16/01/2018 18:15 GMT+7

Lên cơn sốt thiếu Glivec, vì sao?

TS BẠCH QUỐC KHÁNH (viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư) - LAN ANH ghi
TS BẠCH QUỐC KHÁNH (viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư) - LAN ANH ghi

TTO - Trước khi có thuốc Glivec, bệnh nhân ung thư bạch cầu mạn dòng tủy chỉ có biện pháp duy nhất để chữa là ghép tủy. Nhưng có ghép tủy thì cũng chỉ khoảng 60% là sống trên 10 năm.

Lên cơn sốt thiếu Glivec, vì sao? - Ảnh 1.

Thuốc Glivec - Ảnh minh họa

Chương trình viện trợ thuốc Glivec đã bắt đầu được thực hiện tại VN từ khoảng năm 2009-2010, đến nay số lượng bệnh nhân thay đổi theo từng năm, nhưng đã có khoảng 3.000 bệnh nhân được tham gia chương trình, với kết quả theo tôi là một "cuộc cách mạng" với bệnh nhân ung thư bạch cầu mạn dòng tủy.

Trước đây khi chưa có Glivec, biện pháp duy nhất để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân là ghép tủy. Với liệu pháp này, 60% bệnh nhân có thể sống thêm được từ 10 năm nhưng họ luôn đối mặt với những biến chứng.

Còn nếu không ghép tủy (chỉ được điều trị duy trì để giảm số lượng tế bào ung thư trong máu), bệnh nhân hầu hết không sống thêm quá ba năm kể từ khi mắc bệnh.

Glivec ra đời năm 2006 và khoảng 60% bệnh nhân dùng Glivec từ 2006 đến nay vẫn sống khỏe mạnh.

Liệu pháp nhắm đích

Glivec được gọi là liệu pháp điều trị nhắm đích, mục tiêu điều trị là hướng vào cơ chế sinh bệnh ung thư.

Giả sử bệnh do một đột biến di truyền sinh ra thì thuốc này chữa những đột biến di truyền ấy. Với những bệnh nhân có đáp ứng với thuốc (khoảng 60 - 70% bệnh nhân) thì khi xét nghiệm sẽ không còn đột biến ấy trong máu.

Sau này, thuốc Tasigna là thế hệ 2 của Glivec ra đời để xử lý những trường hợp không đáp ứng với sản phẩm thế hệ 1, và hiện đã có thế hệ 3 để xử lý những trường hợp không đáp ứng với thế hệ 1 và 2.

Trước đây khi chưa có Glivec (và Tasigna cũng như thế hệ 3 của thuốc), biện pháp duy nhất là ghép tủy cho bệnh nhân, nhưng hiện nay những bệnh nhân có đáp ứng với thuốc thì chúng tôi không ghép tủy nữa.

Giá một viên Glivec hiện là hơn 400.000 đồng/viên, mỗi bệnh nhân phải uống 4 viên/ngày và phải uống hàng ngày đến hết đời. Đây là mức giá kinh khủng với bất kỳ ai, đặc biệt với bệnh nhân VN.

Vì vậy chương trình hỗ trợ với sự phối hợp ba bên: Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và nhà cung cấp thuốc đã ra đời tại VN từ khoảng 2009. Đây là chương trình hỗ trợ có sự phối hợp 3 bên đầu tiên và kéo dài nhất (pha thứ 2 của hợp tác này sẽ kéo dài đến đến hết 2019), và việc cơ quan Bảo hiểm xã hội VN đồng thuận chi trả 40% tiền thuốc cũng một phần là nhờ tác dụng rất rõ ràng của thuốc.

Qua theo dõi của chúng tôi, khoảng 70 - 80% bệnh nhân sử dụng Glivec cũng như các thế hệ kế tiếp của thuốc này sống được thêm trên 10 năm từ khi phát hiện mắc bệnh. Đây là một kết quả tuyệt vời, nhất là ở vị trí của chúng tôi, những người bác sĩ điều trị.

Ai sẽ được tài trợ Glivec

Tại VN và nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang tồn tại song song hai chương trình hỗ trợ thuốc Glivec cho bệnh nhân.

Tại VN, bệnh nhân có thời gian tham gia bảo hiểm y tế dưới 36 tháng liên tục có thể được hỗ trợ 100% thuốc, chương trình 2 là chương trình phối hợp: bảo hiểm y tế hỗ trợ 40% thuốc, nhà sản xuất thuốc (hãng dược Novartis) tài trợ 60%.

Theo thỏa thuận được ký cuối 2014 thì chương trình này sẽ hết hạn vào 31-12-2019.

Trước đó cũng đã có một thỏa thuận tương tự được ký và thực hiện từ 2009.

TS BẠCH QUỐC KHÁNH (viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư) - LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên