04/09/2024 14:04 GMT+7

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 1: Đảo xanh từng bị tàn phá để chống đói

Nhìn lại quá trình 15 năm từ ngày UNESCO ghi danh Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhiều tổ chức quốc tế đều thừa nhận rằng Cù Lao Chàm là một điển hình thành công rực rỡ nhờ chọn bảo tồn làm sinh kế.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 1: Đảo xanh từng bị tàn phá để chống đối - Ảnh 1.

Ông Bùi Lô, dân tản cư từ Duy Xuyên ra Cù Lao Chàm tránh chiến tranh, hiện sinh sống ở Bãi Hương bằng nghề đi biển và đón du khách - Ảnh: B.D.

Nhìn lại quá trình 15 năm từ ngày UNESCO ghi danh Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhiều tổ chức quốc tế đều thừa nhận rằng Cù Lao Chàm là một điển hình thành công rực rỡ nhờ chọn bảo tồn làm sinh kế. Không chỉ là nơi đầu tiên "cai" thành công túi ni lông, Cù Lao Chàm còn lập nên nhiều kỳ tích và cũng là nơi có nhiều điều lạ lẫm hiếm thấy ở đâu.

Với 8 hòn đảo nhỏ, trong đó chỉ duy nhất hòn Lao có người sinh sống, Cù Lao Chàm giờ đây như một trung tâm bảo tồn văn hóa, đa dạng sinh học. Ít ai biết rằng 10.000 dân Cù Lao Chàm từng đói, sống chông chênh với gạo cứu trợ và đốn củi trên rừng về bán.

Nguyên bí thư - chủ tịch UBND thị xã Hội An, ông Nguyễn Sự, lấy câu nói cửa miệng ngày xưa để nói về mức độ nghèo khó của dân Cù Lao Chàm: "Đói quanh năm mà ấm no thi thoảng".

"Cơm gắm mắm cà"

Trong khoảng 2.000 dân Cù Lao Chàm hiện nay, có rất nhiều người không phải từ Hội An mà gốc gác từ các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên… chạy bom đạn ra đảo.

Giờ đây, khi nhìn lại quá khứ, nhiều người nói rằng cuộc sống trên đảo nay đã quá khác. Người dân không chỉ được thụ hưởng bầu không khí trong lành, cuộc sống an yên mà có thể kiếm mỗi năm hàng chục triệu đồng mỗi người. Dân Cù Lao Chàm cũng có thu nhập bình quân cao nhất Quảng Nam.

Chúng tôi tìm gặp ông Bùi Lô (62 tuổi), một trong những người theo những con tàu gỗ từ đất liền chạy bom đạn những năm chiến tranh. Nhà ông giờ là cơ sở lưu trú, mỗi ngày vợ ông tiếp khách Tây đến đặt phòng, lên rừng xuống biển trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ trên đảo.

Ông Lô quê gốc Duy Xuyên, năm 1968 theo cha mẹ ra Cù Lao Chàm chạy chiến tranh. Không chỉ ông Lô, nhiều bà con thôn Bãi Hương cũng không phải cư dân xưa của Cù Lao Chàm.

Thực tế nơi này không có cư dân "gốc" mà chỉ những người nơi khác ra sinh sống. Giai đoạn người ra đảo nhiều nhất là năm 1968. Có thời điểm người nêm chật, nhiều túp lều tranh dựng san sát mép nước.

Ông Nguyễn Vinh (xóm Cấm, thôn Bãi Ông) nói rằng có thời điểm ở Cù Lao Chàm đi đâu cũng chạm mặt người. Dân chạy chiến tranh đông quá nên rừng, biển bị khai thác cạn kiệt vẫn chẳng đủ ăn.

"Không ai nghĩ Cù Lao Chàm có phát rừng làm rẫy, có cảnh dân bạt núi để lấy đất trồng củ môn kiếm cái ăn, hái dây mây về bán trong đất liền.

Vậy mà có đấy, nghĩ tới giờ còn kinh. Đói quá phải phá rừng để mà ăn chứ sao? Hồi đó như tui để nuôi mấy đứa con cho no bụng cũng phải đi trồng môn rồi chặt dây mây về phân ra hai loại. Dây mây đỏ thì đưa vào Phan Thiết bán cho bà con bó hũ mắm, còn mây trắng thì bán vào Hội An làm bàn ghế, đồ dùng", ông Vinh nhớ lại.

Theo số liệu từ UBND xã Tân Hiệp, thời điểm nóng bỏng nhất Cù Lao Chàm lên tới 10.000 dân. Đa phần là người các nơi trong tỉnh Quảng Nam di tản chiến tranh.

Cái đói vật vã, nghèo khó triền miên rồi không hiểu từ lúc nào nằm trong câu cửa miệng bà con Cù lao Chàm: "Cù Lao ăn cơm gắm mắm cà. Trầu rừng cau rễ, hỏi anh đà có biết không?".

Trong bối cảnh rừng, biển bị khai thác cạn kiệt để tìm cái ăn, cuộc sống quá kham khổ nên sau đó lại có dòng người từ Cù Lao Chàm lũ lượt bồng bế nhau hồi hương. Họ lên tàu gỗ trở về Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An… - nơi có đám ruộng, có con trâu, luống khoai để có cái ăn.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 1: Đảo xanh từng bị tàn phá để chống đối - Ảnh 2.

Những bãi tắm sạch đẹp như tranh ở Cù Lao Chàm - Ảnh: B.D.

Ký ức buồn về những chuyến tàu cứu đói

Lục lại tư liệu cũ từ ngày còn gồng gánh để chia khó với Cù Lao Chàm, nguyên bí thư - chủ tịch UBND thị xã Hội An, ông Nguyễn Sự, nói rằng giờ đây trong các buổi trò chuyện về chính sách phát triển địa phương, định hướng tầm nhìn dài hạn thì câu chuyện Cù lao "cơm gắm mắm cà" vẫn được kể để nhắc nhớ nhau rằng nếu không có chính sách đúng thì rừng biển nào rồi cũng sẽ cạn.

Chỉ khi sống biết nương theo tự nhiên, biết đặt tầm vóc thiên nhiên đúng giá trị thì mới tạo ra điều bền vững.

Câu chuyện no ấm của dân đảo hiện nay cũng là hình ảnh giàu sức sống minh chứng cho thấy phép màu đổi thay nhờ du lịch. Và để có du lịch thì Cù Lao Chàm trải qua một cuộc "trường chinh" vận động toàn dân dưỡng sức cho biển, rừng để làm bảo tồn.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 1: Đảo xanh từng bị tàn phá để chống đối - Ảnh 3.

Những tàu cá ở Cù Lao Chàm năm 2009 - Ảnh: NGUYỄN VĂN VŨ

"Dân Cù Lao Chàm xưa đói kinh lắm. Câu nói "Đói quanh năm mà ấm no thi thoảng" người ta nói về dân đảo là vì thế. Cũng phải thôi chứ ở trên đảo không giống đất liền, muốn canh tác cũng đâu có đất, xuống biển thì người đông quá, tôm cá đâu cho đủ", ông Sự nói.

Là người trải qua những giai đoạn cùng cực nhất với dân Cù Lao Chàm, ông Sự nói giờ tuyến luồng Cửa Đại đưa ca nô tàu thuyền ra vào đảo tấp nập từng là tuyến đường thủy cho những con tàu cứu đói ngày xưa.

Có hai loại tàu cứu đói lúc đó: một là tàu gỗ 22CV chở gạo cấp phát cho dân từ Hội An ra đảo, hai là những con tàu nhỏ chòng chành như lá tre trên sóng cả đưa từng đoàn người và củi gỗ đốn được trên rừng vào đất liền bán cho dân Hội An.

Sự bĩ cực của dân Cù Lao Chàm kéo dài tận tới cuối những năm 1990. Để đủ gạo cho dân, Hội An lúc đó phải dùng con tàu gỗ 22CV của đơn vị khai thác yến sào để kiêm nhiệm vụ chở gạo ra đất liền cứu đói cho dân đảo.

Mỗi lần tàu xuất hiện, bà con đứng vây chặt trên bờ đợi tới lượt mình. Thời điểm đó, đa phần tàu của bà con chỉ 5 - 7CV, vậy mà con tàu tiếp lương lại to gấp nhiều lần, đủ để thấy mức độ khó khăn của dân đảo.

Theo ông Sự, dân Cù Lao Chàm hồi đó sợ nhất là mùa mưa. Do đảo cách xa đất liền (hiện nay đi ca nô mất chừng 20 phút), tàu thuyền lúc đó quá nhỏ nên mỗi lần ra vô bờ nhanh nhất cũng mất 6 tiếng. Nhưng đó là vào những ngày nắng đẹp.

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 1: Đảo xanh từng bị tàn phá để chống đối - Ảnh 4.

Một xóm nhà dân ở Cù Lao Chàm - Ảnh: NGUYỄN VĂN VŨ

Ở Cù lao Chàm gió chỉ cần giật cấp 5, cấp 6 trở đi là mọi hoạt động ra vào cảng đều dừng. Có thời điểm mưa gió kéo dài, dân không đủ gạo ăn, đói vật vã khiến chính quyền phải tìm mọi cách đánh liều nương tàu chở từng bao gạo nhỏ ra tiếp ứng.

Mãi sau này, nhận thấy tình hình riết như vậy không ổn, Hội An đã nghĩ ra một cách khá tiện dụng. Đó là biến các đơn vị quân đội đứng chân trên đảo thành những "kho lương" cứu đói cho bà con.

Tranh thủ những ngày thời tiết tốt, những con tàu chuyên chở gạo đưa gạo dự phòng từ đất liền ra cấp đầy kho lương bộ đội.

Số gạo này được giao cho chỉ huy quản lý, bình thường bộ đội cứ dùng, nhưng tới khi có lệnh của bí thư - chủ tịch thị xã Hội An thì phải xuất cấp đưa xuống cho dân. Nhờ vậy mà bà con trên đảo bớt đói, bớt ám ảnh mỗi mùa mưa bão khi tàu thuyền không ra vào được.

Hòn đảo tiền tiêu

Theo ông Nguyễn Minh Đức - phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), sau một giai đoạn dân tản cư các nơi ra đảo để chạy chiến tranh thì từ khoảng những năm 2000 trở đi dân số ở Cù Lao Chàm đi vào giai đoạn ổn định và hiện duy trì quanh mốc 2.000 người.

Cù Lao Chàm hiện có 8 đảo, trong đó hòn Lao là nơi duy nhất có người sinh sống. 65% dân hiện nay sống bằng du lịch và thương mại dịch vụ, 25% khai thác đánh bắt thủy sản gần bờ.

Dù chỉ một cụm đảo nhỏ nhưng chứa trong mình những giá trị to lớn về văn hóa, tự nhiên. Cù Lao Chàm từng là nơi dừng chân nghỉ ngơi, lấy nước ngọt của các tàu buôn trong quá trình cập cảng thị Hội An xưa. Nơi này cũng từng phát hiện nhiều di chỉ Chămpa, những lò nung thủy tinh, các nghề cổ...

****************

Ngày 4-12-1999, Hội An vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO, đánh dấu bước ngoặt lớn. Nhưng trước đó nhiều năm, chính quyền đã chuẩn bị nền tảng đón du lịch bùng nổ.

>> Kỳ tới: Du lịch hồi sinh Cù Lao Chàm

Kỳ tích Cù Lao Chàm - Kỳ 1: Đảo xanh từng bị tàn phá để chống đối - Ảnh 3.Đến Cù Lao Chàm mùa này, hoa ngô đồng đỏ nở rợp Bãi Làng, Bãi Xếp, Bãi Hương

Những ngày này ra đảo Cù Lao Chàm, Hội An, du khách sẽ thấy cảnh tượng nhiều vạt rừng được chuyển màu đỏ hoa ngô đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên