19/04/2020 09:35 GMT+7

Sức mạnh đồng lòng, đoàn kết

CÔNG NHẬT - VŨ THỦY - NGỌC HIỂN ghi
CÔNG NHẬT - VŨ THỦY - NGỌC HIỂN ghi

TTO - Diễn đàn chủ nhật tuần này nhắc nhớ nhau về tinh thần ấy để tiếp tục vững lòng trước “dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, không tính được bằng tuần, mà tính bằng tháng” như nhận định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 17-4.

Sức mạnh đồng lòng, đoàn kết - Ảnh 1.

Những khó khăn trong cuộc sống do phải ở nhà để chống dịch đã được chia sẻ bởi những lòng tốt trong cộng đồng - Ảnh: T.T.D.

* Anh Nguyễn Anh Thảo (chủ tiệm nông sản "Tiệm rau của ba"):

Lúc khó, dân mình mở rộng vòng tay

Câu chuyện "ATM gạo" khiến tôi suy nghĩ: cửa hàng của mình nhỏ bé thôi, làm sao để hưởng ứng thông điệp sẻ chia đó? Tôi kinh doanh rau củ quả nên nghĩ chỉ có tặng được rau củ quả cho mọi người. Thế là tôi đi xin các vườn và rất bất ngờ các cô chú nông dân lại rất nhiệt tình ủng hộ.

Không có xe để gửi đi, các cô chú mang trái cây lên quốc lộ đứng đợi cả buổi đón xe tải. Có nhà vườn lớn đã tặng trái cây rồi còn cho xe tải chở tôi đi khắp các điểm để chia. Tôi thấy rất hạnh phúc vì ai cũng đồng lòng mang niềm vui đến cho mọi người. Số trái cây đó tôi đã tặng các khu cách ly, cũng là một sự sẻ chia, lời động viên đến các anh chị ở tuyến đầu chống dịch. Đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình từ các anh công an, bộ đội.

Tôi nghĩ không riêng dịch mùa này, lúc nào có khó khăn, dân mình lại sẵn sàng dang tay để giúp đỡ nhau, đó là truyền thống "ăn trong máu" rồi.

* Nguyễn Dương Nguyên (chủ tịch Hội Du học sinh Việt tại bang New South Wales, Úc):

Hạnh phúc và biết ơn

Là một người con đất Việt đang du học phương xa, tôi đã lo lắng về tình hình bệnh dịch nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nơi mà gia đình và người thân đang sinh hoạt, làm việc hằng ngày.

Và tôi đã thấy hình ảnh những y bác sĩ và bộ đội, công an "chiến đấu" kiên cường để kiểm soát dịch bệnh. Tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn. Giữa đại dịch, người Việt đã xích lại gần nhau hơn, vì lợi ích dài hạn của cộng đồng.

Tôi lại thấy tự hào khi nhìn hình ảnh tất cả mọi người đồng lòng hỗ trợ nhau, từng bước đi qua những thời điểm khó khăn. Và tôi mong khi dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ vẫn đoàn kết, đồng lòng để cùng nhau lớn mạnh hơn...

* Phùng Bảo Ngọc Vân (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, Người đẹp truyền thông Hoa hậu Việt Nam 2016):

Những con số nói lên giá trị của hi sinh

Tôi đã nhiều lần không kìm được sự xúc động vì những câu chuyện về những người đang quên mình, dành những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng.

Có gia đình cả hai vợ chồng đều là bác sĩ đang trực chiến trong khu cách ly, chung nơi nhưng họ chỉ có thể nhìn nhau và vẫy tay chào qua khung cửa sổ. Cô con gái nhỏ ở nhà được gửi sang ông bà, từng ngày mong ngóng bố mẹ trở về. Sự hi sinh đó thật đẹp.

Rồi hình ảnh về các anh bộ đội dành giường ngủ và phòng ở cho người dân đi cách ly, để rồi bản thân phải ngủ ngoài trời... Tôi thực sự cảm phục và biết ơn điều đó.

Sự đoàn kết của tập thể là điều kiện để thành công, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh và dịch bệnh. Ý nghĩa của điều này đã được minh chứng ở kết quả mà chúng ta đang có. 75% số ca mắc đã khỏi bệnh, đến nay chưa có người tử vong. Các ca nặng đều đã có tiến triển tốt hơn, nhờ có sự chăm sóc đặc biệt và tận tình từ các y bác sĩ Việt Nam.

* Nguyễn Ngọc Thiên Nhi (du học sinh Anh đã hoàn thành hai tuần cách ly tại Trường Quân sự Quân khu 7, Q.12, TP.HCM):

Ấm lòng lời Quốc ca ở khu cách ly

Điều lớn nhất tôi cảm nhận được trong thời gian qua là đã có những yêu thương, lo lắng từ những người xa lạ dành cho nhau. Đối với du học sinh, đa phần mọi người hướng về Việt Nam và quyết định về nước. Những người vốn dĩ trước đây chẳng hề liên hệ gì với nhau giờ sẵn lòng giúp nhau, lo lắng cho nhau một cách hết sức tự nhiên, thể hiện ở rất nhiều hành động từ lớn tới nhỏ trong cộng đồng.

Lớn thì có "ATM gạo", phát cơm miễn phí, hỗ trợ doanh nghiệp... Nhỏ thì tự may khẩu trang mang tặng đồng bào. Nếu có ai hỏi tôi vì sao lại có cảm giác lo cho những người xa lạ đó, tôi cũng không biết trả lời thế nào nhưng có lẽ là đồng bào và cùng cảnh ngộ. Không chỉ cảm nhận thay đổi ở bản thân mình, tôi còn quá bất ngờ với những mối quan hệ xung quanh khi ở khu cách ly hai tuần. 

Tôi không nghĩ là nhiều người lo lắng để tâm cho mình như vậy. Ở đó, tôi còn nghe rất nhiều người ở các phòng hát Quốc ca, Nối vòng tay lớn... Tôi cũng ngân nga hát theo không sót bài nào. Có lẽ, tôi chưa từng hát Quốc ca trong tâm thế ấm lòng như vậy.

* Chị Thái Thị Thanh Huyền (tình nguyện viên điều phối các cuộc vận động thiện nguyện mùa dịch):

Chất kết dính mọi người là sự đồng lòng

Mùa dịch giúp xóa khoảng cách và kéo mọi người gần nhau hơn. Mọi người đồng lòng và cùng chung mục tiêu chiến thắng dịch bệnh. Các hoạt động thiện nguyện một phần xuất phát từ tinh thần trách nhiệm xã hội, và sâu thẳm tận đáy lòng của mọi người là tinh thần "máu chảy ruột mềm", vì tình dân tộc và nghĩa đồng bào.

Không cần những mỹ từ kêu gọi, mọi người đến với nhau và chung tay trên sự tin tưởng và tín nhiệm. Chúng tôi đã cùng nhau lập các nhóm thiện nguyện "Góp khẩu trang cho tuyến đầu", "Góp gạo, nhu yếu phẩm cho người yếu thế", với sự hợp sức của các nhóm tình nguyện viên trên khắp miền đất nước. Mỗi người mỗi công việc khác nhau nhưng chất kết dính là sự đồng lòng, minh bạch.

Sau hơn một tháng chống dịch, tôi nghĩ "niềm tin thắng dịch" là vitamin tích cực giúp sợi dây đồng lòng, chung sức của mọi người thêm bền chặt.

* Ông Vũ Thanh Lưu (phó chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam):

Tinh thần tương trợ là sức mạnh to lớn

Những thế hệ sống trong thời bình có lẽ chưa bao giờ chứng kiến một sự đoàn kết đến như thế. Người người, nhà nhà không chỉ rất ý thức đồng lòng tuân thủ phòng chống dịch mà còn nghĩ đến khó khăn của người khác trong mùa dịch. Đó là những người nghèo, người bán vé số, người già neo đơn. Tinh thần đoàn kết, tương trợ của người dân Việt Nam luôn là một sức mạnh to lớn, tiềm tàng và luôn được phát huy vào những thời khắc khó khăn nhất.

Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ với tinh thần tự nguyện, tự giác từ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các chương trình vận động hiến máu, vận động các nguồn lực hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh ở các bệnh viện, cơ sở y tế.

Sức mạnh đồng lòng, đoàn kết - Ảnh 2.

Sáng 18-4, Công ty ASOFT phát hơn 800 phần gạo (5 tấn gạo - do nhân viên công ty và các nhà hảo tâm góp) cho những người gặp khó khăn ở P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: LÝ NGUYÊN

* Ông Ngô Xuân Mạnh (tổng giám đốc Công ty CP cơ điện lạnh Đại Việt):

Có khó khăn vẫn không quên cộng đồng

Doanh nghiệp phát triển được nhờ cộng đồng nên đây là cơ hội để chúng tôi trả ơn, cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp trong thời buổi cả đất nước phải gồng mình chống dịch.

Dù kinh doanh đang giảm sút, khó khăn chồng chất nhưng thời điểm này xã hội cần là sự chia sẻ, đồng hành với nhau. Vì thế, dù giảm 30-40% thu nhập, nhân viên đều đồng thuận cùng cộng đồng vượt qua khó khăn. Chúng tôi đã dành gần 10 tỉ đồng để hỗ trợ chống dịch và người dân miền Tây đang khó khăn trong hạn mặn. 1.250 bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, 110 máy lọc nước, 500 máy làm mát, 13 hệ thống máy lọc nước công suất lớn... đã được trao đi chỉ là những con số trong tiềm lực có hạn của doanh nghiệp, nhưng giá trị cộng đồng mà chúng tôi muốn hướng đến thì không một con số nào đo đếm được.

Đất nước có bình yên, người dân có no ấm thì doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững và chúng tôi luôn hướng về điều đó. Khi khó khăn không phải là cơ hội để kiếm tiền mà phải xem người dân cần gì để hỗ trợ, sẻ chia.

* Ông Nguyễn Hoài Phương (tổng giám đốc Gong Cha Việt Nam):

Nhiều câu chuyện đẹp sẽ còn ở lại

Chúng ta đã thấy một làn sóng sẻ chia, đồng lòng và tương thân tương ái không chỉ giữa người Việt với người Việt mà cả với những người nước ngoài đang sống tại Việt Nam. Ai cũng cảm thấy vui bởi bên cạnh đạt được những kết quả chống dịch, tình người lan tỏa đã làm chúng ta thêm ấm lòng, vơi âu lo về dịch bệnh.

Giữa khó khăn, chúng tôi cũng dốc sức trong nguồn lực có thể để góp một phần nhỏ cùng phòng dịch, chống dịch. Gong Cha đã và đang gửi khoảng 500 ly nước mỗi ngày cho y bác sĩ ở các khu cách ly, các chốt chống dịch. Chúng tôi muốn góp một phần vào những chuyện tình người trong mùa dịch. Những câu chuyện đẹp sẽ còn lưu lại khi dịch qua đi.

* Bà Quách Mỹ Linh (tiểu thương chợ Bà Chiểu, TP.HCM):

Gần nhau hơn giữa những ngày cách ly

14 ngày giãn cách vừa qua, tôi và các tiểu thương ở chợ Bà Chiểu đã làm được một việc rất ý nghĩa. Chúng tôi đã làm và tặng 2.200 chiếc mặt nạ để ngăn giọt bắn cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Người góp sức, người góp tiền, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, ai cũng vui vẻ làm rất cẩn thận.

Tôi thấy điều đọng lại sau khi dịch kết thúc là người Việt mình rất sẻ chia với nhau, lúc gian khó chỉ làm tinh thần này nhân lên gấp bội thôi. Thường ngày gặp ai khó khăn, ai bất hạnh tôi giúp được gì thì giúp, không xuể thì tôi đăng lên mạng để cộng đồng cùng chung tay với mình. Cho đi cũng là nhận lại, mình cũng được vui lây từ niềm vui của những người khó. Dịch làm mọi người cách ly nhưng tấm lòng thì xích lại gần nhau hơn, sẻ chia nhiều hơn.

* Anh Vũ Tấn Phát (trợ lý sinh viên khoa hóa học ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM):

Trong cái khó có nhiều ý tưởng mới

Tình hình chung là nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đang rất khó khăn, thậm chí dừng hẳn dự án của mình. Dù muốn hay không, COVID-19 buộc mọi người đều phải linh động thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp tình hình. Để rồi từ đó có những hoạt động, những ý tưởng mới ra đời.

Chẳng hạn các bạn trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản thì phát triển trồng trọt, chăn nuôi tại nhà, trên sân thượng. Những cá nhân trong mảng hóa chất, mỹ phẩm thì chuyển sang chế tạo sản phẩm diệt khuẩn. Những bạn trong mảng CNTT quay sang giải quyết các vấn đề về dạy online, lưu trữ dữ liệu...

* Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng:

Trái tim còn rung, còn hồn Tổ quốc

Tôi chưa từng đi qua chiến tranh gian khó, chỉ nghe những câu chuyện của người đi trước kể lại mọi chiến thắng bắt đầu từ sự đoàn kết. Chưa bao giờ tôi lại cảm thấy tình đoàn kết ấy hiện hữu rõ ràng như những thời khắc này.

Trái tim còn đập còn rung/ Thì hồn Tổ quốc trong từng phút giây. Tôi rất tâm đắc với một thông điệp trên trang đầu trong một số báo mùa dịch của báo Tuổi Trẻ. Cùng với những khó khăn mùa dịch, tình tương thân tương ái, lòng bao dung lại được nhân lên bằng những hành động thiết thực ở mỗi người dân Việt. Điều đó cho chúng ta cảm xúc tự hào vì đã luôn có những người sống vì nhau, vì hai tiếng đồng bào thân thương.

Thời gian qua văn nghệ sĩ cũng tham gia rất nhiều hoạt động đóng góp hỗ trợ phòng chống dịch, góp sức bằng những sản phẩm tinh thần là những sáng tác, lời ca để ngợi ca những người hùng thầm lặng nơi tuyến đầu và kêu gọi ý thức tuân thủ không để dịch lây lan. Dù sẽ có rất nhiều khó khăn, thiệt hại về kinh tế nhưng tôi luôn tin sự đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh để chúng ta cùng vượt qua.

Vẽ tranh cổ động tiếp thêm tinh thần cho y bác sĩ chống dịch COVID-19 Vẽ tranh cổ động tiếp thêm tinh thần cho y bác sĩ chống dịch COVID-19

TTO - Cảm động trước tấm lòng các y bác sĩ ngày đêm mặc đồ bảo hộ chữa bệnh, những hình ảnh đó đã thôi thúc ông Trần Minh Lý (62 tuổi, Q.2, TP.HCM) vẽ tranh cổ động tiếp thêm tinh thần, tri ân đội ngũ trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.

CÔNG NHẬT - VŨ THỦY - NGỌC HIỂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên