Ông Bùi Văn Linh - vụ trưởng Vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và đào tạo - chia sẻ tại các diễn đàn, hãy để trẻ em tự nói, trình bày ý kiến trước số đông - Ảnh: HÀ THANH
Sáng nay 21-8 tại hội nghị Hội đồng Đội Trung ương lần thứ 5, khóa VIII diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành thẳng thắn chỉ ra những hạn chế về việc lấy ý kiến, kiến nghị, tiếng nói của trẻ em và công tác giám sát việc thực hiện quyền trẻ em.
Đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Đội Trung ương trong việc tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và các hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em 6 tháng đầu năm 2020, ông Bùi Văn Linh - vụ trưởng Vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và đào tạo - cho rằng đây là điểm mới trong việc phát huy vai trò của Đoàn, Đội trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên ông Linh cũng thẳng thắn chỉ ra đôi lúc việc lấy ý kiến của trẻ em trong các diễn đàn cấp quốc tế hay toàn quốc còn hình thức, đôi khi người lớn "làm thay, làm giúp".
"Khi tập huấn cho cán bộ Đội ở các địa phương, khuyến khích sự tham gia trực tiếp, đấy là nguyên tắc tự giáo dục chứ không làm thay, làm giúp các em, cuối cùng chính người lớn lại làm các em chậm tiến", ông Linh chỉ rõ.
Do đó, ông mong muốn tại các diễn đàn hãy để cho trẻ em tự nói, tin tưởng vào trình độ, kiến thức và nhận thức chính trị của trẻ em, để các em trình bày ý kiến của mình trước số đông.
Bà Ninh Thị Hồng thẳng thắn chỉ ra đôi khi việc tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của trẻ em còn hình thức, theo kiểu "nhận cho xong, không truy đến cùng" - Ảnh: HÀ THANH
Cùng quan điểm với ý kiến trên, bà Ninh Thị Hồng, phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cũng chỉ ra việc tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đôi khi theo kiểu "nhận cho xong, không truy đến cùng".
Chưa kể, về các cơ sở thấy "tiếng nói của trẻ em" vẫn hình thức theo kiểu thầy cô, anh chị phụ trách chuẩn bị sẵn các bài diễn văn.
Bà Hồng nêu câu chuyện khi tham gia đoàn giám sát về một huyện, rất lâu sau khi tiếp nhận kiến nghị của trẻ em về "con đường hay gây tai nạn" có con số, người dân bị tai nạn và mong muốn chính quyền mở, sửa đường khác, tuy nhiên vẫn chưa được giải đáp.
"Tôi biết kiến nghị không thể làm được ngày một ngày hai, nhưng các đồng chí phải có lộ trình, phải trả lời tôi đã nhận được kiến nghị này rồi. Chẳng hạn kiến nghị của các cháu phải xử lý trong 5 năm thì năm đầu, năm thứ hai làm gì chứ không phải tiếng nói của trẻ em chỉ để đấy", bà Hồng thẳng thắn nói.
Ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội - chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: HÀ THANH
Ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội - nêu ý kiến Hội đồng Đội Trung ương cần thường xuyên rà soát, thực hiện những văn bản của Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực trẻ em, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
"Quy trình đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em giống như quy trình giám sát của Quốc hội, quan trọng lắm", ông Nam nêu ý kiến.
Theo đó muốn giám sát được thì phải có bằng chứng, muốn có bằng chứng phải có báo cáo, khảo sát hay "kiểm toán xã hội". Cục trưởng Cục Trẻ em góp ý với hệ thống mạng lưới cán bộ Đoàn, Đội hiện nay thì việc làm "kiểm toán xã hội" rất nhanh, đặc biệt phát huy vai trò của mạng xã hội, internet trong hoạt động này.
Trong tình hình dịch COVID-19, Hội đồng Đội Trung ương cũng tổ chức nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ, chăm sóc trẻ em.
Cụ thể, trao hơn 19.000 khẩu trang vải kháng khuẩn và 3.300 lít dung dịch rửa tay sát khuẩn cho các trường tiểu học; triển khai chương trình "Triệu ly sữa" và "Hành trình của những cuốn sách" giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong dịch COVID-19; triển khai chương trình "Thiếu nhi Việt Nam - Vui khỏe an toàn đánh tan COVID-19".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận