Chế độ ăn uống
Theo các nghiên cứu gần đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia, chế độ ăn của người dân Việt Nam nói chung chỉ cung cấp khoảng 500mg canxi mỗi ngày (chiếm 50% nhu cầu). Sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, phomat…) là nhóm thực phẩm giàu canxi nhất chỉ chiếm một vị trí rất khiêm nhường trong khẩu phần ăn của người Việt và cũng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội.
Ở người có tuổi cần đặc biệt quan tâm đến các thành phần khoáng chất (đặc biệt là canxi) và protid trong khẩu phần ăn vì ở người có tuổi khả năng ăn uống và hấp thu các chất dinh dưỡng, khoáng chất đều bị hạn chế. Chính vì vậy, sữa là một loại thức ăn lý tưởng để cung cấp cả canxi và protid. Lượng sữa cần thiết mỗi ngày từ 500 đến 1.000 ml (có thể là sữa tươi, sữa chua hoặc sữa pha từ các loại bột sữa). Ngoài ra, cần tận dụng các nguồn thực phẩm giàu canxi khác như: tôm, cua, cá, ốc, các loại rau xanh và trái cây đậm màu.
Chế độ sinh hoạt
Cần duy trì một chế độ sinh hoạt hợp lý, bao gồm lao động, tập luyện-vận động, nghỉ ngơi… phù hợp với từng lứa tuổi. Việc vận động đều đặn ngoài trời sẽ giúp cho hệ xương khớp được chắc khỏe, hệ cơ bắp dẻo dai, tinh thần sảng khoái và minh mẫn.
Riêng ở người cao tuổi, cần đề phòng té ngã trong sinh hoạt, tập luyện, tránh quá sức và cũng tránh thụ động, ngồi một chỗ.
Chế độ dùng thuốc
Thuốc giảm đau chỉ dùng khi cần thiết, tùy mức độ có thể dùng các thuốc giảm đau đơn thuần như Paracetamol hay dùng Calcitonine xịt mũi hoặc tiêm bắp cho các trường hợp đau nặng sau gãy xương (thuốc này vừa có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương vừa có tác dụng giảm đau do loãng xương). Tránh lạm dụng các thuốc kháng viêm giảm đau, đặc biệt nhóm thuốc kháng viêm chứa Corticosteroides, sẽ làm cho tình trạng loãng xương nặng thêm và khó kiểm soát.
Bệnh nhân cần được sử dụng thuốc để ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương và kích thích hoạt động của các tế bào sinh xương theo chỉ định và theo dõi của thầy thuốc. Hiện nay, đã có nhiều loại thuốc điều trị loãng xương thông qua việc ức chế hoạt động của tế bào hủy xương, hiệu quả, an toàn và dễ sử dụng.
Tuy nhiên để có kết quả, việc điều trị loãng xương cần toàn diện, liên tục và lâu dài. Kết quả điều trị thường được đánh giá sau 2 năm, chi phí cho điều trị thường khá cao so với mức sống hiện nay của đa số người dân lao động.
Chính vì vậy việc phòng ngừa bệnh có ý nghĩa rất lớn, cả về mặt hiệu quả và kinh tế.
Phòng ngừa loãng xương
Việc đầu tiên và quan trọng nhất là bảo đảm khối lượng khoáng chất của bộ xương cao nhất lúc trưởng thành bằng cách:
- Bảo đảm một chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho các bà mẹ khi mang thai (để em bé có bộ xương "vốn liếng" tốt nhất), khi cho con bú (để đủ canxi cho sự phát triển của bộ xương ngay từ đầu).
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng và vận động cho trẻ em để đạt mức phát triển cơ thể tốt nhất.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, một nếp sống lành mạnh, năng động, kết hợp hài hòa giữa công việc hàng ngày, hoạt động thể lực, giải trí... ngay từ khi còn nhỏ và duy trì trong suốt cuộc đời.
- Tránh các thói quen gây ảnh hưởng xấu tới chuyển hóa canxi như: uống nhiều rượu, bia, cafe, hút thuốc, ăn kiêng quá mức, thụ động, ít vận động thể lực...
- Ở phụ nữ mãn kinh, một mặt tăng cường bổ sung canxi, vitamin D, khuyến khích hoạt động thể lực, tập luyện ngoài trời, khuyến khích tham gia công tác và giao tiếp xã hội; mặt khác động viên và hướng dẫn chị em áp dụng liệu pháp hormon thay thế nếu có chỉ định và có điều kiện.
- Đối với người lớn tuổi cần tránh bị té ngã vì khi xương đã bị loãng, gãy xương sẽ rất dễ xảy ra, khi gãy lại rất khó liền. Việc bất động để điều trị gãy xương không những làm cho loãng xương nặng thêm mà còn là nguy cơ của nhiều bệnh lý do nằm lâu khác như viêm phổi, viêm đường niệu...
- Phát hiện và điều trị các bệnh kèm theo. Điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ các thuốc điều trị, đặc biệt là các thuốc chứa Corticosteroids.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận