14/06/2019 10:18 GMT+7

Luật giáo dục mới: Một môn học sẽ có nhiều sách giáo khoa

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Luật giáo dục sửa đổi đã được Quốc hội thông qua sáng nay 14-6, quy định mỗi môn học sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, hội đồng viết sách phải có ít nhất 1/3 thành viên là nhà giáo...

Luật giáo dục mới: Một môn học sẽ có nhiều sách giáo khoa - Ảnh 1.

Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa tại nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Với tỉ lệ tán thành thông qua là 85,54%, Luật giáo dục sửa đổi có nhiều điểm mới rất đáng chú ý.

Hội đồng viết SGK phải có ít nhất 1/3 thành viên là nhà giáo

Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết đa số đại biểu đồng ý có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước và có một số SGK cho mỗi môn học, giao bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành SGK sử dụng trong cả nước.

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phổ thông, theo dự thảo luật đưa ra biểu quyết thông qua, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định SGK và chịu trách nhiệm về SGK phổ thông là phù hợp với thẩm quyền chuyên môn cũng như bảo đảm tính khách quan.

Luật giáo dục mới: Một môn học sẽ có nhiều sách giáo khoa - Ảnh 2.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật GD sửa đổi - Ảnh: B.D.

"Tôn trọng sự khác biệt của người học"

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định "tôn trọng sự khác biệt" vào yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện cụ thể quy định về phương pháp giảng dạy lấy người học là trung tâm.

Phương pháp này sẽ được triển khai cụ thể trong quá trình dạy học, sẽ chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, giúp giáo viên và học sinh chủ động, sáng tạo trong dạy và học.

Dự thảo luật cũng quy định về yêu cầu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học đối với các cấp học giáo dục phổ thông, điều này bao gồm tôn trọng sự khác biệt, phát triển của mỗi người học.

Về ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng tuyển dụng vào nghề giáo đối với người không học sư phạm, dự thảo luật bổ sung quy định ngành giáo dục được tuyển dụng người "có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".

Với một số ý kiến đề nghị sinh viên sư phạm không phải hoàn trả tiền được hỗ trợ đóng học phí và chi phí sinh hoạt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc này sẽ được quy định ở văn bản dưới luật.

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định yêu cầu nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện đầu tư thành lập cơ sở giáo dục tư thục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định khi thành lập cơ sở giáo dục tư thục, nhà đầu tư được lựa chọn một trong hai phương thức: một là nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, sau đó để tổ chức kinh tế thành lập cơ sở giáo dục tư thục; hai là nhà đầu tư không thành lập tổ chức kinh tế, mà trực tiếp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục tư thục.

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hình thức tự học tại gia đình, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết đây là một chính sách mới, chưa được thí điểm tại Việt Nam nên cần được tổng kết, đánh giá.

Dự thảo luật đã quy định hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, công nhận các hình thức học từ xa, tự học, tự học có hướng dẫn để mở rộng, đa dạng các hình thức học tập theo nhu cầu của người học. Đây là cơ sở tạo hành lang pháp lý cho hình thức này phát triển khi điều kiện cho phép.

Nhiều bộ sách giáo khoa để Nhiều bộ sách giáo khoa để 'sáng tạo trong dạy và học'

TTO - Đó là khẳng định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi trình dự án Luật Giáo dục vào sáng nay 21-5 để đại biểu thảo luận lần cuối trước khi Quốc hội xem xét thông qua.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên