Luật sư Hoàng Thị Thu cho rằng ông Dương Tấn Trước và Công ty Tường Việt độc lập, không thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Cá nhân ông Trước không giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB mà chỉ là đối tác kinh doanh của bà chủ Vạn Thịnh Phát.
Ông Dương Tấn Trước đề nghị ghi nhận đã khắc phục 100% thiệt hại
Theo lời khai của ông Dương Tấn Trước, bà Lan luôn có một danh sách các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng.
Sau khi xem danh sách, nhận thấy chỉ có dự án Thanh Yến có đầy đủ hồ sơ pháp lý, có tiềm năng phát triển nên ông Trước thỏa thuận với bà Trương Mỹ Lan giá chuyển nhượng là 2.500 tỉ đồng.
Bà Lan đề nghị ông Trước không cần thanh toán tiền ngay mà chỉ cần lập hồ sơ vay SCB 3.500 tỉ đồng, trong đó 2.500 tỉ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến; 1.000 tỉ đồng để bà Lan sử dụng vào mục đích riêng.
Bà Lan có trách nhiệm thanh toán toàn bộ gốc và lãi đối với số tiền 1.000 tỉ đồng này.
Chính vì tin tưởng vào lời cam kết, uy tín của bà Lan và thật sự mong muốn được nhận chuyển nhượng dự án để phát triển nên ông Trước mới đồng ý việc lập hồ sơ vay vốn tại SCB.
Luật sư nhấn mạnh ông Trước không được hưởng lợi ích gì từ khoản vay 3.500 tỉ đồng nói trên vì bà Lan không thực hiện theo như cam kết ban đầu, không chuyển nhượng dự án cho ông Trước và nhóm Công ty Tường Việt.
"Quá trình thực hiện khoản vay 3.500 tỉ đồng ông Trước đều bị động, dù có quan hệ đối tác nhưng đây là mối quan hệ không cân xứng, mọi vấn đề đều làm theo chủ ý, quyết định của bà Trương Mỹ Lan", luật sư nói.
Đối với khoản vay 1.500 tỉ đồng do Công ty Tường Việt đứng tên và 248 tỉ đồng do Công ty Việt Đức đứng tên thực chất là số tiền bà Lan trả phí dịch vụ đối với các giải pháp pháp lý cho ông Trước.
Luật sư cũng cho rằng trong vụ án này, nếu so sánh về số tiền gây thiệt hại thì trách nhiệm của ông Trước chỉ khoảng đến 0,5%. Từ đó luật sư đề nghị hội đồng xét xử xem xét áp dụng thêm khoản 2 điều 54, giảm nhẹ thêm cho ông Dương Tấn Trước.
Tự bào chữa, ông Dương Tấn Trước nói trách nhiệm khắc phục của ông còn khoảng hơn 600 tỉ đồng nhưng các tài sản bị phong tỏa có giá trị hơn 2.000 tỉ đồng nên xin hội đồng xét xử ghi nhận mình khắc phục 100% thiệt hại.
Việc SCB cho nhóm Vạn Thịnh Phát vay đã tồn tại ổn định
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) cho rằng mức án 19-20 năm tù về tội tham ô tài sản mà viện kiểm sát đã đề nghị với ông Hoàng là quá nghiêm khắc, chưa đánh giá toàn diện nguyên nhân, điều kiện phạm tội.
Theo luật sư, việc chỉ đạo cấp tín dụng theo quy trình ngược, đưa các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vào để hợp thức vay vốn… đã tồn tại một cách ổn định, có hệ thống từ 8 năm trước khi bị cáo Hoàng vào làm việc.
Luật sư cho rằng thân chủ là người làm công ăn lương, có nhận thức nếu không thực hiện theo chỉ đạo thì rất có thể sẽ bị thay thế, mất việc.
Bị cáo phạm tội trong thế bị động, không chủ động cấu kết với các đồng phạm khác và cũng không thụ hưởng khoản tiền vay.
Luật sư cũng kiến nghị hội đồng xét xử phân hóa trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo, xem xét việc các bị cáo ở SCB chỉ là đồng phạm giúp sức, không được hưởng lợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận