15/06/2015 11:55 GMT+7

Liệu tế bào gốc có nói dóc hay không?

DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG  (Úc)
DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Úc)

TT - Khai thác tế bào gốc điều trị các bệnh nan y như ung thư và Parkinson đã gây tranh cãi trong nhiều năm. Bây giờ cuộc tranh luận lan rộng đến các ngành công nghiệp sắc đẹp.

Các công ty mỹ phẩm tạo ra kem thoa da có chứa tế bào gốc và “hô hoán” rằng chúng có thể tái tạo tế bào da, sửa chữa các mô bị hư hỏng và "ủi" các nếp nhăn.

Thật ra những loại mỹ phẩm này chẳng có gì mới. Chúng chỉ chứa các loại enzyme và peptide quen mặt từ lâu nay được thay tên đổi họ.

Những loại mỹ phẩm "mượn danh" tế bào gốc được phát triển theo hai hướng. Hướng thứ nhất là chúng có chứa sẵn tế bào gốc. Hướng thứ hai là chúng sẽ kích thích sự tăng trưởng của những tế bào gốc hiện diện trong da.

Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là những tế bào không chuyên biệt có khả năng tự tái tạo, tự “làm mới” chính mình (phân chia để tạo nên nhiều tế bào hơn nữa). Theo định nghĩa, tất cả các tế bào gốc có thể thay đổi để tạo ra một dạng tế bào chuyên biệt cụ thể nào đó. Thí dụ một tế bào gốc có thể được vận dụng, chế tác để biến thành tế bào cơ, tế bào da...

Có rất nhiều dạng tế bào gốc khác nhau. Tế bào gốc phôi thai là những tế bào gốc luôn tạo sự tranh cãi lớn vì chúng được lấy từ các mô của bào thai. Những nghiên cứu về tế bào gốc dạng này từng bị cấm bởi Tổng thống G.W. Bush, từ đó dẫn đến việc nghiên cứu các dạng tế bào gốc khác.

Một dạng tế bào gốc khác thường gọi là tế bào gốc trưởng thành hay còn gọi là tế bào gốc somatic. Tế bào gốc trưởng thành đang hiện diện trong da của chúng ta, chúng có vai trò giúp da tái tạo và lành lặn khi bị vết thương. Những tế bào gốc loại này cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo thành cấu trúc, dung mạo của da.

Tế bào gốc trong kem dưỡng da

Một số kem bôi da chứa các chất có nguồn gốc từ tế bào gốc phôi thai hoặc trưởng thành (somatic), thế nhưng những tế bào gốc này không phải được phân lập từ người. Đa số chúng được phân lập từ thực vật, trái cây (táo)...

Thực tế không ai chắc chắn những tế bào gốc này có khả năng “sống sót” từ lúc được đóng gói thành phẩm cho đến khi chúng ta thoa vào da. Bởi những sản phẩm chứa tế bào gốc ấy có thể nằm trên kệ hoặc trong kho hàng tháng, hàng năm trước khi chúng tới tay người tiêu dùng.

Nếu may mắn, những tế bào gốc này vẫn sống "phây phây", chúng ta vẫn không chắc chắn chúng có thể thấm qua da để phát huy những tác dụng "ăn tiền" hay không?

Kem dưỡng da kích thích tế bào gốc trong da?

Nhiều loại kem dưỡng da được các hãng bào chế “hô phong hoán vũ” rằng chúng có khả năng kích thích các hoạt động của tế bào gốc trong da. Điều này thật ra chẳng có gì mới. Chẳng có gì gọi là đột phá trong việc kích thích các tế bào gốc.

Tất cả tác nhân kích thích sự phân chia tế bào cũng đều kích thích cả sự phân chia các tế bào gốc.

Điều này nhiều thứ khác cũng có thể làm được chứ không riêng những loại kem dưỡng da đã được PR này như retinoids, glycolic acid, lactic acid... hoặc như một đợt tẩy da cũng có thể kích thích các tế bào gốc trong da nhân đôi, thậm chí một vết cắt trên da cũng thúc đẩy các tế bào gốc nhân đôi nhằm giúp vết thương mau lành.

Chính vì thế, các loại kem dưỡng da “nhân danh” tế bào gốc cũng chẳng hơn gì các loại kem dưỡng da có từ xưa nay, chỉ khác là giá cả trên trời. Vì vậy, khoan vội tốn tiền cho những kem dưỡng da có chứa tế bào gốc.

DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Úc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên