Đó không phải quyết định bồng bột mà là cả quá trình được tôi vun đắp bằng ước muốn trải nghiệm cuộc sống, bước ra khỏi vùng an toàn của những lối mòn xưa cũ...
Còn những ước mơ, hoài bão, còn thế giới ngoài kia với những con người mới và cả bao cơ hội mới. Thà bước ra, va chạm để rồi biết mình đứng ở đâu, còn hơn cứ co cụm lại, bằng lòng với hiện tại và chịu may rủi đẩy đưa.
MINH DUYÊN
Những ước mơ dở dang
Tôi nhớ lúc đó, bố tròn mắt nhìn tôi, nhìn chiếc vali tôi đã chuẩn bị từ khi nào:
- Quyết định đi hả con?
- Dạ, con đi bố ạ.
Biết tôi đã quyết thì khó cản, nên mẹ động viên:
- Hãy làm điều mình thích, không phải lo bố mẹ ở nhà. Con hạnh phúc là bố mẹ hạnh phúc.
Cái tin tôi đi cũng đột ngột với các anh chị tôi. Ai cũng chỉ kịp lấy từ sạp hàng của mình vài thứ quần áo, khăn mặt làm quà và dúi thêm người 500.000 đồng, người 1 triệu đồng cho tôi đi đường.
Tôi qua nhà chị cả, thắp nén nhang cho anh rể. Chị bảo tôi:
- Con gái quê mình 28 tuổi chưa lập gia đình đã là ế. Dì không còn trẻ, đất lạ quê người liệu đủ thời gian cho người xứ ấy hiểu và yêu thương mình? Đi thì có thể được sự nghiệp. Còn hạnh phúc thấy trước là chông chênh rồi, quá lứa lỡ thì.
Chị khuyên thêm:
- Hay dì cứ sống như bọn chị, ở nhà với bố mẹ, chọn lấy người nào hiền lành ở làng trên xóm dưới. Mình biết cả tông ti họ hàng người ta, chẳng lo bị lừa dối. Rồi vợ chồng chăm chỉ làm ăn, sinh con đẻ cái, nhanh thì 5 năm, chậm thì 10 năm cũng có nhà cửa đàng hoàng, chẳng lo kém thiên hạ...
Tôi ngẫm lại ước mơ của anh tôi muốn mua mảnh đất, đào ao thả cá, xây ngôi nhà nhỏ, chiều chiều bán hàng về ra vườn hái rau, bắt cá cùng vợ con thưởng thức bữa cơm sum vầy.
Hơn chục năm buôn bán, cơm hàng cháo chợ, anh chị cũng tích góp đủ cho ước mơ của mình, nhưng cứ lấn cấn đợi qua đợt tết bán thêm hàng, đợi lo xong chuyện nội ngoại... Rồi anh mất đột ngột vì tai nạn giao thông, ước mơ đành dở dang!
Tôi chứng kiến chị cả tôi yêu hoa, muốn mở lớp dạy cắm hoa. Tiền công thời ấy chỉ 30.000-50.000 đồng mỗi buổi, chẳng đủ trang trải cuộc sống.
Chị gác lại những sắc hoa, theo mẹ ra chợ bán buôn. Chị hai tôi thích làm cô giáo. Hết lớp 12, chị xin mẹ đi thi sư phạm.
Chị có đỗ mẹ cũng không đủ sức nuôi chị ăn học rồi còn ra trường xin việc. Chị gạt nước mắt nhìn bạn bè lên thủ đô nhập học...
Tôi phải thực hiện hoài bão
Ở quê nhà huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, tôi không phải là đứa học hành xuất sắc, chỉ kiên trì học từ trung cấp rồi lên đại học. Xin việc ở quê nhà khó khăn, tôi rải đơn khắp nơi, mày mò tìm cơ hội nhưng hết một năm, hai năm mà kết quả chẳng vào đâu. Bốn chị em tôi chẳng người nào bước được ra khỏi lũy tre làng.
Không xin được việc, tương lai tôi không cần tưởng tượng cũng biết sẽ ra chợ phụ mẹ giống anh chị.
Cuộc sống rồi cũng ổn định, nhưng tự trong tâm mình tôi thấy bí bách, giống như đang gánh một gánh nặng vô hình nào đó, có thể là ước mơ của anh chị tôi, là kỳ vọng của bố mẹ tôi, hơn hết là ước mơ vượt khỏi giới hạn bản thân.
Tôi không thể buông giấc mơ, chỉ thực hiện nó tôi mới có cơ hội sống khác theo ý mình. Tôi từng hỏi đi hỏi lại bản thân: Chẳng lẽ đời người con gái lớn lên chỉ mỗi mục đích duy nhất là quanh quẩn ở nhà, lấy chồng, sinh con? Còn những ước mơ, hoài bão, còn thế giới ngoài kia và cả bao cơ hội mới.
Thà bước ra, va chạm để rồi biết mình đứng ở đâu, còn hơn cứ co cụm lại, bằng lòng với hiện tại và chịu may rủi đẩy đưa.
Tôi còn trẻ và tôi không muốn đi theo lối mòn ấy. Tôi vô duyên với quê hương, thì tôi sẽ thử cơ hội ở những thành phố khác.
Đáp lại sự kiên trì của tôi, cũng đến ngày tôi nhận được thông báo đi làm ở một thành phố miền Trung cách quê tôi hơn 1.400 cây số.
Tôi chộn rộn nhiều cảm xúc, lúc thì phấn khích với những dự định tương lai sắp được thực hiện, khi lại bồn chồn vì không biết mình sẽ sống như thế nào ở nơi xa lạ chưa một lần đặt chân tới. Càng bồn chồn hơn khi nhìn vào ánh mắt của bố mẹ, anh chị, niềm vui thì ít mà lo lắng lại nhiều.
Ai cũng lo cho tôi con gái một thân một mình sống ở vùng đất xa lạ với văn hóa khác, khó khăn chồng chất. Mọi người đều không muốn tôi đi, khuyên tôi ở nhà chờ đợi cơ hội. Tôi quyết định ra đi, khoảnh khắc quyết định đó đến rất nhanh.
Tôi không thể bỏ qua cơ hội này. Nếu tôi bỏ, tôi sẽ lại như các anh chị tôi cả đời trăn trở nỗi niềm chưa trọn vẹn. Nếu đắn đo, có thể tôi sẽ không còn cơ hội khác hoặc rất lâu nữa mới có thì lúc ấy tôi cũng không còn muốn nắm bắt nữa.
Tôi tiếc cho những nỗ lực của tôi đã bỏ ra, những kinh nghiệm tôi chắt chiu từ những ngày vừa đi học vừa phải đi làm.
Tôi tự tin mình có thể làm tốt nên tự nhủ dù khó khăn đến đâu tôi cũng không bỏ ước mơ của mình. Mong mỏi quá lớn khiến mọi rào cản tự nhiên trở nên vô hình...
Cuộc sống của tôi sau đó thay đổi rất nhiều. Tôi đã biết tự bươn chải, sẵn sàng làm mọi việc một cách vui vẻ dù vất vả tới đâu.
Tôi đã đi bán vé số dạo chỉ để nhớ mọi con đường trong thành phố. Tôi biết tự đi tìm mua nhà rồi gọi thợ sửa chữa, biết tự tìm cơ hội tăng thu nhập ngoài công việc hằng ngày ở cơ quan. Tôi thấy mình trưởng thành hơn, biết sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Tới bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình "gan", nhưng chưa một lần hối hận. Tôi tự mang đến cho mình cuộc sống ổn định với công việc mơ ước, điều kiện kinh tế tốt, và một người con trai luôn gọi tôi là "mỏ vẩu bướng bỉnh" nhưng không bao giờ buông tay tôi.
Tôi hạnh phúc với hiện tại. Và tôi tự tin dù phía trước có xảy ra biến cố, tôi vẫn có thể vững vàng sống...
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019
* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.
* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.
* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.
Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.
Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.
Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.
* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.
Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.
* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.
* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận