24/02/2013 05:21 GMT+7

Lời thề...

THU HÀ
THU HÀ

TT - Hôm nay ngày rằm tháng giêng là chính hội Minh thề (14 đến 16 tháng giêng). Hội Minh thề vốn do một hoàng hậu của vua Mạc Đăng Dung lập ra để buộc quan lại thần dân phải cam kết với trời đất thần linh - và cũng là với vua - về sự quang minh liêm chính của mình.

Triều đình nhà Mạc không được dung thân chốn Thăng Long đô hội nên ngôi làng nhỏ Hòa Liễu của đất Kiến Thụy, Hải Phòng được vị hoàng hậu chọn làm nơi cử hành hội thề và từ đó đã mở ra phong tục tốt đẹp về “văn hóa quan chức” trong bộ máy nhà nước phong kiến.

Văn hội Minh thề có những câu rất “thời sự”: “Tất cả chức sắc chức dịch, bô lão và nhân dân; từ kẻ sĩ đến nhà nông trong hương thôn, ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người nào lấy của công về làm của tư xin thần linh đả tử! - Y như lời thề!... Ở trong việc thi hành pháp luật, sẽ được thánh đức xét soi. Nếu người nào chứa chấp kẻ gian tà, bao che kẻ trộm cắp, thần linh sẽ điều tra xét hỏi, công tư rõ ràng, lấy quyền hành chính trực chiếu theo luật thề mà trị tội. Khi đã rõ ràng cứ việc thi hành, đừng bảo rằng là tệ ác” (nguồn: Ban quản lý khu di tích các vua nhà Mạc).

Nhưng như thế cũng có nghĩa là triều chính thời đó đã chẳng còn được thái bình thịnh trị, những bộ luật công minh và nghiêm khắc như Luật Hồng Đức thời Lê sơ đã không còn được quan lại thời đó e sợ, tuân thủ, và tiếng eo sèo oán thán của dân đã vọng đến tai của một triều đình “gần dân” hơn như nhà Mạc. Hội thề “không tham nhũng” ra đời như một giải pháp tình thế.

Ngược dòng lịch sử, có một hội thề còn lâu đời hơn, thiêng liêng hơn và được cử hành đều đặn hằng năm từ thời vua Lý Thái Tông (1028) qua suốt triều Trần, triều Hồ: “Hội thề Đồng Cổ”.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hằng năm ngày 4-4, tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến chực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng tiến vào triều. Vua ngự ở cửa hữu lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục làm lễ hai lạy rồi lui ra; đều đủ đội ngũ nghi trượng theo hầu ra cửa tây kinh thành đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu... Lời thề rằng: Làm bề tôi hết sức trung, làm quan phải trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết”.

Đáng chú ý “điều khoản” “làm quan phải trong sạch” đã được đưa vào từ thời Trần, thời Lý chưa có. Một nhà nước phong kiến phát triển, dù chưa ra được những bộ luật cần thiết để quản lý xã hội đã phải nghĩ đến việc loại trừ tham ô, sách nhiễu trong bộ máy cai trị của mình. Và phương thức đầu tiên là viện đến những điều thiêng liêng nhất để bắt họ thề nguyền.

Thời y học thế giới chưa phát triển, quyền lực của người thầy thuốc to lớn ngang với thần linh, Hippocrates đã đưa ra lời thề bất hủ mà mỗi sinh viên y khoa khi bước vào cổng trường đại học y đều phải thuộc nằm lòng.

Lời thề trong lễ Minh thề chẳng ngăn được tham quan, lời thề đền Đồng Cổ không cản nổi Trần Ích Tắc, Trần Kiện dẫn gia quyến quy hàng quân Nguyên dù họ đứng sau nhà vua chỉ mấy bước trong buổi sáng thiêng liêng mùa hè năm 1285 ấy. Lời thề Hippocrates bây giờ cũng chẳng buộc được cánh tay vị bác sĩ đừng đưa ra nhận phong bì, đừng cấu kết với các công ty dược bán thuốc cắt cổ cho bệnh nhân.

Hội thề vốn là một trong những tập tục đã có từ lâu, quy mô lớn nhỏ khác nhau, nghi thức muôn vẻ khác nhau cũng đều có cả. Xưa, việc nhờ thần linh chứng giám hoặc can thiệp là điều bình thường. Thề làm tôi tận trung, làm quan trong sạch là lời thề trang nghiêm và đáng kính, chẳng thể vì chút vỏ mê tín bao bọc ở phía ngoài mà coi thường được.

Nhưng một xã hội văn minh chẳng thể được vận hành chỉ bằng những lời thề. Thần linh có thiêng mấy cũng chẳng bằng những cơ chế giám sát hữu hiệu và những công cụ chế tài nghiêm minh. Bằng không, bên cạnh câu “thệ hải minh sơn”, dân gian đã chẳng có câu “thề cá trê chui ống” đó sao!

Ngẫm chuyện xưa, nghĩ chuyện nay và thấy có nét giống nhau: Làm đi, chứ nói không là chưa đủ.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên