Kỳ 1: Du cư mùa nước nổi
Phóng to |
Khai thác cá “lòng đà” trên sông Hậu tại vùng đầu nguồn An Phú những ngày giữa tháng 11 - Ảnh: Thành Chinh |
Người trúng thầu khai thác sẽ bảo vệ vùng mặt nước rộng lớn đó trong suốt mùa lũ, chờ khi nước cạn để bắt cá tôm. Hình thức đấu thầu thứ hai là “mua lòng đà”, tức giành quyền khai thác thủy sản trên mặt sông.
“Trước, tôm cá đầy sông, đầy đồng nên vào mùa lũ các sở cá hoạt động nhộn nhịp, thương lái các nơi đưa ghe bầu, ghe đụt về nằm chờ bắt cá chộn rộn bến sông, nhưng về sau này diễn biến lũ lụt thất thường, nguồn lợi cá tôm tự nhiên giảm sút nên có phần trầm lắng hẳn” - ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch UBND xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang), nói vậy.
Cú “trúng đậm” bất ngờ
Quệt mồ hôi túa đầy trên gương mặt sau khi chống xuồng thăm đồng trở về, ông Nguyễn Đông Xuân, người trúng thầu khai thác thủy sản ở lung Cây Xoài, xã Phú Hữu, huyện An Phú, nói toáng lên: “Đêm qua ở ngoài đồng rình thấy cá ăn móng rào rào, tui đoán chắc được bảy tám chục phần trăm vụ cá này sẽ trúng đậm. Hết lo rồi”. Đó là bất ngờ lớn đối với gia đình ông Xuân.
Đầu mùa lũ năm nay ông Xuân trúng thầu khai thác cá ở lung Cây Xoài, với giá bỏ thầu 14 triệu đồng nhờ... không ai thèm quan tâm. Ai cũng nghĩ lũ năm nay sẽ thấp như mấy năm trước, nước lũ lên đồng chưa tới thắt lưng đã rút nhanh, cá tôm không có nhiều thời gian để sinh sôi. Nhưng không ngờ lũ ùa về sớm, đạt mức cao kỷ lục trong hơn mười năm qua. Ông Xuân mừng rơn trong bụng. Nhưng lạ, suốt những ngày nước lên, hỏi thăm ngư dân quanh vùng ông Xuân đều nhận được cái lắc đầu ngán ngẩm: “Nước nhiều nhưng cá trốn đâu mất tiêu”.
Nghe vậy vợ chồng ông Xuân cũng buồn hiu. Đùng một cái, mồng mười tháng mười âm lịch, cá đồng theo lũ ra sông nườm nượp, dân làm nghề “bà cậu” hớn hở ra mặt. Ông Xuân chống xuồng vô đồng thức cả đêm để “rình” nghe cá ăn móng. Và “mùa xuân” có lẽ đã đến sớm với gia đình họ!
Nhưng đó là chuyện sau vài tháng nữa, còn bây giờ hằng ngày ông Xuân vẫn phải mang cám ra đồng rải vô mấy đống “chà” (những nhóm cành khô cắm xuống đáy nước làm nơi cho cá ở) để “dụ” cá vào. Cả khu vực “mua mặt nước” ông đã cắm bông tiêu làm hiệu cho những người đánh bắt thủy sản trên đồng biết đất đã “có chủ”. Đó là cái vòng tròn đường kính chừng bảy tám tấc, xung quanh quấn rơm, được treo cao trên đọt cây. Ngày trước người ta làm vòng bằng nan tre, nhưng giờ chuyển qua dùng vỏ xe máy, xe đạp cho tiện. Bông tiêu bắt buộc phải treo cố định ở một vị trí, năm nào cũng vậy, nếu chỗ ấy cây chết thì phải cắm sào mà treo.
“Dân làm nghề “bà cậu” chuyên nghiệp rất biết điều, trông thấy bông tiêu sẽ tự động giạt ra khu vực khác đánh bắt, không làm kinh động chỗ trú ngụ của cá. Người nào mới vô nghề không biết tín hiệu ấy thì mình nhắc cái là họ đi ngay không dùng dằng gì” - ông Xuân cho biết đó là điều làm ông cảm thấy mát bụng trong hơn mười năm làm sở cá.
Nhưng cả khu vực rộng lớn vậy khi lũ rút thì cá cũng đi mất, làm sao bắt? Khi nghe chúng tôi thắc mắc, ông giải thích: nhìn nước mênh mông vậy chứ khi lũ rút lòi mặt ruộng sẽ thấy con kênh tưới tiêu bề ngang chừng 7-10m, dài hơn cây số. Tới mùa cắt lúa, mình chỉ việc chặn từng đoạn kênh lại, dùng máy bơm tát nước rồi mang cộ trâu ra kéo cá về. “Hi vọng vụ này tui sẽ thu được vài tấn cá, bù lại mấy năm thất bát vừa qua” - ông Xuân tự tin nói.
Bao giờ sở cá hồi sinh?
Mấy ngày qua thấy cá ra nhiều, ông Huỳnh Văn Tạc, một kỳ lão đã bước qua tuổi 90, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, như sống lại tuổi thanh niên. Ngồi đong đưa trên võng, mắt ngó ra dòng kênh Cỏ Lau trước nhà, ông Bảy Tạc hồi tưởng: “Ngày trước từ đây qua tới Sở Thượng, Sở Hạ (thị xã Hồng Ngự) rồi sâu vô Đồng Tháp Mười là xứ “trên cơm dưới cá”.
Tháng mười âm lịch cá ra xanh nước, dân các nơi kéo về đắp gò bắc chảo lên xúc cá đổ vô thắng lấy dầu chở về. Tháng chạp, các sở cá vô mùa, những đoàn ghe rổi của lái thượng, lái hạ từ các nơi đổ về cắm sào đặc cả bến sông...”.
Trong ký ức của ông Bảy Tạc, việc mua bán ở các sở cá ngày trước khác bây giờ. Sau khi dùng đăng (một loại mành để chặn bắt cá trên sông) để “gạn” phân chia các loại cá theo nhóm cá đồng (cá bông, lóc, rô, trê, sặt bổi...) và cá sông (cá hô, bông lau, lăng, mè vinh...), người ta dùng sàng đan bằng tre để bắt. Cá cỡ 1kg/con trở lên là loại nhứt, gọi là sàng một, giá cao nhất, sau đó tới sàng nhì, sàng ba tùy theo từng loại. Cứ bảy sàng lại đổ vào một giỏ, gọi là “giỏ bảy”. Khi tính tiền cứ đếm giỏ bảy mà tính chứ không cân từng ký như bây giờ.
Trở lại các sở cá miệt đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp những ngày này chúng tôi gặp ông Mười Tho quê ở Bến Lức, Long An, một gia đình mấy đời làm nghề lái rổi.
Ông kể: “Trước đây gia đình tôi có đoàn ghe rổi ba chiếc 30-50 tấn chuyên mua bán cá đồng khắp các tỉnh miền Tây. Mùa nước rút này là mùa làm ăn. Mỗi ghe cứ ba chèo lái chèo chèo mũi mải miết đi, gặp chỗ nước chảy xiết hoặc qua các khúc sông thì quăng dây lên bờ, hai người phía trên kéo, một người đứng ở mũi dùng sào chống ra cho ghe khỏi đâm vô bờ. Từ miệt Thủ Thừa, Bến Lức vô tới vùng Sở Thượng, Sở Hạ rồi quay về Sài Gòn có khi mất cả mười bữa, nửa tháng. Đi lâu vậy nên hằng ngày phải có người nhảy xuống hầm ghe mò cá chết lên làm mắm, rồi cách ngày phải thay nước cho cá khỏi ngộp vì thiếu oxy”.
Nghe những kỳ lão kể chuyện, mấy ông chủ sở cá lung Cây Xoài, rọc Cây Chôm, xẻo Dừng, hồ Đình, láng Lăng Sà Nom Tân miệt đầu cứ thắc thỏm mong tới ngày nước giật, với hi vọng đón một vụ cá đồng bội thu...
Nhánh sông Hậu từ ngã ba Dung Thăng, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú đổ xuống thị xã Châu Đốc (An Giang) có nhiều giàn đáy đang hoạt động. Giàn “đáy nhất” giáp biên giới Campuchia nghe đâu có giá tới 600 triệu đồng. Từ đáy nhất xuôi về hạ lưu, cách khoảng 2 cây số lại có một giàn đáy khác, nhưng giá bỏ thầu thấp hơn do lượng cá thu hoạch giảm dần. Ông Nguyễn Văn Sến, một ngư dân đang khai thác ba miệng đáy trên đoạn sông này, cho biết: “Năm nay lũ lớn nhưng suốt thời gian nước lên giàn đáy của tôi thất thu, mỗi ngày đáy chỉ chạy vài trăm ký. Nhưng bắt đầu từ kỳ cá ra vào giữa tháng mười âm lịch đã bất ngờ tăng vọt, có bữa mỗi miệng đáy vô tới 4-5 tấn”. |
__________
Đi ngang cầu Cần Thơ bề thế, ít ai biết ngay dưới dạ cầu ngày xưa rất nhiều xóm chài làm nghề đóng đáy. Có những dãy đáy giăng gần kín mặt sông Hậu. Mỗi khi trúng cá, người ta thổi tù và để báo cho bà con hai bên bờ kéo ra trợ giúp...
Kỳ tới: Ông chủ hàng đáy và cây tù và
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận