18/03/2021 09:49 GMT+7

Lằn ranh sinh tử - Kỳ 6: Hai lần vượt qua cửa tử

KIM ÚT
KIM ÚT

TTO - "Lần tai biến đó tôi như người chết rồi, chẳng còn biết gì, nằm mê man bất động suốt hơn nửa tháng. Nghe người nhà kể lại lúc tiếp nhận tôi, bác sĩ nói nếu không phẫu thuật tôi sẽ chết..."

Lằn ranh sinh tử - Kỳ 6: Hai lần vượt qua cửa tử - Ảnh 1.

Ông Đăng giờ đang sống trong căn nhà vỏn vẹn 3 mét vuông - Ảnh: KIM ÚT

"... Nhưng máu đã lan gần kín màng não, tiến hành phẫu thuật tôi cũng có thể không qua khỏi và họ dặn gia đình chuẩn bị lo hậu sự. Ai cũng hết cách, chỉ biết cầu trời cho tôi được sống" - đó là ký ức lần quay về từ cõi chết của ông Đăng sau căn bệnh thập tử nhất sinh.

Chạm mặt thần chết

Hòa vào dòng người tấp nập trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), tôi tìm gặp ông Đỗ Minh Đăng, người hai lần bước qua cửa tử. Ở hẻm 465, người đàn ông gầy gò nép mình trong căn nhà tạm bợ chưa đầy vài mét vuông.

Bị liệt nửa người hơn 8 năm là chừng đó thời gian ông Đăng như bị "giam cầm" trong căn nhà nhỏ hẹp, một thân một mình chống lại những di chứng của căn bệnh tai biến. Nhìn ra cửa với đôi mắt u buồn, ông kể tôi nghe về những biến cố của cuộc đời.

Sinh năm 1968, từ nhỏ cuộc sống ông Đăng cũng bình thường như bao người khác, có cha mẹ và ba người em gái. Lớn lên một chút, ông được mẹ cho đi học nghề thợ mộc. Đến năm 2000, ông rời nhà ra Bình Dương kiếm sống. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn bình thường cho đến năm 2013, ông Đăng bất ngờ bị tai biến nặng ngay tại phòng trọ.

Ông Đăng vẫn nhớ như in cái ngày mình bị đổ bệnh. Như thường nhật, sau khi đi làm về ông tắm rửa rồi nằm ngủ, đến sáng thì đột nhiên không cử động được. Ông chỉ nghĩ mình bị trúng gió. 

Ông đã nhờ những người hàng xóm giúp cạo gió nhưng vẫn không có tiến triển. Đến hơn một ngày một đêm sau, bệnh tình trở nặng, ông bị co giật và sùi bọt mép thì hàng xóm sợ hãi, gọi người trạm xá tới thăm khám sau đó chuyển ông về Bệnh viện đa khoa Thủ Đức.

Nằm viện một thời gian, ông Đăng vẫn bất tỉnh. Gia đình ông vội xin bác sĩ đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm chút hi vọng cuối cùng. Nhưng bác sĩ cho biết nếu đưa đi khả năng cao là ông sẽ chết trên đường. Họ khuyên gia đình cứ để ông nằm tại đây, còn nước còn tát.

Những ngày căng thẳng, đau buồn đó, gia đình đã gạt nước mắt chuẩn bị đưa ông về làm tang lễ. Hi vọng ông vượt qua được chỉ vô cùng mong manh...

Và rồi "pháp mầu" đến với ông Đăng, nửa tháng sau ông đã tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn mọi thứ xung quanh. Vượt qua được cái chết nhưng ông bị liệt nửa người và cơ thể còn mang thêm nhiều di chứng khác. Hiện tại ông chỉ có thể ngồi một chỗ và cử động được một tay, những việc đơn giản như tự mặc áo cũng vô cùng khó khăn đối với ông.

"Lúc tỉnh dậy tôi vô cùng hụt hẫng, đang khỏe mạnh bỗng dưng trở thành một con người tàn tật, bị liệt nửa người, đó là một cú sốc lớn đối với tôi. Lúc đó tôi nghĩ quẩn, chỉ mong chết đi chứ sống mà không lo được cho bản thân, cho gia đình thì sống làm gì" - ông Đăng xúc động nhớ lại biến cố lớn nhất cuộc đời mình.

Chưa vượt qua được cú sốc bị bại liệt, ông Đăng lại phải đối mặt thêm một cú sốc khác là ông không phải con ruột của cha mẹ hiện tại. Người cha hiện tại của ông đã hơn 80 tuổi, lo sợ ông đột ngột ra đi nên đã đem bí mật chôn giấu từ lâu nói cho ông biết. 

Sự thật ông Đăng là con nuôi, được cha ông nhặt về lúc còn đỏ hỏn, chẳng biết ba mẹ ruột là ai. Từ một con người bình thường có gia đình đầy đủ, nay lại trở thành một con người vừa tàn tật lại đơn độc, hai cú sốc đến cùng lúc khiến ông Đăng dường như gục ngã.

Sau khi từ bệnh viện về nhà, cha nuôi đã cất một căn nhà nhỏ kế bên để ông sinh sống. Tuy không phải con ruột nhưng cha ông Đăng vẫn săn sóc cho ông, khiến ông càng nghĩ quẩn, lo sợ sẽ trở thành gánh nặng cho người cha cũng đã già yếu.

Một ngày, ông Đăng đã nhờ người mua hai vỉ thuốc ngủ về rồi uống hết. Sống một mình trong căn nhà nhỏ, không người thăm hỏi (cha ông Đăng đã già, đi lại thường xuyên không tiện) nên không ai kịp phát hiện ông đã uống thuốc tự vẫn. Sau khi uống hết số thuốc nhờ mua được, ông mê man đến 4h chiều hôm sau thì tỉnh lại.

Tuy nhiên, sau hai lần chạm mặt tử thần mà không chết, ông Đăng như chợt tỉnh ngộ. Thấy mình quá may mắn khi trời đã cho mình đến hai cơ hội thoát chết, ông dẹp bỏ ý nghĩ kết liễu cuộc sống.

Lằn ranh sinh tử - Kỳ 6: Hai lần vượt qua cửa tử - Ảnh 2.

Người hàng xóm cắt hộ móng tay cho anh Đăng vì tay anh run không thể tự cắt - Ảnh: KIM ÚT

Thương người cha già

Hai lần qua cửa tử, con người ông Đăng đã thay đổi hoàn toàn. Dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực, mỗi ngày ông đều chăm chỉ luyện tập đứng lên, mong có thể đi được trở lại. Ông nói: "Trời đã cho mình cơ hội sống thì mình phải biết quý trọng và vươn lên chứ".

Vượt qua cái chết, suy ngẫm lẽ đời, ông Đăng lại càng biết ơn gia đình hiện tại, biết ơn người cha già (mẹ anh Đăng đã mất năm 2012) dù không phải là máu mủ với mình. Cha mẹ nuôi ông từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ ông cảm thấy thiếu thốn, ông thấy mình như con ruột của gia đình. 

Với ông Đăng, từ lâu và mãi sau này ông vẫn luôn coi người cha hiện tại là cha ruột, công dưỡng dục chừng đấy năm nặng tựa như núi. Ấy vậy mà chưa báo đáp được cha già, ông đã ngã bệnh. "Nếu như có kiếp sau, mong vẫn được làm con của cha để có cơ hội báo hiếu, chăm lo cho cha để đền đáp công ơn dưỡng dục" - ông Đăng rưng rưng nước mắt nói.

Từ lúc ông Đăng bị bệnh suýt chết đến nay, cha ông luôn bên cạnh động viên và chạy chữa đủ đường. Dù đã già yếu, không kiếm được tiền nhưng ông vẫn luôn lo lắng đồ ăn, nước uống rồi thuốc men cho con. Ông Đăng kể: "Những lần nói chuyện với tôi, cha đều rưng rưng nước mắt, sợ ít bữa không may cha già yếu qua đời thì không biết ai sẽ lo cho tôi".

Bị liệt nửa người và căn bệnh động kinh khiến cho đôi bàn tay của ông Đăng trở nên yếu ớt, mỗi lần giơ lên là run rẩy. Vì thế, ông không thể tự lo được cho bản thân. Mỗi ngày ông đều trông chờ vào người cha già đem cơm nước qua cho. 

Ông Đăng cho biết hiện cha là người thân duy nhất lui tới chăm sóc. May mắn là những việc như vệ sinh cá nhân, ông có thể tự làm được nên cũng nhẹ gánh cho cha phần nào.

Những hôm cha ông đi vắng luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn để ông tự nấu cơm ăn. Cha ông cũng lớn tuổi, di chuyển không tiện nên mỗi ngày chỉ đưa cơm một lần, ông Đăng đành phải ăn cơm nguội. 

Nhiều khi ông thấy tủi thân vì lẻ bóng, không ai săn sóc, tâm sự. Nhưng ông vẫn thấy biết ơn cuộc đời vì ông còn được sống, còn có cha cạnh bên như vậy là đã may mắn hơn nhiều người.

Hơn 8 năm nay, ông Đăng vẫn cứ như thế, ngồi yên lặng trong nhà, nhìn ra ngoài hẻm như mong mỏi "phép mầu" lại đến với mình lần nữa. Nếu được hồi phục sức khỏe, ông sẽ báo hiếu cho cha...

“Mong mỏi lớn nhất bây giờ của tôi là có được chiếc xe lăn bằng điện để tôi đi lấy vé số bán quanh chợ Bà Chiểu kiếm tiền tự nuôi bản thân, cho cha đỡ lo lắng. Hằng ngày nhìn người cha già hơn 80 tuổi phải đem cơm nước đến, khiến tôi thấy mình như đứa con bất hiếu” - ông Đăng trĩu giọng tâm sự.

Rơi từ vách núi cao hơn 30m, tương đương tòa nhà 9 tầng nhưng người phu mỏ đá vẫn sống sót một cách kỳ diệu. Và chính anh cũng không hiểu vì sao mình còn sống...

Kỳ tới: “Phép lạ” ở mỏ đá

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 5: Trượt chân trên Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 5: Trượt chân trên 'mỏm đá tử thần'

TTO - "Tất cả như cuốn phim tua lại nhanh trong đầu mình. Tôi sợ mình chết, không kịp nhìn thấy những người yêu thương lần cuối..." - Hải nhớ lại nỗi sợ hãi khi rơi kẹt giữa khe núi, phía dưới là vực thẳm đang chờ "nuốt chửng" anh.

KIM ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên