Trong bối cảnh một lượng lớn người Việt ra nước ngoài điều trị lại có một lượng người nước ngoài từ Campuchia, Trung Quốc, Mỹ và Việt kiều về nước điều trị - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo ông Thượng, năm 2019, ngành Y tế TP có 6 nhóm vấn đề trọng tâm. Trong đó chú trọng triển khai hiệu quả công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm bằng việc thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC).
Nâng cao năng lực trạm y tế ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, luân phiên bác sĩ và tăng cường kết nối "hội chẩn qua apps" giữa các bác sĩ ở tuyến cuối với các tuyến y tế cơ sở.
Trong năm 2019 ngành Y tế sẽ hoàn thiện mạng lưới cấp cứu ngoại viện, hệ thống điều hành thông minh và tiếp tục nhân rộng mô hình cấp cứu hai bánh.
Đặc biệt, với thực trạng người Việt, trong đó có người dân ở TP.HCM ra nước ngoài điều trị bệnh ngày càng tăng, Sở Y tế TP đã triển khai loại hình dịch vụ "du lịch y tế", thành lập Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh kỹ thuật cao.
"Mục tiêu để gầy dựng niềm tin, thu hút giữ chân lượng người bệnh trong nước yên tâm ở lại điều trị thay vì phải tìm đến các nước thăm khám, điều trị" - ông Thượng nói.
Điều này hoàn toàn hợp lý bởi mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thông tin mỗi năm người bệnh Việt Nam chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh.
Do đó, Bộ Y tế đặt mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước, đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế sở tại thay vì di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước.
8 con số ấn tượng
PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP - cho biết trong năm 2018, ngành y tế TP đạt được nhiều thành tựu, trong đó có thể tóm gọn trong 8 con số ấn tượng.
45.365.309 lượt khám bệnh ngoại trú, tăng 5,8% và 2.547.674 lượt điều trị nội trú, tăng 4% tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP. Đây được xem là con số cao nhất từ trước đến nay.
Tỉ lệ người dân TP tham gia bảo hiểm y tế 86.46%.
24 trạm y tế khởi động lộ trình mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, triển khai quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm trong cộng đồng.
24 trung tâm y tế quận, huyện và 319 trạm y tế quản lý dịch bệnh bằng hệ thống thông tin địa lý GIS, phối hợp hiệu quả giữa Trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện chuyên nhi ngăn chặn bùng phát dịch cúm, sởi trong bệnh viện.
29 trung tâm cấp cứu vệ tinh bao phủ khắp địa bàn TP với 14.468 lượt cấp cứu ngoại viện - cao gấp 2,8 lần so với 3 năm trước và thí điểm thành công mô hình cấp cứu xe hai bánh.
327 bác sĩ mới tốt nghiệp nhận công tác tại các bệnh viện tuyến huyện. Lần đầu tiên có 27 sinh viên y khoa chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp của trường ĐH Y khoa hàng đầu Đức.
16 bệnh viện và 6 trung tâm y tế quận huyện mới được xây dựng và cải tạo nâng cấp.
12 bệnh viện có đứng "top" đầu về chất lượng. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu triển khai thành công, quy trình báo động đỏ phát huy tác dụng với 379 lượt nội viện và 99 lượt liên viện, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch.
1 trong tổng số 16.650 hồ sơ dịch vụ công của Sở Y tế TP trễ hẹn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận