Lạc trong dòng xe đông đúc

cuối năm


Cuối năm, xe cộ đi lại đông đúc, người dân TP.HCM biết đường đi lại đã khó khăn, còn người dân tỉnh có việc đến thành phố như "lạc vào mê hồn trận" xe cộ.

6h15 một buổi sáng tháng 11-2024, trong căn nhà lưu trú tập thể nằm cạnh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức, chị Đỗ Thị Trang (quê Đắk Nông) bật dậy kiểm tra lại tập hồ sơ bệnh án của con trai để chuẩn bị đi bệnh viện.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Trang chuẩn bị đưa con trai đến Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám

Con trai chị là Voòng Vạn Vương (3 tuổi) bị bệnh ung thư. Nhiều ngày qua, chị Trang phải tranh thủ đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1) mỗi sáng sau khi Vương có dấu hiệu sốt nặng và bỏ ăn thường xuyên.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 2.

Voòng Vạn Vương sốt nặng trong mấy ngày qua

Đi 20km mất gần 2 giờ đồng hồ: "Bố ơi, con mệt quá!"

7h sáng, chị Trang cùng chồng là anh Voòng Xoay Quay chở con trai đến bệnh viện trên chiếc xe máy cũ.

Thấy con bệnh, mệt, anh Quay nóng lòng nhấn ga chạy đến bệnh viện cho nhanh. Đi vào đường Võ Nguyên Giáp, đoạn gần cầu Rạch Chiếc hướng về cầu Sài Gòn, anh Quay lại như bất lực khi thấy mình rơi vào dòng xe kẹt cứng.

Xe nhích từng chút một...

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 3.

Đường Võ Nguyên Giáp, đoạn gần cầu Rạch Chiếc thường xuyên đông đúc xe cộ mỗi sáng

Mặt trời lên cao, con trai anh Quay nhiều lần than: "Bố ơi, con mệt quá!".

Người đàn ông xót con, cố xoay xở trong dòng xe ken đặc. Tuy nhiên, anh không có cách nào để đi nhanh hơn.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 4.

Gia đình anh Quay mệt mỏi trong dòng xe kẹt cứng

Khoảng 30 phút sau, đường Võ Nguyên Giáp thông thoáng hơn khi có cảnh sát giao thông đến điều tiết tại một số khu vực ngã ba, ngã tư quan trọng.

Hôm đó, gần 9h, anh Quay mới đưa được con đến bệnh viện. Đoạn đường anh Quay đi khoảng 20km, nhưng mất đến gần 2 tiếng đồng hồ vì kẹt xe.

"Con tôi lúc mới sinh đã mắc cùng lúc bốn căn bệnh ung thư khác nhau, gồm: ung thư gan, ung thư mật, ung thư hạch, ung thư tụy. Ngoài ra, cháu còn mắc căn bệnh não úng thủy. Gia đình tôi phải chuyển vào TP.HCM sinh sống, để thuận tiện cho việc điều trị bệnh cho con", anh Quay cố gắng kìm giọt nước mắt đang chực rơi.

Gia đình anh Quay từ quê lên phố hơn hai năm nay. Để kiếm tiền mưu sinh, và lo chữa chạy bệnh cho con, hằng ngày anh Quay thường đến các công trường xây dựng tại trung tâm TP.HCM tìm việc làm thuê thời vụ. Chị Trang - vợ anh Quay - ở nhà chăm sóc con.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 5.

Mất khoảng hai giờ trên đường, anh Quay mới đưa được con đến Bệnh viện Nhi đồng 2

"Mỗi lần đưa con đi bệnh viện tôi phải nghỉ làm phụ hồ, thu nhập ít ỏi hơn. Nhưng ngán nhất là mỗi khi ra đường đều kẹt xe. Đó là điều mà trước khi đến TP.HCM sinh sống tôi chưa từng hình dung tới", anh Quay nói.

Tình trạng sức khỏe của cháu Vương rất đáng lo. "Con vào thuốc liên tục và thường xuyên than đau, mệt mỏi, tôi rất xót dạ", chị Trang ngậm ngùi.

"Mỗi sáng sớm đi làm phụ hồ, từ TP Thủ Đức đến quận 3, quận 5 mất hơn một tiếng đồng hồ, đuối sức không muốn làm thêm việc. Chưa kể, những khi nắng nóng hay mưa gió, việc vật lộn trong dòng xe kẹt cứng hàng giờ lại khiến tôi thêm mệt", anh Quay nói.

"Hành trình" từ nhà đến trường học

12h15, trong căn trọ 15m2, đường 53B, Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, Trần Kim Thành (quê An Giang) chuẩn bị đến trường.

Thành là sinh viên năm 2 ngành công nghệ thông tin Trường cao đẳng FPT Polytechnic, chi nhánh quận 12. Điểm trường này cách nhà trọ của Thành khoảng 20km.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 6.

Bạn Trần Kim Thành chuẩn bị đến trường

"Tôi chưa chuyển đến gần trường thuê trọ vì chỗ ở hiện tại gần nơi làm thêm. Ngoài ra, hợp đồng nhà trọ vẫn chưa hết hạn nên cứ ở tạm đây, dù đường đến trường xa và xe cộ đông đúc", Thành chia sẻ.

Tại đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp, hàng loạt xe đang nhích từng chút một. Có những đoạn xe ô tô ép sát khiến Thành phải nép lên lề. Nắng nóng oi bức, thêm khói bụi cứ như trùm lấy Thành.

Sau hơn 20 phút loay hoay trong dòng xe cộ đông đúc trên đường Nguyễn Văn Nghi, Thành lạc vào "ma trận" kẹt xe trên đường Quang Trung.

Thành nói hành trình từ nhà đến trường "sợ" nhất là đoạn đường này. Xe rất đông, nhiều lúc gần như "chết cứng", không thể di chuyển.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 8.

Thành "bất lực" trong dòng xe cộ đông đúc trên đường Quang Trung

"Mỗi tuần, tôi có bốn lần đến trường, mỗi lần mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, những người đi lại hằng ngày trên tuyến đường này chắc sẽ vất vả hơn", Thành bộc bạch.

Đã vài lần Thành chuyển sang đi học bằng xe buýt nhưng rồi phải quay lại với xe máy.

Bởi việc đi học bằng xe buýt mất gấp đôi thời gian đi xe máy. Thêm vào đó, xe buýt thường không còn chỗ ngồi, Thành đứng liên tục trong hơn 2 tiếng đồng hồ, rất mỏi chân.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 10.

Thành từng chọn xe buýt để đi từ nhà đến trường và ngược lại. Tuy nhiên, việc đi lại mất nhiều thời gian vì xe cộ đông đúc

Thành nói những ngày đầu đặt chân đến TP.HCM, anh cảm thấy "sốc" vì xe cộ trên đường quá đông đúc so với ở tỉnh.

Quê nhà An Giang hay các tỉnh miền Tây mà Thành có dịp đi qua, chưa nơi nào Thành gặp cảnh xe cộ đông đúc như vậy. Nhưng rồi cậu sinh viên phải tìm cách thích nghi, không được nóng vội hay cáu giận khi rơi vào dòng xe kẹt cứng.

Tập quen dần với nhịp sống ở thành phố

Rời quê nhà Bình Phước, ông Nguyễn Văn Tấn trở thành "cư dân" tại TP.HCM khoảng 2 tháng nay khi thường xuyên đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) điều trị.

"Từ khi mắc bệnh, cuộc sống của tôi dần trở nên khó khăn. Vào TP.HCM tôi thuê một phòng trọ giá rẻ, cạnh bệnh viện để tiện cho việc đi lại", ông Tấn cho biết.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 11.

Ông Tấn đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1, thời gian còn lại ông tranh thủ bán vé số kiếm thêm tiền mua cơm, nước uống

TP.HCM trong mắt ông Tấn thật sự đông đúc, cứ ra đường vào giờ tan tầm rất khó di chuyển. Nhưng theo ông Tấn, ông đã tập dần với nhịp sống này.

"Cuộc sống của tôi bị đảo lộn nhiều thứ, nhưng điều cần nhất là phải cố gắng thích nghi với hoàn cảnh để điều trị bệnh", ông Tấn trải lòng.

Để kiếm thêm tiền trang trải, ông Tấn chọn cách bán vé số xung quanh bệnh viện vào buổi tối. Vài giờ rong ruổi bán vé số, ông Tấn kiếm được khoảng 80.000 đồng tiền lời. Ông nói số tiền này để ông bù vào tiền mua cơm và nước uống trong những ngày điều trị bệnh.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 13.

Ông Tấn cho biết rất ngại ra đường khi nhìn thấy cảnh xe cộ đông đúc trên đường Hoàng Văn Thụ lúc tan tầm

Dần dần ông đã cảm thấy quen với nhịp sống của TP.HCM, không còn bỡ ngỡ như lúc mới đến. Ông nói việc ở trọ gần bệnh viện giúp ông tránh được tình trạng kẹt xe và thuận lợi hơn khi điều trị bệnh.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 14.

Xe cộ đông đúc tại khu vực dẫn vào vòng xoay Công trường Dân Chủ

Những năm qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực ứng phó, xử lý tình trạng kẹt xe trong đô thị. Có thể kể như việc triển khai nhiều dự án mở rộng đường, làm hầm chui, cầu vượt, đường song hành…

Các lực lượng chức năng thành phố đã túc trực thường xuyên để điều tiết giao thông tại các điểm kẹt xe, nhất là vào khung giờ cao điểm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để điều tiết giao thông cũng được ngành chức năng triển khai thực hiện.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 15.

Đường Phan Đăng Lưu đông đúc xe cộ

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc xe cộ vẫn thường xuyên xảy ra tại nhiều tuyến đường.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2024, có 8/24 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông không có sự chuyển biến.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 17.

Tình trạng giao thông trên đường Nguyễn Thái Sơn

Lần lượt là đường Nguyễn Tất Thành (811 lần ùn ứ), Xô Viết Nghệ Tĩnh (615 lần), giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (588 lần), đường Trường Chinh đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý (569 lần), nút giao An Phú (554 lần), đường Nguyễn Thị Định từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái (195 lần), đường Dương Bá Trạc khu vực cầu Kênh Xáng (188 lần) và ngã tư Hàng Xanh (161 lần).

Thông qua dữ liệu quan trắc giao thông, cơ quan chức năng xác định những đường hay kẹt xe, chịu áp lực lớn nhất tại TP.HCM.

Đó là đường Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Nguyễn Hữu Thọ, Âu Cơ, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, cầu Kênh Xáng, Trường Sơn, quốc lộ 1, Phạm Hùng, quốc lộ 50, Hồng Bàng, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt.

Lạc trong dòng xe đông đúc cuối năm - Ảnh 18.

Nội dung và hình ảnh: HOÀNG GIÁM - NGUYỄN THÔNG - VĂN TRUNG

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0