27/06/2019 17:30 GMT+7

Kỳ thi THPT Quốc gia: 'Nghiêm túc, nhẹ nhàng, sự cố nhỏ'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Chiều 27-6, Bộ Giáo dục và đào tạo họp báo, đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nghiêm túc và nhẹ nhàng.

Kỳ thi THPT Quốc gia: Nghiêm túc, nhẹ nhàng, sự cố nhỏ - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và đào tạo, tại cuộc họp báo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi tại 1.980 điểm thi, với trên 38.000 phòng thi. Gần 50.000 cán bộ, giảng viên được huy động từ 216 đại học, học viện, trường cao đẳng, đại học. Tỉ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99%.

Có 79 thí sinh và 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật vì vi phạm quy chế.

Ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, đánh giá cao nỗ lực chung của các địa phương trên cả nước trong việc chuẩn bị, tổ chức kỳ thi với những điểm mới được bộ quy định nhằm siết chặt kỉ cương kỳ thi.

Ông nhấn mạnh những câu chuyện cảm động của các lực lượng xã hội, các nhà trường, sinh viên tình nguyện đã hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh, như câu chuyện cán bộ công an, sinh viên tình nguyện đến tận nhà đón thí sinh đến điểm thi như Tuổi Trẻ đã đăng tin.

Ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và đào tạo, cho biết kỳ thi năm nay đã tăng cường việc kiểm soát trên diện rộng với nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra lưu động trên diện rộng. 

Về cơ bản, các điểm thi trên cả nước đã thực hiện tốt quy chế, đặc biệt là những điểm mới lần đầu tiên quy định ở khâu coi thi như việc giám thị bốc thăm nhận phòng thi đầu các buổi thi, bốc thăm chọn phương án phát đề thi, bảo mật chặt chẽ hơn trong các khâu niêm phong, bàn giao bài thi, bảo quản bài thi.

Bộ cũng thừa nhận còn có một số sự cố nhỏ như phát nhầm đề thi, in sao sai mã đề thi khiến thí sinh phải làm bài muộn.

Kỳ thi THPT Quốc gia: Nghiêm túc, nhẹ nhàng, sự cố nhỏ - Ảnh 2.

Thí sinh hoàn thành bài thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: CHU HÀ LINH

Ông Mai Văn Trinh cho biết, dù tập huấn kỹ, vẫn có những trường hợp cán bộ coi thi chưa làm đúng quy định.

Tại Phú Thọ, một thí sinh chụp đề thi gửi ra ngoài nhưng giám thị không phát hiện ra.

Tại Lào Cai, hai cán bộ ký nhầm vào ô chấm thi, nhưng khi phát hiện lại tự xử lý bằng cách cho thí sinh thay giấy thi, vi phạm quyền lợi của thí sinh.

Tại Sơn La có trường thí sinh ghi số báo danh không đúng quy cách, sau nửa thời gian làm bài giám thị mới bắt thí sinh làm lại bài.

Ban chỉ đạo thi quốc gia đã đề nghị ban chỉ đạo thi các địa phương xử lý theo hướng đình chỉ coi thi với các giám thị trên, đình chỉ thi với thí sinh tại Phú Thọ. Trường hợp thí sinh ở Lào Cai, Sơn La, Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định chỉ đạo tổ chức cho các thí sinh thi lại môn thi gặp sự cố vào chiều ngày 27-6 để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc kiểm soát, xử lý tiêu cực có thể phát sinh ở khâu chấm thi, ông Mai Văn Trinh khẳng định thông điệp của Bộ Giáo dục và đào tạo trong kỳ thi năm nay là không dung túng với bất cứ sai phạm nào. Ông nói: "Nhiều thí sinh mong muốn có một kỳ thi nghiêm túc. Mong rằng với tinh thần đó, gian lận sẽ được phát hiện và sẽ xử lý nghiêm túc".

Về vụ việc thí sinh làm lọt đề thi ra ngoài ở Phú Thọ, ông Mai Văn Trinh cho biết việc đình chỉ coi thi hai cán bộ chỉ là xử lý tức thời, khi kỳ thi đang diễn ra. Sự việc vẫn đang tiếp tục điều tra, nếu có những diễn biến mới, gây hậu quả nghiêm trọng hơn thì có thể sẽ cân nhắc mức kỷ luật nghiêm khắc hơn.

Đề thi dễ, vì sao?

Một số ý kiến cho rằng, đề thi năm nay dễ hơn, liệu có phải vì Bộ Giáo dục và đào tạo sử dụng 70% tổng điểm xét tốt nghiệp là điểm kỳ thi, nên "dễ" để tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước cao không? Một số ý kiến cho rằng bài thi tổ hợp khoa học xã hội dễ hơn khoa học tự nhiên thì sẽ không công bằng với những thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên.

Ông Mai Văn Trinh phân tích trước đây có hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, còn hiện nay chỉ có một kỳ thi với mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh đã hoàn thành chương trình THPT. Nếu kết quả này đáng tin cậy, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Và trên thực tế, đa số các trường đều sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Đề thi phải bám sát mục tiêu này.

Ông phủ nhận đánh giá cho rằng đề thi khoa học xã hội dễ hơn khoa học tự nhiên, và khẳng định bài thi nào cũng có các nhóm dễ và khó hơn, sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó.

Trao đổi bên lề, một thành viên ban chỉ đạo thi của Bộ Giáo dục và đào tạo cũng cho rằng: Việc lựa chọn bài nào lệ thuộc vào năng lực của thí sinh thiên về nhóm khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và mục đích xét tuyển đại học - cao đẳng. Nhưng với mục tiêu "xét tốt nghiệp", bài thi nào cũng đảm bảo độ khó vừa đủ để đạt mục đích này.

2.000 người chấm thi ở TP.HCM, phòng chấm thi lắp ít nhất 3 camera 2.000 người chấm thi ở TP.HCM, phòng chấm thi lắp ít nhất 3 camera

TTO - 12h30 trưa nay 27-6, tất cả bài thi ở TP.HCM đã được chuyển về hội đồng chấm thi. Số lượng cán bộ tham gia công tác chấm thi tại thành phố là 2.000 người.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên