07/09/2024 13:03 GMT+7

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 4: Đưa ngư dân trẻ lên bờ học làm bảo tồn

Giữa những năm 2000, khi Cù Lao Chàm chuyển hướng qua bảo tồn để làm du lịch, một cuộc vận động lớn được thực hiện nhằm đổi phận các ngư dân nhiều thế hệ làm biển.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 4: Đưa ngư dân trẻ lên bờ học làm bảo tồn - Ảnh 1.

Khách tham quan đảo Cù Lao Chàm nườm nượp từ sáng tới chiều - Ảnh B.D.

Từ ngư dân thành cán bộ bảo tồn

"Ở Cù Lao Chàm trước 2005 có những con tàu chở 3-4 thế hệ cùng lênh đênh mưu sinh. Không thể làm tốt bảo tồn nếu thiếu lực lượng dân biển am hiểu từng con nước, bờ đá quanh đảo. Cũng không thể giữ tôm cá thành công nếu dân chỉ sống bằng biển từ thế hệ này qua thế hệ khác", nguyên giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm Trần Thị Hồng Thúy nói.

Bộ máy Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hiện nay ngoài những người làm quản lý, nghiên cứu khoa học và truyền thông thì có nhiều cán bộ gốc gác là ngư dân. Để phục vụ chiến lược bảo tồn lâu dài, căn cơ, con em các ngư dân được cử đi học rồi về làm nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học quanh đảo nơi họ sinh sống.

Buổi sáng, con tàu gỗ của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm neo đậu trên bãi Bấc. Nhóm gồm bốn người đàn ông không rời mắt các vị trí có tàu cá ngư dân đang khai thác, thỉnh thoảng họ lại đưa tàu qua rạn đá khác để ghi hiện trạng san hô đang nuôi cấy.

Tiếp xúc những nhân viên bảo tồn dày dạn kinh nghiệm, am hiểu từng sự thay đổi của vùng nước này khó ai biết rằng trước khi làm bảo tồn, họ đều là thanh niên ở các làng cá quanh đảo. 

Theo cha mẹ như quy luật nghề biển muôn đời, những thanh niên ở Bãi Hương, Bãi Làng... học tới lớp 7, lớp 8 rồi lên tàu học cách đánh bắt cá.

Ngày 1-8-2006 là mốc rất đặc biệt của nhiều cán bộ BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Đó là ngày hàng loạt nhân sự xuất thân ngư dân sau thời gian đi học nghiệp vụ được nhận vào làm việc tại BQL Khu bảo tồn biển. Từ ngư dân quanh năm cầm ống lặn đánh bắt cá, cuộc đời họ rẽ qua một hướng thành "người Nhà nước" canh giữ môi trường chính nơi mình sinh ra, lớn lên.

Ông Huỳnh Đức nay 53 tuổi nhưng đã có 18 năm làm việc, được đóng bảo hiểm xã hội, hưởng chế độ như một viên chức Nhà nước trong vị trí thuyền trưởng, thợ lặn BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ông là thế hệ ngư dân cuối cùng trong gia đình nhiều đời đi biển. Năm 2006, khi BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thiết lập, ông được cán bộ tìm tới nhà và đặt vấn đề cử đi học nghiệp vụ bảo tồn ở Nha Trang.

Cùng đợt với ông Đức còn có sáu người hiện cùng làm trong đội tuần tra kiểm soát. Tất cả họ đều từng là ngư dân nối nghiệp gia đình nhiều đời đi biển, được mời cho đi học, rồi về cùng ký hợp đồng tuyển dụng cùng một ngày. Đó là các cán bộ - cựu ngư dân như ông Mai Xinh (50 tuổi, thôn Bãi Ông), ông Nguyễn Văn Bảy (54 tuổi, thôn Bãi Ông)...

Trong một lần theo chân những cán bộ này ra biển, trực tiếp mang bình dưỡng khí để lặn xuống đáy nhìn ngắm từng lớp san hô được bảo tồn nguyên vẹn, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc đó - ông Lê Trí Thanh (nay là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam) đã dành những lời khen ngợi các chuyên viên bảo tồn này.

Vị chủ tịch tỉnh càng bất ngờ khi biết rằng những người phục vụ chuyến lặn biển của ông đều từng là ngư dân.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 4: Đưa ngư dân trẻ lên bờ học làm bảo tồn - Ảnh 2.

Một góc Cù Lao Chàm năm 2009 - Ảnh: NGUYỄN VĂN VŨ

Không ai hiểu biển hơn chính ngư dân bản địa

Nhiều lãnh đạo Hội An và BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đều cho rằng việc đưa con em ngư dân lên bờ đi học rồi trở về làm bảo tồn ngay chính ngư trường cũ của họ là một chính sách hợp lý.

Theo thống kê, hiện có 22 cán bộ (chủ yếu tuần tra kiểm soát, kỹ thuật tàu, lặn khảo sát phục hồi rạn san hô đáy biển) xuất phát từ con em ngư dân.

Những năm 2005-2006, khi thành lập Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thì lực lượng lao động trẻ am hiểu biển, rừng địa phương được nhắm tới. Hơn ai hết, chính họ hiểu rõ về môi trường nơi mình sinh ra, lớn lên.

Trong năm 2006, BQL Khu bảo tồn biển đã xuống tận từng làng biển, thuyết phục ngư dân loại bỏ phương thức đánh bắt tác động xấu hệ sinh thái, đồng thời ủng hộ nỗ lực bảo tồn bằng cách cử con em đi học. Ngoài những thanh niên đủ tiêu chuẩn được đưa vào Nha Trang, ra Hà Nội học nghiệp vụ bảo tồn, Hội An cũng thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ chuyển đổi sinh kế.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 4: Đưa ngư dân trẻ lên bờ học làm bảo tồn - Ảnh 3.

Sau thời gian bị tàn phá vì nghèo đói, rừng Cù Lao Chàm đã phục hồi và được bảo vệ rất tốt nhờ chương trình bảo tồn và phát triển du lịch - Ảnh: B.D.

Bà con ngư dân được tiếp cận các nguồn vốn chuyển đổi ngành nghề. Các chương trình tập huấn đón khách, hướng dẫn cách cải tạo nhà cửa để làm lưu trú, học lời ăn tiếng nói, cung cách phục vụ và ngoại ngữ để chuẩn bị kinh doanh du lịch. Từ việc quen lặn biển, thả lưới, ngư dân thích ứng với cách làm dịch vụ du lịch.

Bãi Hương nằm xa nhất trong số các khu dân cư ở Cù Lao Chàm. Đến đây dễ dàng nhận thấy nét bình yên, cổ xưa và mộc mạc trong từng lời ăn tiếng nói của bà con. Điều thú vị là rất nhiều gia đình ở Bãi Hương hiện sống dựa du lịch. Một số hộ kèm cả hai nghề.

Chồng thì đêm giong tàu ra biển bắt cá khu vực được cho phép, vợ con ở nhà bán nước dừa, làm lưu trú, bán đồ ăn nhanh cho khách. Không hề ngạc nhiên nếu thấy cảnh ngư dân đứng nói chuyện với khách bằng tiếng Anh đầy tự tin. Sự chuyển đổi, thích ứng của bà con đã bắt nhịp để tạo sinh kế bền vững.

Một cán bộ ở Cù Lao Chàm nói chuyện ngư dân xã đảo đi du lịch nước ngoài không hề hiếm, thậm chí những năm trước dịch COVID-19 có những gia đình đóng cửa dẫn cả nhà đi Hàn Quốc, Nhật Bản... Với những gia đình này, cuộc sống của họ đã rất khác so với ngày xưa.

"Tới nay ở phố cổ Hội An có rất nhiều người kinh doanh du lịch thành đạt, có những đầu bếp thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng. Đa số họ đều đi lên từ đợt vận động chuyển đổi sinh kế, đưa ngư dân từ biển lên bờ được Cù Lao Chàm thực hiện trong giai đoạn 2006 trở đi", ông Nguyễn Minh Đức, phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, khẳng định.

Những "chuyên gia bảo tồn" đặc biệt

Nhiều đoàn khách quốc tế, các trung tâm bảo tồn và cả khách du lịch khi tới Cù Lao Chàm tìm hiểu về nỗ lực bảo tồn thì được tiếp chuyện bởi những "chuyên gia" đặc biệt. Những người này là ngư dân ban đêm đội đèn xuống biển lặn cá, bắt ốc. Ban ngày về lại bận đồ gọn gàng để nói chuyện bảo tồn. Đó là các lão ngư như Nguyễn Tấn Hùng (thôn Bãi Ông), cố ngư dân Trần Xá (mất năm 2017)...

Các cán bộ BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm kể rằng ông Hùng, ông Xá từng nằm trong danh sách các ngư dân phản đối kịch liệt nhất việc nhường biển quanh đảo để bảo tồn. Nhưng sau khi được thuyết phục, chính hai lão ngư này lại ủng hộ hăng hái, tích cực nhất cho công việc của anh em BQL Khu bảo tồn biển.

Ông Xá lúc còn sống cũng từng là một "chuyên gia" địa phương, luôn sẵn sàng tiếp chuyện về khao khát đóng góp cho bảo tồn biển. Cảm động hơn, trước ngày trút hơi thở cuối cùng vì cơn tai biến, ông mời anh em bảo tồn biển cùng người em ruột đang là thợ lặn tới ngồi lại sát nơi mình nằm rồi nắm tay "giao nhiệm vụ" cho em trai phải kế tiếp công việc bảo tồn mà ông dang dở...

-----------------

Từ một xã phải cầm cự mỗi nửa năm biển động bằng những chuyến tàu đưa gạo đất liền ra phát cho dân, chỉ trong thời gian ngắn Cù Lao Chàm đã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Quảng Nam.

Kỳ tới: Từ nghèo đói tới xã có thu nhập bình quân cao nhất tỉnh

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 4: Đưa ngư dân trẻ lên bờ học làm bảo tồn - Ảnh 3.Đến Cù Lao Chàm mùa này, hoa ngô đồng đỏ nở rợp Bãi Làng, Bãi Xếp, Bãi Hương

Những ngày này ra đảo Cù Lao Chàm, Hội An, du khách sẽ thấy cảnh tượng nhiều vạt rừng được chuyển màu đỏ hoa ngô đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên