08/07/2018 14:12 GMT+7

Làm gì để 'khẩu hiệu' không thành lời nói suông?

TẤN KHÔI - NAM GIAO
TẤN KHÔI - NAM GIAO

TTO - Khẩu hiệu vốn là những lời hay ý đẹp, ai cũng thấy đúng nhưng không nhiều người làm theo. Nhiều khi người ta chỉ nói nhưng không làm điều mình xướng, hoặc chỉ làm như “biểu diễn” một vài lần rồi thôi.

Làm gì để khẩu hiệu không thành lời nói suông? - Ảnh 1.

Khẩu hiệu thể hiện quyết tâm xây dựng nông thôn mới đặt ngay nơi đầy rác (ảnh chụp tại đường vào trụ sở UBND xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) - Ảnh: T.KHÔI

Khẩu hiệu tuyên truyền "quyết tâm xây dựng nông thôn mới" đặt ngay nơi tập trung đổ rác. Người địa phương có thể quá quen với hình ảnh này nên không bận tâm và vẫn hằng ngày mang rác tới đó. Cán bộ địa phương có lẽ cũng thấy... bình thường nên cứ để bình thường. Thật sự rất phản cảm.

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, xử lý rác thải, chất thải phải an toàn cũng là một trong những nội dung quan trọng. Hố rác tồn tại ngay đường giao thông chính của xã đã không đáp ứng tiêu chí vì làm mất mỹ quan, gây mùi hôi cho người đi đường.

Kiểu "tuyên truyền" như trên không phải là cá biệt, vẫn thường thấy đó đây. "Không khạc nhổ bừa bãi", "Xin đừng giẫm lên cỏ", "Không hái hoa bẻ cành"... ai cũng đọc thấy những cụm từ này nơi công cộng, ai cũng thuộc, đa số cũng hiểu và đồng tình. Nhưng người ta vẫn khạc nhổ, cỏ vẫn bị giẫm nát, hoa lá tiện tay thì ngắt!

Lên xe buýt, ai cũng thấy dòng chữ: "Ghế dành cho người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai". Nhưng nhiều nam thanh nữ tú vẫn hồn nhiên ngồi khi người lớn tuổi đang phải đứng. Ai cũng thuộc câu "Chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông" nhưng đi đâu cũng thấy leo lề, lấn tuyến, vượt đèn đỏ, va quẹt thì sửng cồ với nhau thay vì xin lỗi (nếu mình sai)...

Khẩu hiệu mang những thông điệp chúng ta muốn "nói với nhau", muốn cùng làm cuộc sống quanh mình tốt hơn. Nhưng làm sao để khẩu hiệu thành hành động sống hằng ngày? Chỉ khi nào từng người ý thức được rằng cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ mỗi người, mỗi ngày thay đổi một chút. Để khẩu hiệu không là lời nói suông, mỗi người phải như người "tiên phong" thực hiện.

Tự giám sát chính mình trong hành vi sống, lên tiếng với thói xấu, cùng thực hiện điều tốt mới góp phần đẩy lùi những chuyện xấu quanh mình. Còn khi chúng ta chỉ "biểu diễn" một hành vi đẹp, lối sống văn minh cho người khác thấy hoặc chỉ nói, chỉ hô cho có rồi chính mình cũng không làm điều đó thì bao giờ mới có sự tiến bộ?

Sống đẹp, sống nghiêm chỉnh không phải vì sợ bị phạt, sợ bị chê, mà là ý thức tự thân. Đó là việc cần-phải-làm để tự nâng mình lên. Sự phản biện cũng là điều cần thiết để góp phần làm cho cuộc sống hoàn chỉnh hơn. 

Một đống rác to gây mùi hôi, mất mỹ quan, tồn tại trong thôn xóm nhưng ai cũng mặc kệ ví như một cách dung dưỡng cái xấu tồn tại. Khẩu hiệu vốn là "lời hay ý đẹp", nhưng không ai làm theo thì khẩu hiệu vẫn là khẩu hiệu theo nghĩa xấu của nó.

Là người tiên phong, tại sao không?

"Không cần là thiên tài, nhưng phải là người mở đầu" - chàng trai 17 tuổi Michael Sayman (triệu phú ở tuổi 21, hiện đang làm việc cho Google) từng chia sẻ. Muốn được vậy, thiết nghĩ cần phải có tư duy khác, phản biện cuộc sống để xác tín những giá trị đúng và phấn đấu. Bất cứ việc gì ai cũng có thể làm được, chẳng có gì lớn lao.

TẤN KHÔI

TẤN KHÔI - NAM GIAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên