03/08/2024 09:45 GMT+7

Giữ cua đá ở lại Cù Lao Chàm

Cụm đảo nhỏ hơn 2.000 dân ở Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) từ lâu khách đến không chỉ bởi thương hiệu đảo không túi ni lông mà còn có nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó có món cua đá.

Những con cua đá Cù Lao Chàm đủ điều kiện bán đều có tem trên lưng - Ảnh: B.D.

Những con cua đá Cù Lao Chàm đủ điều kiện bán đều có tem trên lưng - Ảnh: B.D.

Do số lượng cua có hạn, sinh sống trên phạm vi nhỏ hẹp nên để bảo tồn giống cua quý, chính quyền Hội An đã áp dụng quy định độc đáo như cấp phép cho người đi khai thác, đeo tem trên lưng từng con cua.

Cù Lao Chàm mùa cấm bắt cua

Sáng 2-8, ông Trần Công - tổ trưởng Tổ bảo vệ và khai thác cua đá Cù Lao Chàm - không ở nhà cân đo để dán tem truy xuất nguồn gốc các con cua được bà con mang đến mỗi sáng như thường làm. Thay vào đó ông Công cùng vợ đi bán đồ lưu niệm cho khách du lịch kiếm thêm thu nhập.

Theo thông báo của ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và UBND xã Tân Hiệp, từ ngày 1-8 cho tới 1-3 năm sau, lệnh cấm khai thác cua đá trên các đảo có hiệu lực. Mọi hành vi tìm kiếm, khai thác và buôn bán loài cua riêng biệt của Cù Lao Chàm trên xã Tân Hiệp sẽ bị xử lý. Thông tin được phổ biến đến từng hộ dân, được phát trên loa phóng thanh của xã.

Tính tới tháng 8 này, toàn xã Tân Hiệp có 40 người nằm trong danh sách tổ bảo vệ và khai thác cua đá. Đây là mô hình tổ chức khai thác nguồn lợi tự nhiên rất đặc biệt, được sinh ra từ sự đồng thuận của bà con địa phương nhằm giữ cua đá tồn tại lâu dài trên các đảo nổi.

Ông Trần Công cho biết trong thời gian không có lệnh cấm thì ban đêm các thành viên sẽ cầm theo giỏ, đầu rọi đèn pin để luồn vào rừng, khe suối, hốc đá quanh các hòn đảo như Hòn Dài, Hòn Lao, Hòn Lá, Hòn Mồ… để bắt cua. Trong số này Hòn Lao là nơi có lượng cua nhiều nhất.

Điều thú vị tạo nên sự khác biệt trong cách thức khai thác, thu lợi từ nguồn cua đá tự nhiên ở Cù Lao Chàm là người dân chọn cua lớn, đủ kích cỡ theo quy định để đánh bắt. Khi vào rừng, ngoài dụng cụ thì bà con còn mang theo một cây thước. Con cua bắt lên sẽ đo phần mai (lưng). Nếu đạt từ 7cm trở lên thì bỏ vào giỏ đưa về bán, nếu nhỏ hơn sẽ thả lại tự nhiên.

Giữ cua đá ở lại Cù Lao Chàm- Ảnh 2.

Bắt cua đá ban đêm tại Cù Lao Chàm - Ảnh: PHAN CÔNG SANH

Ngân hàng cua đá

Ở Cù Lao Chàm từ lâu có một địa chỉ cân đo, xác nhận kích cỡ và dán tem cho những con cua đá khai thác được sau một đêm. Đó là tại nhà của các thành viên trong tổ bảo vệ và khai thác cua đá nơi này.

Vào rạng sáng, những giỏ cua bắt trong đêm được đưa về đây để trải qua khâu "kiểm nghiệm, sàng lọc". Trong khoảnh sân nhỏ, những chiếc rọ sắt được đặt trên nền đất, đứng bên là người bắt.

Từng con cua được lôi ra khỏi rọ, người phụ trách sẽ dùng thước đặt dọc lưng. Con nào mai từ 7cm trở lên sẽ được dán tem.

Từ đây, cua được mang đi bán tới các nhà hàng, các quầy hải sản biển phục vụ khách du lịch và được xem là cua hợp pháp. Những con cua không có tem đeo trên lưng là cua "lụi", sẽ bị tịch thu hoàn trả về tự nhiên.

Rất nhiều khách du lịch khi ra Cù Lao Chàm gọi món cua đá để thưởng thức, thấy đĩa cua luộc chín còn dính miếng tem to tướng trên lưng thì không khỏi bất ngờ. Biết đây là một trong những quy định bắt buộc tại Cù Lao Chàm để phục vụ bảo tồn nên nhiều người trầm trồ.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết do phạm vi sinh sống nhỏ hẹp, trong khi dân số đông và mỗi ngày có hàng ngàn khách du lịch ra đảo, nguồn cua đá ở đây luôn đối diện với nguy cơ cạn kiệt.

Ngày trước việc khai thác cua gần như thả nổi. Lúc đó du lịch chưa phát triển nên bà con chủ yếu bắt để ăn hằng ngày. Từ năm 2009, khi Cù Lao Chàm được UNESCO đưa vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chính quyền và đơn vị bảo tồn bắt đầu bàn siết lại việc khai thác cua.

Giữ cua đá ở lại Cù Lao Chàm- Ảnh 3.

Cua đá trước khi bắt lên được đo kích cỡ chiều dọc mai theo quy định

Không chỉ cua, tôm hùm, các loài cá quý… đều có chương trình hạn chế khai thác riêng để bảo vệ giống nòi, đặc biệt là các lệnh cấm khai thác trong mùa sinh sản.

Trong năm 2009, nhóm Cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá ra đời với 18 người. Tới năm 2013 được chính thức hoạt động bài bản hơn với tên gọi Tổ bảo vệ và khai thác cua đá Cù Lao Chàm.

Ông Phan Công Sanh - cán bộ bảo tồn ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - cho biết thời điểm đó việc chọn ra những người vào tổ bảo vệ khai thác cua cũng khá đau đầu. Làm sao để bà con đồng thuận, chấp hành là cả thời gian dài. Cuối cùng 18 người được chọn. Ai được đi bắt cua sẽ không được làm các dịch vụ khác như chạy xe ôm… nhằm nhường việc cho bà con khác.

Dưới sự quản lý, giám sát của chính quyền, trực tiếp là Hội Nông dân xã Tân Hiệp, các thành viên phân chia nhau vị trí để đêm xuống rọi đèn ra các hòn đảo bắt cua. Cua sau khi đưa về thì được anh em trong tổ giám sát chéo, đo kích thước rồi dán tem để bán ra thị trường. Người được vào tổ đánh bắt cua đá cũng có trách nhiệm giám sát, ngăn chặn các hành vi xâm hại tới nguồn cua trên đảo.

Giữ cua đá ở lại Cù Lao Chàm- Ảnh 4.

Con cua đá với bụng đầy trứng trong mùa sinh sản - Ảnh: PHAN CÔNG SANH

Nhờ cách làm này, nguồn cua đá ở Cù Lao Chàm được giữ ổn định dù dân số và du lịch liên tục bùng nổ. Cua tự nhiên cũng đem lại nguồn sống cho bà con, có thời điểm giá cua đá lên tới 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Một người dân vào mùa khai thác tập trung có thể kiếm được một khoản thu nhập lớn. Nhiều năm qua như đã thành quy định, cứ từ 1-8 đến 1-3 năm sau, việc khai thác được ngưng hẳn để nhường rừng cho cua sinh sản.

Để giữ gìn nguồn cua bền vững hơn, Cù Lao Chàm còn có hẳn các "ngân hàng cua đá" đặt hoàn toàn ngoài các hòn đảo. Ở đây, theo từng giai đoạn thì cua được bảo vệ tuyệt đối để gầy đàn. Các hoạt động khai thác đều bị cấm. Từ tháng 10-2016 đến tháng 8-2019, Hòn Dài được thiết lập để mở ngân hàng cua đá. Nhờ vậy suốt trong ba năm đó, lượng cua ở đây liên tục tăng, góp phần gầy đàn bổ sung cho các nơi khác…

Sau nhiều năm duy trì mô hình khai thác, bảo vệ cua đá được đánh giá rất thành công, vài năm gần đây số phận đàn cua đá ở Cù Lao Chàm đối diện nguy cơ sụt giảm do lủng củng trong cách quản lý.

Kết quả khảo sát mới được thực hiện gần đây cho thấy từ năm 2021-2023 số lượng cua giảm 33%. Hiện nay, số lượng cá thể cua đá ước tính còn lại ở Cù Lao Chàm khoảng 19.600 con, trong đó khu vực Hòn Dài giảm nhiều nhất (72,4%). Dù chỉ là con số khảo sát mang tính thời điểm nhưng cũng là điều đáng lo.

Ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng nguyên nhân sụt giảm được xác định do mô hình quản lý khai thác thay đổi dẫn đến việc thiếu nhất quán trong cách thức, ý chí bảo vệ đàn cua trên đảo.

Một phần khác, từ sau đại dịch COVID-19 tới nay xuất hiện nhiều người tự ý vào khai thác cua. Họ sử dụng dụng cụ dẫn dụ cua hiện đại, khai thác cả cua non rồi đem bán đại trà. Trong khi đó việc xử phạt ngày càng gặp nhiều khó khăn do yếu hành lang pháp lý.

Để thiết lập kỷ cương và giữ nguồn cua đá cho đảo, Hội An đang yêu cầu các đơn vị tham mưu các quy định, tổ chức lại mô hình quản lý nhằm hiệu quả hơn trong bảo tồn.

Cua đá Cù Lao Chàm có tên khoa học là Gecarcoidea lalandii, sống chủ yếu trong hốc hang đá, di chuyển leo trèo rất linh hoạt so với các giống cua khác. Với nguồn thực vật phong phú, cua đá Cù Lao Chàm được đánh giá là nguồn thực phẩm quý, cua ở vùng này cũng mang hương vị khác.

Ở thời cao điểm, mỗi kg cua đá được bán từ 1,5 - 2 triệu đồng, tuy nhiên hiện chỉ duy trì quanh mốc 800.000 đồng/kg.

Bài học từ Cù Lao ChàmBài học từ Cù Lao Chàm

Bình quân mỗi ngày Cù Lao Chàm có đến 500 du khách tới tham quan và lưu trú. Dịp cuối tuần, du khách ra đảo có thể lên gần 1.000 lượt mỗi ngày.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Cù Lao Chàm cua đá