13/10/2011 05:35 GMT+7

Làm dâu xứ Hàn - Kỳ 2: Chuyện từ nhà tạm lánh

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được một nhà tạm lánh dành cho các cô dâu bị ngược đãi tại Chang Won, thuộc phía nam Hàn Quốc. Để an toàn cho các cô dâu và những người phụ trách, địa chỉ và danh tánh các cô dâu không được tiết lộ. Đó là một căn nhà nằm sâu giữa chốn rừng núi heo hút.

Read this on Tuoitrenews.vn

yOSeQRbB.jpgPhóng to
Chị Đặng Thị Hồng Loan và quyển hộ chiếu bị chồng xé nát. Chị đồng ý công khai hình ảnh và tên tuổi mình như là một cách cảnh báo cho mọi người - Ảnh: Thế Anh

Kỳ 1: Lạc lối ở Seoul

Bà Par Too Wup, giám đốc trung tâm, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần bị các chú rể và gia đình chồng cô dâu đến đây quấy rầy, thậm chí đòi hành hung để bắt cô dâu về. Phần lớn các cô dâu tới đây nương nhờ đều là những người gặp phải những ông chồng không tốt, họ thường xuyên bị đánh đập”.

Ám ảnh mẹ chồng

Ngày chúng tôi đến, ở trung tâm này có đến sáu cô dâu Việt đang nương nhờ. Còn lại là một số cô dâu khác đến từ Campuchia, Trung Quốc, Philippines... Mọi người lúc này đã ra nơi làm việc, chỉ còn lại một mình cô dâu Võ Thị Lan (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) ở nhà vì đang mang thai. Lan sinh năm 1990, quê ở huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Qua công ty môi giới, Lan kết hôn với người chồng Hàn Quốc gần gấp đôi tuổi mình rồi qua Hàn từ tháng 7-2010. Lan nói: “Vì gia đình nghèo, cha mẹ thiếu nợ 30 triệu đồng nên em mới chọn con đường lấy chồng Hàn Quốc để giúp gia đình. Lúc mới gặp em thấy ảnh cũng bình thường, nhưng khi qua đây em mới biết tính tình của ảnh không được ổn lắm. Suốt ngày ảnh chẳng nói năng gì, mẹ bảo gì thì làm theo đó như một đứa trẻ...”.

Một tay xoa bụng bầu, một tay gạt nước mắt, Lan nhớ lại những ngày đắng cay của phận làm dâu: “Mới qua, văn hóa ở đây em không hiểu hết nên chuyện va vấp là lẽ thường tình. Nhưng cứ mỗi lần làm sai là mẹ chồng lại chửi mắng, làm nhục bằng những hình phạt quái dị. Có lần do không hiểu tiếng nên em không làm đúng ý mẹ chồng, bà ấy bắt em quỳ gối, hai tay nâng ghế thức suốt đêm. Hay lần khác do xích mích, mẹ chồng xé hết áo quần trên người em rồi đuổi ra ngoài.

Trời rét, không mảnh vải che thân, em phải đi qua nhà hàng xóm xin tạm bộ đồ cũ để mặc. Khi hàng xóm lên tiếng thì bà mẹ chồng đổ oan cho em: Tại nó không cho chồng quan hệ nên lục đục chứ có gì đâu! Nhiều lần em đòi bỏ đi nhưng mẹ chồng bắt phải trả lại 2.000 USD tiền giúp gia đình em trả nợ thì mới cho đi. Tiền không có, hộ chiếu họ giữ nên đành chịu...”.

Sau bốn tháng làm dâu xứ người, không chịu được những hình phạt, những cơn nhục mạ của gia đình chồng, Lan đành bỏ trốn rồi tìm đến trung tâm tạm lánh để nương nhờ. Suốt câu chuyện với chúng tôi, Lan chỉ khóc nhiều hơn nói. Nhắc đến tương lai, Lan chỉ biết gạt nước mắt: “Em ở đây chờ sinh con xong rồi xin tiền về Việt Nam sống thôi, chứ ở đây biết làm gì để nuôi con”. Đó là dự định, còn con đường chạy trốn số phận để đi đến tương lai vẫn còn nhiều chông gai phía trước mà chính Lan cũng không thể nào hình dung được...

Những ngày ở Hàn Quốc, chúng tôi chứng kiến cảnh những cô dâu bị chồng đánh gãy xương sườn phải nhập viện. Họ đau đớn, tủi nhục nhưng chỉ biết âm thầm chịu đựng, chẳng dám nói với mẹ cha...

Trên thực tế, nhiều cô dâu đã không chịu được cảnh bạo lực tình dục, những trò quái đản trong quan hệ vợ chồng và những khác biệt về văn hóa phòng the... Một cô dâu tại thành phố Busan tâm sự: “Trong số những đàn ông Hàn về lấy vợ Việt có những người do bị bệnh bạo lực tình dục, vợ cũ là người bản xứ không chấp nhận nên mới ly dị”.

“Tôi chỉ là chiếc máy đẻ!”

Khác biệt về văn hóa, tuổi tác, xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu, vỡ mộng do không tìm được điểm chung trong hôn nhân... nên nhiều cuộc tình Hàn - Việt sớm tan vỡ. Với cô dâu Đặng Thị Hồng Loan, quê ở Kiên Giang, cũng vậy. Sau năm năm chung sống với chồng, đã có với nhau một mặt con nhưng dường như cũng không đủ để khỏa lấp những khác biệt giữa họ.

Không chịu được những lời đay nghiến của mẹ chồng, không chịu được những lần bị xỉ vả, sự lạnh lùng của chồng, Loan đành chấp nhận đưa đơn ra tòa ly dị. Chúng tôi gặp Loan trong một ngày giá rét ở thành phố Incheon. Loan là một cô gái khá xinh xắn, thông minh và khẳng khái.

Cô chia sẻ: “Phải hiểu đa số họ là những người đã lỡ thời, thu nhập thấp, đã ly dị vợ hoặc có khiếm khuyết, không đủ tiêu chuẩn để lấy vợ bản xứ họ mới về cưới con gái Việt Nam. Với họ, lấy vợ chỉ để sinh con đẻ cái, là một cuộc mua bán chứ chẳng thương yêu gì mình đâu. Với gia đình chồng, tôi như một cái máy đẻ không hơn không kém! Với các bà mẹ chồng, con trai họ mới là số một, còn mình thì chẳng có nghĩa lý gì cả”.

Trong một lần cãi vã, Loan bị chồng xé hộ chiếu rồi đuổi ra khỏi nhà. Từ đó, Loan đành qua nhà bạn ở tạm để chờ quyết định của tòa án. Sau nhiều đêm trắng suy nghĩ, Loan đành nhờ người đồng hương dẫn đến viện kiểm sát thành phố để tư vấn. Làm sao để sau khi ly dị vẫn có được giấy tờ tạm trú hợp pháp, để được thăm nom con đó là điều Loan mong mỏi sau khi hôn nhân tan vỡ.

Ngồi ở phòng chờ của viện kiểm sát, tay mân mê quyển hộ chiếu đã bị rách nát, Loan nói trong nước mắt: “Nhiều lần nhớ con chịu không được, tôi đã mon men tìm về nhà chồng nhưng mẹ chồng không cho gặp con. Nỗi nhớ con, nỗi đau đớn của sự đổ vỡ cứ dằn vặt tôi hằng đêm. Nhưng cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng một mình bởi đó là lựa chọn của chính tôi, sự lựa chọn mơ hồ và mù dại...”.

Phải đợi đến mấy tháng trời Loan mới được gặp lại đứa con của mình. Thật trớ trêu, nơi mẹ con cô gặp nhau lại là tòa án, nơi mà con cô phải chứng kiến quyết định phải xa mẹ khi mới lên 4. Đứa con vẫn hồn nhiên, ngây thơ, nó đâu biết rằng nỗi lòng của người mẹ đang quặn thắt trước thực tại phũ phàng! Loan và con chỉ có hai tiếng quấn quýt bên nhau khi tòa án tạm nghỉ vào buổi trưa. Cô quên cả đói, quên cả gió tuyết, quên cả đau đớn... khi được ẵm đứa con vào lòng! Bởi Loan biết rồi đây cô phải xa núm ruột của mình mãi mãi...

Với luật pháp và tập quán Hàn Quốc, phần lớn sau khi ly dị con cái đều do chồng nuôi. Người may mắn thì được tạm trú hợp pháp để thăm nom con, người không may mắn thì phải về nước hoặc chấp nhận cuộc sống bất hợp pháp may rủi nơi xứ người. Mộng đã vỡ, tương lai mù mịt, con thì nhà chồng nuôi giữ, những cô dâu xứ lạ chỉ còn lại hai bàn tay trắng và vết thương lòng đơn côi nơi xứ người...

_______________________

Nhiều cô dâu Việt đã hi sinh bản thân để lo tròn chữ hiếu cho cha mẹ bằng cách lấy chồng nước ngoài với hi vọng đổi đời. Nhưng rồi chính áp lực đồng tiền lại thành nỗi ám ảnh phá vỡ hôn nhân của họ...

Kỳ tới: Tiền và cạm bẫy

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên