Tập thể dục giúp tránh loãng xương - Ảnh: Xuân Mai
* Thưa bác sĩ, bệnh loãng xương có những biểu hiện như thế nào? (Tuyết Nhung, Khánh Hòa)
- ThS.BS TRẦN THỊ HỒNG LOAN (Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood): Chào bạn! Bệnh loãng xương là một bệnh có diễn tiến âm thầm nên các biểu hiện của bệnh thường mơ hồ, không đặc hiệu, đôi khi người bệnh không thấy bất cứ dấu hiệu gì đến khi xảy ra vấn đề gãy xương. Những biểu hiện có thể gặp:
- Đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt là xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ) các cơ...
- Đau thực sự cột sống, đau lan theo khoanh liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế. Có thể đau mãn tính hoặc cấp tính sau chấn thương (gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi...).
- Gù lưng, giảm chiều cao.
Khi có biểu hiện, thường là lúc bệnh nhân đã có biến chứng, cơ thể có thể đã bị mất tới 30% khối lượng xương.
Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân nên gặp bác sĩ để khám và làm các kỹ thuật xác định loãng xương (như chụp X-quang xương, đo khối lượng xương, xét nghiệm máu...).
* Thưa bác sĩ, cần bổ sung canxi từ nguồn thức ăn nào để phòng ngừa loãng xương? (Tuyết Nhung, Khánh Hòa)
- ThS.BS TRẦN THỊ HỒNG LOAN: Loãng xương gây những hậu quả xấu cho sức khỏe, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tại Việt Nam, tỉ lệ loãng xương cao, có xu hướng trẻ hóa. Việc bổ sung đủ canxi trong khẩu phần ăn hằng ngày ở mọi lứa tuổi sẽ giúp hạn chế nguy cơ loãng xương khi lớn tuổi.
Có thể bổ sung canxi qua các loại thực phẩm như: cá tép nhỏ nấu mềm ăn cả xương và vỏ, cua đồng giã hay xay ra nấu canh riêu cua, tôm, nghêu, rạm sữa, sò, hàu, mè, rau màu xanh đậm, đậu nành, đậu hũ, sữa, phô mai, sữa chua...
- TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH (tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM): Loãng xương làm xương yếu và giòn dễ gãy. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở vùng hông, xương cổ tay hoặc cột sống.
Khi bị loãng xương, cơ thể có thể sẽ có các biểu hiện đau lưng do gãy lún các đốt sống, mất chiều cao theo thời gian, còng lưng. Đặc biệt dễ bị gãy xương đến mức có khi chỉ vặn người hoặc chống mạnh tay cũng có thể bị gãy xương.
Có thể sử dụng thực phẩm giàu canxi để phòng loãng xương và các thực phẩm bổ sung canxi, vitamin D.
Bên cạnh đó, cần lưu ý ra ngoài tiếp xúc nắng sáng mỗi ngày. Thường xuyên vận động (đi bộ, chạy bộ, tập tạ, thái cực quyền...). Đồng thời, cần tránh ăn quá nhiều thịt, thức ăn chứa nhiều muối, các thức uống như trà, cà phê, nước ngọt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận