
Đường phố khu trung tâm TP.HCM dịp đại lễ 30-4 - Ảnh: MINH HÒA
Hôm trở về nhà sau ngày thứ bảy tham gia một hội thảo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, với một bài thuyết trình của tôi về những thành tựu kiến trúc và quy hoạch của miền Nam trong 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất (1975 - 2025), tôi không khỏi nhớ lại quãng thời gian đầy kỷ niệm.
Giữ lại căn nhà 50 năm trước bao lời mời mọc hợp tác, nâng tầng
Từ khi tôi còn là một cậu bé sống trong những năm tháng chiến tranh đầy bất ổn, có lúc hầu như đêm nào cũng phải bật dậy, lồm cồm cùng gia đình chạy xuống hầm trú ẩn, giữa tiếng pháo kích ầm ì rải rác đâu đó trong thành phố, cho đến niềm vui khi không còn tiếng súng.
Bỡ ngỡ với những khó khăn xen lẫn niềm vui trong cuộc sống mới thời bao cấp, những trải nghiệm khó quên thời đổi mới, mơ ước được đi du học.
Và thời gian bận rộn tất bật sau khi về nước, cùng tham gia góp sức với các đồng nghiệp trong việc xây dựng đất nước.
Căn nhà ở đường Trương Định, nơi mẹ tôi qua đời rất sớm, để lại 9 cha con giữa những tháng ngày khó khăn trong thời kỳ 1975 - 1986.
Niềm vui hòa bình xen kẽ với những âu lo trước đời sống kinh tế chật vật.
Dù vậy, thời gian chung sống tại căn nhà đó cũng là thời gian chúng tôi rất hạnh phúc bên nhau.
Từ khi cha tôi mất cho đến nay, các anh chị em đều đồng lòng giữ lại nguyên vẹn căn nhà, mặc cho những lời mời mọc hợp tác đầu tư nâng tầng.
Hôm nay nhìn quanh, tôi nhận ra rằng hình như chỉ có nhà mình là nơi chốn hiếm hoi không có nhiều thay đổi trong thành phố sau 50 năm qua…
Trên đường Trương Định, ngày xưa mang tên Đoàn Thị Điểm, nhà của thầy Nhạc gần vườn Tao Đàn đã bị bán và phá dỡ để xây cao lên.
Căn biệt thự có hồ bơi của bác Thi, nơi tôi từng trải qua những rung động đầu đời của một cậu bé 8 tuổi, khi Tina, con gái cưng của bác nắm tay và mời tôi ăn kẹo trong một buổi chiếu phim gia đình cuối tuần, nay đã được cơi nới thêm nhiều để đáp ứng các nhu cầu mới của một nhà trẻ.
Tòa nhà căn hộ cao cấp của bác Dung cạnh đó, nơi lần đầu tiên tôi được ấn tay lên phím đàn piano, cũng vừa bị phá bỏ để xây một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo hiện đại cho thành phố.
Một con đường khác, quan trọng không kém trong ký ức của tôi, là đường Nguyễn Du.
Nơi đây không chỉ có ngôi nhà của gia đình trước 1968 và cũng có văn phòng của cha tôi ngày xưa ở góc đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) mà còn có nhiều công trình di sản.
Dù được mở rộng thêm, cũng vẫn được giữ gìn khá tốt, như dinh Độc Lập, Tòa án nhân dân TP, trường Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa).
Trong cuộc hội thảo nói trên, sau 50 năm thì dinh Độc Lập là công trình duy nhất theo phong cách hiện đại trong thế kỷ 20 được công nhận là công trình di sản theo Luật Di sản văn hóa.
Tôi nghĩ cần phải bổ sung cơ sở pháp lý để công nhận di sản cho rất nhiều công trình rất có giá trị khác.
Như Thư viện Tổng hợp và nhóm biệt thự của gia đình chú Hỏa trên đường Lý Thái Tổ.
Con đường thứ ba nhiều kỷ niệm đối với tôi là xa lộ Biên Hòa, nơi mỗi cuối tuần trong suốt khá nhiều năm, cả gia đình cùng theo chân cha tôi đi thăm công trường Trường đại học Nông nghiệp Thủ Đức hoặc các công trình khác đang xây dựng, trước khi cùng nhau đi thăm các vùng thôn quê xa xôi.
Làng đại học xưa, ngày nay đã được mở rộng thành Đại học Quốc gia TP.HCM, nơi có tiềm năng liên kết với Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Fulbright, và Khu công nghệ cao để trở thành khu đô thị đại học quốc tế, nơi sẽ đào tạo nhân lực hàng đầu tương lai cho cả nước.
Con đường rộng 100m đầu tiên của cả nước
Con đường thứ tư là đường Nguyễn Văn Linh dài 17km, cũng là con đường rộng 100m đầu tiên của cả nước.
Nơi đó tôi từng tham gia cùng nhóm thiết kế tại Công ty SOM ở San Francisco, lãnh đạo bởi KTS John Kriken, nghiên cứu dự án quy hoạch khu đô thị nam thành phố.
Dự án này là tổng hợp của nhiều cái "đầu tiên" kể từ thời kỳ đầu mở cửa của đất nước, mà sau này những kinh nghiệm được nhân rộng ra tại hàng trăm khu đô thị trên khắp cả nước.
Đó là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam.
Dự án khu đô thị đầu tiên được phát triển từ hợp tác công - tư trong nước và nước ngoài theo tư duy kinh tế thị trường, trong đó ngân sách chủ yếu không phải đến từ đầu tư công…
Với đường Nguyễn Huệ, nơi công trình Imexco cao 12 tầng từng là công trình cao nhất thành phố năm 1975, nay là công trình khiêm tốn giữa gần 1.500 cao ốc được xây dựng trên toàn thành phố, cao từ 10 tầng cho đến 81 tầng.
Tòa nhà Landmark 81 ven sông từng đạt vị thế cao nhất Đông Nam Á.
Chúng ta hãy nhắc nhở nhau còn phải cùng cố gắng rất nhiều để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, sớm vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", trở thành một trong số các nước phát triển hàng đầu châu Á.
Nhìn lên bầu trời trong xanh dưới ánh nắng vàng trên cao, tôi cảm nhận được sự bình an kèm theo lời chúc phúc "an cư lạc nghiệp" từ ông bà cha mẹ, từ những người đã khuất.
Hy vọng tất cả người Việt trong và ngoài nước, cùng với lòng yêu thương và tin tưởng về một tương lai ngày càng tươi sáng hơn của một nước Việt Nam giàu mạnh trên trường quốc tế!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận