21/05/2019 15:12 GMT+7

'Trẻ em 3 tháng tuổi chọn mẹ hay hoa hậu hoàn vũ?'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không cần quy định một điều cụ thể về triết lý giáo dục bởi nó đã được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục, nhưng một số ĐBQH vẫn băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình giải thích với ĐBQH về triết lý giáo dục - Video: LÊ KIÊN

Thảo luận về dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) tại phòng họp Diên Hồng sáng nay, nhiều đại biểu vẫn đề nghị có một triết lý giáo dục được cô đọng một cách ngắn gọn, dễ nhớ, ai cũng có thể soi vào.

"Chúng ta đã biết tính nhân dân, tính dân tộc kết tinh như tính nhân văn, đó là tiêu chí, là thước đo, chuẩn mực để xác định tầm cỡ của nền giáo dục, của một nền văn hóa. Và tính nhân văn càng cao bao nhiêu thì nền văn hóa đó, nền giáo dục đó càng vĩ đại bấy nhiêu", phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức nêu vấn đề.

Ông Thức cho rằng dự luật "quy định trong các điều khoản của luật quá nhiều kỳ vọng và nặng về thành tích. Ví dụ điều 23 mục tiêu giáo dục mầm non quy định trẻ mầm non là từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi, đề ra mục tiêu giáo dục mầm non là phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bình luận: "Đặt lên vai trẻ em 3 tháng tuổi là trí tuệ và thẩm mỹ, chúng tôi thấy đó là kỳ vọng quá nhiều vào trẻ em. Bây giờ nếu đặt mẹ các em và hoa hậu hoàn vũ thì chắc chắn các em sẽ chọn mẹ chứ không chọn hoa hậu hoàn vũ, vậy chẳng nhẽ thẩm mỹ của các em lại thấp kém?".

Trẻ em 3 tháng tuổi chọn mẹ hay hoa hậu hoàn vũ? - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) thì đặt vấn đề: Nếu có yêu cầu đặt ra là suy ngược từ các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục trong dự thảo luật này để hội tụ về gốc của nó là triết lý giáo dục thì đó là câu gì? Nếu có yêu cầu dẫn nguồn về triết lý giáo dục Việt Nam thì sẽ dẫn nguồn nào?

Và nếu như yêu cầu các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục và những ai quan tâm đến vấn đề triết lý giáo dục phát biểu câu triết lý giáo dục của Việt Nam thì câu phát biểu ấy có giống nhau không?

"Chúng ta có một hệ triết lý nhưng chưa đúc kết, cô đọng lại thành được một câu triết lý giáo dục ngắn gọn dễ nhớ, ai cũng nằm lòng và soi chiếu vào từng công việc, từng tình huống cụ thể của mình trong sự nghiệp giáo dục", ông Thái nói.

Đáp lời các ĐBQH, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình giải thích: "Triết lý này thể hiện bốn tính chất là nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Anh Trí Thức có nhấn mạnh từ 'nhân văn', tôi nói thực sự dân tộc chúng ta rất nhân văn, Truyện Kiều của chúng ta là cực kỳ nhân văn".

Theo ông Phan Thanh Bình, trong bản giải trình của Thường vụ Quốc hội đã ghi rất rõ là triết lý giáo dục của chúng ta luôn thể hiện 4 tính chất là nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.

"Bốn tính chất này xuyên suốt, khống chế toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta. Nếu đọc kỹ hơn sẽ thấy luật đã ghi rõ: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Tôi nghĩ nếu cần gom lại thì chúng ta lấy điều này để hình dung", ông Phan Thanh Bình nói.

Hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật giáo dục là để tham khảo Hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật giáo dục là để tham khảo

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) vừa qua là để tham khảo, không nhất thiết bắt buộc phải tiếp thu.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên