08/06/2023 16:29 GMT+7

Lượng tiền đổ vào giao dịch chứng khoán cao nhất 8 tháng nay

Phiên giao dịch chứng khoán hôm nay chứng kiến lượng tiền đổ vào mua bán cổ phiếu tăng một cách bùng nổ, với hơn 27.300 tỉ đồng, cao nhất trong vòng 8 tháng nay.

Lượng tiền đổ vào giao dịch chứng khoán cao nhất 8 tháng nay - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư "lướt sóng" ra quyết định chốt lời, khiến thị trường chứng khoán bị đảo chiều, giảm điểm đáng kể - Ảnh: BÔNG MAI

Ngay khi mở đầu phiên giao dịch hôm nay 8-6, sắc xanh tăng trưởng lập tức bủa vây khắp sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên bước vào phiên chiều, áp lực bán tăng mạnh khiến chỉ số cũng đổi sang màu đỏ giảm điểm.

Hơn 27.300 tỉ đồng đổ vào sàn chứng khoán

Sau thời gian nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, phiên hôm nay hàng loạt cổ phiếu ngân hàng bị mang ra bán mạnh, trong đó phải kể đến mã BID (BIDV), TCB (Techcombank), VPB (VPBank), CTG (Vietinbank), MBB (MBBank), VIB (VIB)…

Song song đó, áp lực bán còn đè lên nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác như GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), GAS (PetroVietnam Gas), MWG (Thế giới di động), MSN (Masan)…

Dù vậy, thị trường vẫn nhận được lực đỡ đáng kể từ diễn biến tăng của nhiều cổ phiếu khác như HPG (Hòa Phát), DHG (Dược Hậu Giang), HVN (Vietnam Airlines), VGC (Viglacera), VHM (Vinhomes), BMP (Nhựa Bình Minh), PDR (Bất động sản Phát Đạt)…

Giữa lúc thị trường chung đỏ lửa, cổ phiếu VCB của Vietcombank trở thành tâm điểm chú ý khi chính thức tăng lên mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Điều này giúp vốn hóa của Vietcombank lên mức hơn 459.000 tỉ đồng (gần 20 tỉ USD), tiếp tục giữ vị trí quán quân trên sàn chứng khoán.

Con số trên cũng khiến khoảng cách của hai gương mặt khác nằm trong top 3 ngày càng xa, xếp sau lần lượt là Vinhomes (hơn 10,2 tỉ USD) và BIDV (hơn 9,5 tỉ USD).

Trong phiên, chỉ số của hầu hết các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tiện ích, xây dựng - vật liệu, dịch vụ tài chính, hóa chất, hàng hóa - dịch vụ công nghiệp, công nghệ, dịch vụ bán lẻ, viễn thông, dầu khí… đều bị lao xuống mức âm. Chỉ có một số ngành như tài nguyên, du lịch - giải trí, truyền thông, y tế… vẫn giữ được sắc xanh.

Trải qua giằng co, chỉ số chứng khoán VN-Index đại diện cho sàn TP.HCM chính thức giảm 8,22 điểm (-0,74%), lùi về mốc 1.101,32 điểm. Riêng hôm nay sàn này đã đóng góp thanh khoản hơn 23.689 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức bình quân của tháng trước. Trên sàn có hơn 1,3 tỉ cổ phiếu giao dịch.

Sắc đỏ cũng hiện diện ở sàn HNX và cả sàn UPCoM, khi ghi nhận mức giảm lần lượt là 3,55 điểm (-1,54%) xuống 226,78 điểm và 0,54 điểm (-0,64%) về mốc 84,02 điểm.

Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu trong phiên dâng cao lên hơn 27.300 tỉ đồng, cao nhất trong vòng 8 tháng nay.

Hụt hơi sau chuỗi tăng điểm

Ngay khi chốt phiên giao dịch hôm nay, ông Trần Minh Hoàng - trưởng phòng phân tích và nghiên cứu thuộc Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cùng cộng sự - lập tức đưa ra nhận xét. 

Cụ thể, ở nửa đầu phiên chiều, tâm lý chốt lời ngắn hạn và sự lưỡng lự của nhà đầu tư sau nhịp tăng điểm mạnh của thị trường. Việc áp lực bán liên tục gia tăng về gần cuối phiên đã khiến cho thị trường hụt hơi và đảo chiều giảm điểm mạnh. Thêm vào đó, khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì đà bán ròng xuyên suốt phiên với thanh khoản 335 tỉ đồng.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, phía VCBS cho rằng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đã gia tăng, xác suất giảm điểm đã gia tăng đáng kể. Chỉ báo quan trọng cũng cho thấy sự hụt hơi của thị trường sau chuỗi phiên tăng điểm.

Vì vậy, nhịp điều chỉnh của VN-Index là dễ hiểu và cần thiết để thị trường có thể tiếp tục hướng đến khu vực 1.120 - 1.125 điểm.

"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư kiên nhẫn chờ đợi trong những phiên điều chỉnh và tận dụng những nhịp rung lắc mạnh trong phiên để tìm kiếm cơ hội giải ngân ở các mức giá chiết khấu đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản", chuyên gia của VCBS cho hay.

Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích thuộc Chứng khoán VNDirect - nhận định nhà đầu tư cần quan sát kỹ diễn biến giao dịch của chỉ số VN-index để có thể khẳng định là thị trường đã thực sự bước vào làn sóng tăng hay chưa.

Nhà đầu tư đã giải ngân thành công trong những tuần trước đó có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, đồng thời hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã tăng mạnh gần đây, vì việc mua vào với giá vốn cao tiềm ẩn rủi ro khi bước vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật.

Cổ phiếu có giá cao nhất sàn chứng khoán... bị hạn chế giao dịchCổ phiếu có giá cao nhất sàn chứng khoán... bị hạn chế giao dịch

VNZ - cổ phiếu có giá cao nhất sàn chứng khoán - vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện hạn chế giao dịch, chỉ được mua bán trong phiên cuối cùng hằng tuần (thứ sáu).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên