21/10/2015 10:47 GMT+7

Lo đại biểu vắng họp

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Khai mạc kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lưu ý các đại biểu cần dành thời gian tối đa cho kỳ họp, không được vắng họp vì những lý do không chính đáng.

Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 10 ngày - Ảnh: Việt Dũng

Sáng 20-10, trong cuộc họp trù bị trước phiên khai mạc kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lưu ý như trên.

Và Chủ tịch Quốc hội đã không ngần ngại nói thẳng rằng ông lo sợ đại biểu sẽ bỏ họp Quốc hội để dự đại hội Đảng ở một số địa phương, cho dù chẳng có chức trách gì với đại hội đó.

Ông Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: trừ những đại biểu thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công đi chỉ đạo đại hội, “còn đồng chí nào đi dự với tư cách tình cảm quê hương, với tư cách là nguyên bí thư, nguyên lãnh đạo địa phương, vì tình cảm gắn bó với địa phương đó thì... xin các vị là thôi”.

Ông lý giải: “Nếu các đại biểu không đi họp đủ thì Quốc hội sẽ rất trống vắng. Quyết định của chúng ta sẽ không được đa số”.

Từ nhiều kỳ họp qua, việc đại biểu vắng họp đã thành chuyện không lạ ở nghị trường. Tại phiên họp buổi chiều ngày 20-11-2014 (kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII), Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã thốt lên: “Mấy phiên gần đây số đại biểu vắng họp nhiều quá”.

Ông yêu cầu các trưởng đoàn nhắc đại biểu phải đi họp đầy đủ hơn. Nhưng đáp lại lời nhắc nhở ấy, ngày hôm sau khi biểu quyết thông qua một dự án luật, đã có tới...102 đại biểu vắng họp.

Lo lắng của Chủ tịch Quốc hội, nhìn rộng ra, còn có nguyên do nằm ở cơ cấu đại biểu Quốc hội hiện có tới 70% là đại biểu kiêm nhiệm. Nếu không thay đổi cơ cấu đại biểu bằng việc tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách thì tình hình tới đây sẽ khó thay đổi.

Nhìn vào chương trình làm việc của kỳ họp này, mới thấy đằng sau lời nhắc nhở ấy của ông Nguyễn Sinh Hùng là một sức ép rất lớn về thành công của kỳ họp.

Với việc xem xét thông qua 18 dự án luật, 15 nghị quyết, cho ý kiến 8 dự án luật và thảo luận, quyết định nhiều vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, các đại biểu có thể phải bấm nút biểu quyết đến cả trăm lần...

Nếu đại biểu vắng họp quá nhiều thì những vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng, dẫu có được thông qua cũng không phản ánh được hết nguyện vọng của cử tri đã gửi gắm thông qua đại biểu.

Vấn đề mà cử tri, nhân dân chờ đợi là sau lời nhắc nhở ấy của Chủ tịch Quốc hội, sắp tới nghị trường sẽ không còn những phiên họp thưa vắng. Và cử tri sẽ biết được rõ ràng các đại biểu vắng họp vì lý do gì.

Thay vì chỉ có những con số trên bảng điện tử, thông báo số đại biểu vắng họp - đánh đồng những đại biểu vắng họp vì công vụ lẫn vắng vì “tình cảm quê hương, gắn bó cá nhân”... Đó là điều mà lâu nay các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội rất ít khi công khai, cho dù cử tri luôn chờ đợi.

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên