22/09/2013 09:05 GMT+7

Kỳ 4: Chiếc canô của người tù 5289-20TF

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Đó chỉ là một chiếc xuồng cứu sinh trên chiếc tàu Nhật bị đắm trôi dạt vào đảo, hỏng máy. Bàn tay thợ máy lành nghề của Tôn Đức Thắng, dù khi ấy đã 57 tuổi, khôi phục được sau một tuần mày mò trong điều kiện thiếu thốn dụng cụ của đảo. Tiếng máy nổ giòn đánh thức niềm tự hào thủy thủ.

Kỳ 1: Từ Côn Đảo về với Nam bộ kháng chiến Kỳ 2: Ghe bầu vượt biển Kỳ 3: Côn Đảo tự do

a9NLboXc.jpgPhóng to
Mô hình chiếc canô Giải Phóng ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng - Ảnh: Tự Trung

Không ngần ngại biển khơi mùa gió, ông xuống canô, tự tin cầm lái. Những người đồng đội thân thiết cũng cùng xuống canô với ông: Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Vịnh, Lã Vĩnh Lợi, Trần Diệp, Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước.

Đất liền

Bao nhiêu háo hức, hạnh phúc, ngoái đầu nhìn lại đảo, cúi người xuống làn nước xanh thẳm không khỏi ngậm ngùi. Nơi ấy ông Hai Thắng đã trải qua 15 năm, hàng ngàn ngày sống chết, bao nhiêu đồng đội, đồng chí đã nằm lại trong đau đớn, bao người đã trả giá bằng sinh mạng cho ước mơ vượt Côn Đảo. Chiếc canô lướt sóng thay cho tất cả họ.

Cảm giác phơi phới, thanh thản giữa trời nước không kéo dài được bao lâu. Mặt biển thoáng chốc đã tối sầm lại. Gió dữ dội. Mưa như trút. Canô chao đảo. Cả đoàn ghe cũng hạ buồm đứng lại, chỉ chiếc tàu Phú Quốc còn đủ sức rẽ sóng. Sau này ông Trần Diệp (tức Khuê - PV), nhớ lại: “Ngày ấy tôi còn là một thanh niên mới 20 tuổi, nhờ sức trẻ, còn bác Tôn thì nhờ là một thủy thủ dày dạn. Sóng lắc một đỗi thì cả đoàn đi canô chỉ còn hai bác cháu là không say sóng. Tôi tát nước ra ngoài, bác Tôn giữ chặt tay lái, canô như chiếc lá me trôi trên biển. Những người khác say sóng nằm ngổn ngang. Sinh mạng, khát vọng của cả chục người giao phó cho kinh nghiệm đi biển của bác Tôn”.

Tôn Đức Thắng đã chứng minh mình là một thủy thủ lão luyện. Mấy giờ vật lộn với sóng gió, chiếc canô vẫn nổ máy giòn đều, vẫn giữ được thăng bằng dù có lúc đã chồm lên như một con ngựa bất kham. Khi gió lặng, mọi người có đủ sức ngồi dậy thì ông Hai Thắng phát hiện chiếc la bàn trên canô đã bị sóng cuốn bay. Nhìn xung quanh biển mịt mùng, đoàn ghe lẫn chiếc tàu Phú Quốc mất hút, không ai khỏi lo lắng. Không biết bao nhiêu thời gian mất phương hướng đã trôi qua, chợt tiếng ông Hai Thắng reo lên: “Có rồi, tụi bay ơi”. Ông rút trong túi ra chiếc bút máy: trên đầu nắp bút có chiếc la bàn nhỏ xíu. Nó vẫn chạy tốt. “Thật đúng là chết đuối vớ được cọc”, ông Nguyễn Hùng Minh hể hả kể. Tay lái đã bẻ được hướng về đất liền.

“Vừa đi, bác Tôn vừa hướng dẫn cho chúng tôi những dấu hiệu của đất liền”, mấy mươi năm sau ông Trần Diệp vẫn nhắc tỉ mỉ từng chi tiết. Một cánh chim ngang trời, một cành cây trôi dạt “là gần tới đất rồi đó nha”. Và nhất là màu nước biển: “Hễ thấy nước đục rồi dần chuyển sang màu bã trầu là tới đất rồi, mà là đất mình chớ không phải đất ai đâu nha bay”. Nỗi háo hức ấy chẳng mấy lúc đã được đền đáp. Từng người một trong đoàn cứ chăm chú nhìn xuống nước rồi dõi tới chân trời và lần lượt reo lên: “Thấy nước đục rồi”, “Đất ở kia rồi anh em ơi”...

Lát sau đã thấy những lùm cây, bãi cát và những hàng người. Người đông đặc đứng trên bờ biển như những bức tường sống. Đã nhìn thấy những lá cờ đỏ sao vàng, nhưng bên cạnh lại có cả những lá cờ thật lạ: cờ vàng sao đỏ (cờ của lực lượng Thanh niên tiền phong - PV), cờ màu già (cờ của giáo phái Hòa Hảo - PV), cờ trắng có chữ thập đỏ (cờ của Tổ chức Chữ thập đỏ - PV). Một phút ngần ngại, cảnh giác mau chóng qua đi khi trên bờ vọng đến tiếng hoan hô như sấm dậy: “Hoan hô Việt minh! Hoan hô chính trị phạm!”...

“Đúng là đất ta rồi!”, bước chân của những người luôn coi thường mọi hiểm nguy chợt run rẩy, nước mắt lại chực trào ra. Các má chạy đến ôm lấy những thân hình gầy guộc, xoa lên đầu tóc lởm chởm. Đến lúc đó mới biết đây là cửa biển Mỹ Thanh thuộc huyện Long Phú, Sóc Trăng. Chiếc tàu Phú Quốc và đoàn ghe bầu, cái trước cái sau đều cập bến Đại Ngãi, cũng cùng huyện Long Phú, Sóc Trăng trong buổi tối hôm đó, 23-9-1945.

Mười mấy người trên canô được dân xóm chài Mỹ Thanh tiếp đón. Bữa cơm nóng đầu tiên chưa dứt, đêm chưa tan thì loa báo tin: quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, đồng bào chuẩn bị chiến đấu. Mờ sáng, Tôn Đức Thắng vẫn còn mặc nguyên bộ quần áo tả tơi mang số tù 5289-20TF lại xuống canô chạy ra Đại Ngãi rồi trở lên Sóc Trăng. Hội ngộ với anh em ít phút, ông lại tất tả xuống canô đến Cần Thơ rồi tức tốc qua Mỹ Tho để kịp họp với Xứ ủy ngày 25-9. Lúc này mới thay được bộ đồ của dân thường.

Trên đường đi Mỹ Tho, ông ghé ngang nhà mình ở Vĩnh Kim, hội ngộ với vợ con được vài giờ rồi vội vã đi trước khi trời sáng. Ấy là cuộc hội ngộ sau 17 năm tù đày biền biệt.

HdKD7NGS.jpgPhóng to
Bác Tôn và gia đình hội ngộ tại Hà Nội tết 1956 - Ảnh tư liệu

17 năm và 1 đêm

Sau này khi đã là chủ tịch nước, bác Tôn và gia đình của mình cũng rất ít khi nhắc đến chuyện riêng tư, nhưng chuyến công tác đặc biệt ngày đầu Nam bộ kháng chiến này lại có nhiều đồng chí đi cùng. Ai cũng cảm động kể lại chuyện ông Hai Thắng về nhà lúc chập tối rồi thông báo hết đêm sẽ phải đi ngay. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ghi lại: “Bác gái đang đi bắt gà ở xóm trên, nghe tin chồng bươn bả chạy về nhà, buông cả mấy con gà đã trả tiền rồi xuống dọc đường. Bà con chòm xóm kéo đến chật nhà. Bác trai ngồi trên bộ ván dầu. Bác gái nhìn chồng đã xa 17 năm, nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ đứng ôm cột nhà mà khóc”...

Câu chuyện giữa hai vợ chồng ông về 17 năm xa cách, cả hai chưa kịp nghe hết, kể hết, chỉ cùng nhận ra người đi đày, người ở nhà đều gầy đen, quắt queo trong khổ cực. Bà không kể những nỗi khi một mình phải xoay xở hết chăn nuôi, trồng vườn, buôn bán đến làm thuê làm mướn tận Nam Vang (tức Phnom Penh, Campuchia - PV) để nuôi con, không kể nỗi đau khi con gái lớn phải nghỉ học phụ mẹ gói bánh tét mang ra chợ, con trai út bệnh không thang thuốc kịp phải lìa đời khi mới vừa 3 tuổi. Bà chỉ kể những lần lặn lội đi tìm khi nghe tin đồn ông vượt Côn Đảo trở về, những lần cắn răng lắc đầu khi nghe người này người kia khuyên viết thư cho chính quyền xin cho ông về kèm điều kiện cộng tác với Pháp, Nhật. Ông chỉ kịp ôm hai cô con gái vào lòng để nhận ra cả hai đã không còn là những cô bé vẫn cưỡi trên lưng cha xưa kia nữa.

Chuyện chưa hết thì ông đã lại phải xuống xuồng, lại bắt đầu một chuyến đi không biết khi nào trở lại. Ông chỉ biết cầm tay vợ, nghẹn ngào an ủi: “Việc nước vẫn là chính em ạ. Việc nhà là phụ. Em ở nhà phải thay anh dạy dỗ các con nên người. Người vợ như em anh biết sống thế nào để đền đáp?”. Phút ấy bà lại thật rắn rỏi: “Anh đi mạnh giỏi, đó là cho mẹ con em tất cả rồi”.

Sau này khi đứng trên bục giảng, giáo sư sử học Trần Văn Giàu đã viết lại câu chuyện này: “Sách xưa kể chuyện vua Thuấn đi trị thủy qua nhà ba lần mà không vào. Gương sáng muôn đời. Cụ Tôn Đức Thắng bị tù đày 17 năm, trở về thăm vợ con chưa trọn một đêm, lao vào cuộc kháng chiến lại năm bảy lần đi công tác ngang nhà mà không ghé nghỉ. Việc nước việc dân là cần kíp hơn. Chuyện vua Thuấn xưa so với chuyện cụ Tôn chưa thấm vào đâu, đều nêu gương sáng vì nước quên nhà vậy”.

Năm 1946, ông Tôn Đức Thắng được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Bắc nhận công tác. Mãi đến 1954, tổ chức mới đưa được vợ ông ra Hà Nội trên một chuyến tàu tập kết. Họ thật sự hội ngộ sau 26 năm, ông đã giữ được lời hứa “mạnh giỏi” với bà.

Cùng với bác Tôn đi vào cuộc kháng chiến trên bước chân vừa cởi xiềng Côn Đảo ấy còn có 2.000 đồng đội nữa.

______________

Kỳ tới:Ký ức Sóc Trăng

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên