08/04/2018 10:31 GMT+7

Ly hôn không là 'trời sập', nhưng chia con đâu có dễ...

HOÀNG MY
HOÀNG MY

TTO - Chắc nhiều cặp vợ chồng cũng giống tình cảnh gia đình tôi. Bia rượu và những cuộc gặp gỡ bên ngoài đã lấy đi những dịp sum vầy vui vẻ hiếm hoi.

Ly hôn không là trời sập, nhưng chia con đâu có dễ... - Ảnh 1.

Những đứa trẻ cần được lớn lên trong một bầu không khí gia đình - nơi mỗi bậc cha mẹ cần bớt đi cái tôi riêng của mình - Ảnh minh họa: TRẦN THANH

Ba mẹ con tôi quen với việc thui thủi cùng nhau mỗi tối...

Tại bia rượu hay tại người?

Từ ngày chuyển ra ngoài làm, chồng tôi hay đi nhậu. Ban đầu chỉ là khách khứa, đối tác không thể thoái thác. Sau, giống như thói quen khó bỏ, kiểu như bị ghiền nhậu. Một tuần phải ba bốn lần chồng tôi về trễ, tới tận nửa đêm về sáng.

Cứ hôm sau tỉnh rượu, anh tỏ ra áy náy. Nhưng khi đã cầm ly bia lên tay là anh quên hết. Gọi, không thèm bắt máy. Nhắn tin, im lìm chẳng trả lời. Mãi rồi tôi cũng nản.

Những đợt cãi vã giữa tôi và anh ngày càng dày, tỉ lệ thuận với sự xa cách trong mối quan hệ lứa đôi. Hôn nhân chẳng cần lý do gì to tát mà rạn nứt.

Đã vài dịp bất trắc như tôi bị té xe phải tới bệnh viện khâu bốn mũi, thằng con nhỏ bị gãy tay vì trượt cầu thang, đứa con gái lớn uống nhầm thuốc tẩy phải đi cấp cứu mà không có mặt người đàn ông trụ cột trong nhà.

Bởi lúc ấy, anh đang bận nhậu nhẹt bù khú đâu đó. Khi anh trở về nhà hoặc tỉnh cơn say, chỉ có thể ngạc nhiên trước sự đã rồi, kèm theo vài câu xin lỗi lắp bắp này nọ...

Một lần, tôi bị xây xẩm chóng mặt sau cả ngày vất vả ở cơ quan, về nhà không ăn uống nổi. Tôi phá lệ nhắn anh về sớm, vợ ốm, nhà chẳng có ai...

Nửa đêm, nằm thao thức ngóng một tiếng xe quen mà tôi sợ hãi. Gần 2 giờ sáng, tôi chuyển sang đổ mồ hôi lạnh vì đau, chồng tôi về. Anh dắt theo một thanh niên lạ mặt, cả hai quàng vai bá cổ kiểu "tình nghĩa" tận trước cửa nhà.

Hỏi rằng ai đấy, người lạ bỏ đi, sau khi buông vài câu cho biết chồng tôi gặp cướp, may là anh ta can thiệp kịp, đưa về giùm nên không xảy ra chuyện gì. Tôi đợi chồng vào nhà, đóng cửa, cắn răng chờ trời sáng.

Mỗi người bớt một chút

Trước khi đi làm tôi để lại một tin nhắn cho chồng, người đàn ông vẫn đang ngủ vùi. Rằng, hôm nay nếu tôi không dám dứt khoát ly dị, chưa biết mai này mẹ con tôi còn khổ sở với chuyện nhậu nhẹt của anh tới mức nào.

Tôi dành nửa ngày ở cơ quan chỉ để lên mạng tìm kiếm thông tin về thủ tục ly hôn. Kèm theo đó là thảo một lá đơn, gửi vào hộp thư điện tử của chồng.

Buổi tối hôm ấy, khi đón hai đứa trẻ từ lớp học thêm về, tôi ghé vào quán ăn vặt quen thuộc, gọi vài món con tôi ưa thích, rồi lựa lời nói chuyện với chúng.

Ba mẹ sắp tới sẽ không còn ở chung một nơi nữa. Một trong hai con sẽ ở cùng với mẹ, đứa còn lại sống với ba. Các con lớn rồi, tự nghĩ xem mình thích ở chung với ai hơn.

Mẹ không thể chăm sóc nổi cùng lúc cả hai con được. Mẹ xin lỗi. Dù con có ở với ba hay mẹ thì mẹ vẫn yêu cả hai đứa thật nhiều. Mẹ sẽ thường xuyên qua thăm đứa ở với ba...

Tôi vốn không phải là mẫu đàn bà quá yếu đuối hay lụy con. Tôi chẳng phải dạng người coi chuyện ly hôn là "trời sập".

Quan niệm luôn là, mọi sự tùy duyên, hết duyên thì buông cho nhẹ nhõm. Vậy mà, khi nói với con những điều ấy, tôi bàng hoàng nhận ra khi hình dung cảnh mai này con tôi mỗi đứa một mái nhà, những yêu thương gắn bó thuở ấu thơ sẽ bị chia làm hai mảnh. Tan tành...

Đáng thương hơn, khi đứa con trai nhỏ của tôi, vốn tồ tuệch ngây thơ, đã mếu máo: Con về nói chuyện với ba, kêu ba đừng đi nhậu nữa là được rồi phải không mẹ?

Cô con gái lớn tính tình lì lợm, ít khi khóc lóc, đã im lặng cố giấu đi sự buồn phiền của mình trong đôi mắt sũng nước của nó. Con bé còn im lìm khó đoán như thế thêm vài ngày nữa, tận tới lúc không khí gia đình tôi trở nên bình thường trở lại, sau một cuộc nói chuyện riêng vô cùng nghiêm túc giữa hai vợ chồng.

Rằng, nếu như ai cũng hiểu được chia con thực ra chẳng hề dễ dàng như mình tưởng, thì chúng ta hẳn đã bớt sa đà ham chơi, bớt ham vui nhậu nhẹt, bớt say nắng ngoại tình, bớt những cái tôi góc cạnh của ông bố bà mẹ thời hiện đại, để cho trẻ con có một mái ấm vuông tròn...

Cha mẹ cần hành xử văn minh hậu ly hôn

Nếu không thể cứu vãn được hôn nhân thì câu chuyện hậu ly hôn quả là không dễ dàng gì. Theo TS Phạm Thị Thúy, khi cha mẹ ly hôn, con trẻ sẽ bị tổn thương tâm lý, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi và trẻ đang độ tuổi dậy thì - đây là hai giai đoạn nhạy cảm nhất đối với trẻ.

Mong một sự bình an cho trẻ khi cha mẹ ly hôn là điều rất khó. Cha mẹ chỉ có thể giảm thiểu mức độ tổn thương cho trẻ bằng cách cho trẻ biết sự thật.

Trước khi đưa nhau ra tòa, cha mẹ nên nói chuyện trước với con, về cả quá trình yêu đương, chung sống, lẫn những lý do khiến không thể bên nhau được nữa. Đừng nên giấu giếm trẻ. Nhiều bậc cha mẹ không có văn hóa ly hôn, coi nhau như kẻ thù chính là điều làm trẻ tổn thương nhiều nhất.

DIỆU NGUYỄN

Cưới lại người cũ sau 50 năm ly hôn Cưới lại người cũ sau 50 năm ly hôn

TTO - 'Chúng tôi đã bắt đầu đoạn đường đầu tiên với nhau, giờ chúng tôi sẽ cùng nhau đi nốt quãng đường cuối cùng', cặp đôi tái hôn sau khi ly dị nửa thế kỷ tâm sự.

HOÀNG MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên