Rất đông người dân đến Công an TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ) chờ từ sớm chỉ để lấy số thứ tự rồi ra về - Ảnh: MINH HÒA
Như đã thông tin, sau khi báo Tuổi Trẻ mở chuyên mục căn cước công dân, những bài viết liên quan đến chủ đề này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc. Không chỉ nói lên những bức xúc, các bình luận còn đưa ra giải pháp, hiến kế... nhằm giúp các cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng quá tải khi làm căn cước công dân như hiện nay.
Hơn 1.000 ý kiến bình luận
Theo thống kê, chỉ sau 3 ngày mở diễn đàn này, tính đến đầu giờ sáng 24-6, báo Tuổi Trẻ đã nhận hơn 1.000 bình luận của bạn đọc. Đây được xem là một trong những chủ đề liên quan trực tiếp đến người dân, nên việc bạn đọc lên tiếng góp ý cũng là điều rất dễ hiểu.
Thể hiện sự quan tâm này, trong phần bình luận gởi đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Hùng Trần viết: "Việc làm căn cước công dân gắn chip là một đề án rất tốt, sẽ giảm được nhiều thủ tục trong sinh hoạt và hoạt động mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, có vẻ như hơi nóng vội khi kết nối mạng có phần chưa thông suốt. Việc làm ồ ạt không khỏi có những thiếu sót. Mong Bộ Công an lắng nghe dân phản ảnh để điều chỉnh cho thích hợp, đạt hiệu quả cao, tiện lợi cho dân".
Cùng suy nghĩ đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi công dân, cần sớm giải quyết, bạn đọc Được Nguyễn Tấn bổ sung: "Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân rất cơ bản của mỗi công dân, rất cần thiết cho mọi giao dịch trong đời sống. Việc chậm trễ cấp căn cước công dân gây rất nhiều phiền toái, thậm chí gây thiệt hại cho người dân".
Trong khi đó, bạn đọc Thần Tôn bày tỏ: "Rất mong qua báo Tuổi Trẻ, các cấp chính quyền xem xét lại cho dân nhờ. Đã vất vả quá nhiều trong cuộc sống, bây giờ lại khổ trăm bề vì căn cước công dân có chip".
Làm gì để giảm bớt phiền hà cho dân?
Trong bối cảnh cơ quan chức năng, đặc biệt là ở các thành phố lớn đang trong tình trạng quá tải như hiện nay, những bình luận, góp ý của bạn đọc không chỉ nêu lên thực trạng mà còn đưa ra giải pháp thiết thực.
Về vấn đề này, bạn đọc Huy góp ý: "Theo tôi, ngành công an nên bắt tay giải quyết ngay hồ sơ làm căn cước công dân cách đây 1 năm trở về trước. Sau đó giải quyết tiếp hồ sơ 8 tháng, 6 tháng...".
Bên cạnh đó, việc vận dụng công nghệ thông tin để giảm tải cho cơ quan chức năng và người dân cũng được số đông bạn đọc đề cập.
Bạn đọc Quan hiến kế: "Mỗi quận, mỗi phường đều có cổng thông tin điện tử, nên sử dụng các cổng thông tin này để thông báo tình hình làm căn cước công dân cho người dân. Ví dụ: đưa lên danh sách những người đã đến làm thẻ, ai đã có thẻ nhận rồi, ai có thẻ chưa nhận thì đến đâu để nhận, ai bị sai sót hồ sơ thì có thể bổ sung qua mạng hoặc trong trường hợp cần thì đến công an nào để khai báo lại thông tin...".
Ngoài các giải pháp vừa nêu, cũng có ý kiến đề nghị tăng cường sự hỗ trợ để giảm tải cho những địa bàn dân số đông, tránh tình trạng quá tải như ở TP Thủ Đức.
Vấn đề này được bạn đọc Quốc Vương viết: "Nên điều động thêm các đơn vị ở các quận lân cận (đã hoàn thành cấp căn cước công dân khu vực đó) qua trợ giúp sẽ nhanh hơn. Nếu một phòng quá tải thì trưng dụng thêm phòng khác hoặc các xe làm căn cước công dân lưu động".
Không chỉ đưa ra giải pháp cho cơ quan chức năng, một số bạn đọc còn cho rằng để ra cớ sự này lỗi một phần cũng do người dân chủ quan, đợi nước đến chân mới nhảy.
Ủng hộ ý kiến này, bạn đọc Nguyễn Dũng viết: "Nếu chịu khó làm căn cước công dân tại phường trong đợt cuối năm 2021 thì chỉ tốn thời gian tối đa 2 tiếng đồng hồ và trong vòng 1 tháng cảnh sát khu vực mang căn cước công dân đến nhà. Bây giờ tập trung nhiều người cùng đi làm căn cước công dân nên công an quận quá tải là lẽ đương nhiên".
Mời bạn đọc hiến kế, đưa ra giải pháp giúp bớt phiền hà cho dân
Trước thực trạng làm căn cước công dân gắn chip quá nhiều bất cập, có chiều hướng quá tải như hiện nay, theo bạn làm thế nào để công việc cấp căn cước công dân đạt hiệu quả cao, giảm bớt phiền hà cho dân?
Mọi góp ý, giải pháp kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận