàng cho riêng dâu, rể thì để dâu, rể giữ. Cha mẹ hai bên đừng nên bàn vào hay giữ giúp. Vấn đề này rất nhạy cảm, có thể khiến cuộc hôn nhân của con mình xấu đi. Chung quy tiền mừng cưới, nữ trang cưới, của hồi môn... trong ngày thành hôn chỉ nhằm mục đích giúp một số vốn cho đôi vợ chồng mới cưới. Đừng để đồng tiền điều khiển ngược lại khiến xảy ra điều đáng tiếc.

Thạc sĩ tâm lý PHAN THỊ MAI

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên