20/09/2013 11:01 GMT+7

Kỳ 2: Ghe bầu vượt biển

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ông Tưởng Dân Bảo tìm đến tiệm bán máy móc, phụ tùng của ông Lý Văn Chương ở đại lộ De La Somme (nay là đường Hàm Nghi - PV). Ông Lý Văn Chương là người buôn bán khắp Nam kỳ lục tỉnh, quen biết tất cả thủy thủ, hoa tiêu ở cảng Sài Gòn, am hiểu các loại tàu ghe, lại chất phác, thật thà, yêu nước, ủng hộ chính quyền cách mạng. Nghe qua tình hình, Lý Văn Chương quả quyết: “Về quê tôi, Gò Công...”.

Kỳ 1: Từ Côn Đảo về với Nam bộ kháng chiến

UNClimJh.jpgPhóng to
Đài tưởng niệm chuyến tàu vượt sóng đưa đoàn tù chính trị Côn Đảo trở về, ngay bến sông Đại Ngãi (Sóc Trăng) - Ảnh: Tự Trung

Dân chài theo cách mạng

Trong bản tự thuật về sự kiện đón tù chính trị Côn Đảo của ông Lý Văn Chương còn lưu tại Bảo tàng Lịch sử Hà Nội có những dòng say sưa viết về chiếc ghe quê mình: “Tôi nhận thấy chỉ có những loại ghe biển đánh cá, mũi đỏ nhọn như loại ghe của ngư dân ở ấp Vàm Láng, xã Kiến Phước, tỉnh Gò Công mới có khả năng đảm bảo. Ghe mũi nhọn, nhỏng cao lên, đuôi thì bầu. Sóng lớn đánh vào mũi nó cứ lách mình chạy tới. Nó đã được nhiều lần thử thách, gặp gió lớn hay bị bão trôi đi có khi tận đến Phi Luật Tân, Nam Dương, Xiêm La mà còn trở về được. Từ đất liền đến Côn Lôn, xa hơn 120km đường chim bay, tháng này có gió nồm nam vào buổi chiều, khi trở về sẽ xuôi buồm, sử dụng loại ghe biển đó sẽ thuận lợi”.

Ý kiến của ông Chương mau chóng được chấp nhận. Ông Tưởng Dân Bảo cũng mau chóng báo cáo lên trên rằng ông Chương là người trách nhiệm và tâm huyết trong công việc quan trọng liên quan đến sinh mệnh hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, liên quan đến bước đi của cuộc kháng chiến sắp tới này.

Ngày 6-9, hai ông cùng lên xe chạy thẳng xuống Gò Công, xuống bến Vàm Láng, xã Kiến Phước. Hôm ấy biển động, ghe đậu tại bến, thủy thủ ngồi la liệt trên bờ. Ông Tưởng Dân Bảo đứng ra trình bày tình hình, lý do và đề nghị các chủ ghe, các thủy thủ đóng góp công sức của mình để giúp giải thoát cho những người tù chính trị. Vốn kiến thức về chủ nghĩa cộng sản và công tác dân vận học được trong tù đã giúp ông thuyết phục được những ngư dân vừa biết mình có quyền làm chủ đất nước của một nước độc lập. Các chủ ghe còn nhiều ngần ngại nhưng tài công, thủy thủ lại quyết chí xung phong thực hiện nhiệm vụ. Không bao lâu, 50 chiếc ghe cùng thủy thủ đã thuận lòng vượt biển.

Lại hội ý, và lần này thì có rất nhiều người chuyên đứng đầu sóng ngọn gió cùng bàn luận. Họ tìm một hướng đi an toàn nhất và nhanh nhất. Gió đang thổi ngược từ biển vào bờ. Xuất phát ngay từ Vàm Láng sẽ ngược hướng gió, mất thêm ngày giờ. Tất cả thống nhất sẽ theo đường sông, ra biển từ cửa Định An (Sóc Trăng) hoặc Cồn Lợi (Trà Vinh).

Ông Trần Văn Giàu lại ký thêm giấy phép để ông Bảo, ông Chương đến cảng Sài Gòn mượn hai chiếc tàu kéo, kéo đoàn ghe chạy mau theo sông Cồn Lợi ra biển. Các khoản tiền nhà, tiền huy động được, hai ông lại đôn đáo đi mua củi, gạo, nước ngọt, cá khô, hột vịt muối chất xuống ghe mang ra tiếp tế cho Côn Đảo.

Ở cảng Sài Gòn còn lại chiếc tàu Phú Quốc đã bị Nhật làm hỏng máy. Liên đoàn thủy thủ lại miệt mài sửa chữa suốt một tuần. Ngày 12-9, máy tàu vừa nổ giòn là ngay lập tức được hạ thủy. 12 thủy thủ cùng thuyền trưởng Bảy Ngạnh (Huỳnh Kim Ngạnh - PV) và máy trưởng Ba Vui (Hồ Văn Vui - PV) xuống tàu, đi cùng đoàn ghe bầu theo lộ trình Gò Công - Chợ Gạo - Mỹ Tho - Gò Ân - Trà Ôn (Vĩnh Long) - kinh xáng cù lao Mây (nay là xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) - Cái Côn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) rồi xuôi sông Hậu xuống Đại Ngãi (Sóc Trăng), đi đến vàm Đại Ân và ra cửa biển Trần Đề.

Sáng sớm 16-9-1945, tàu Phú Quốc và 32 ghe với khoảng 200 thủy thủ xuất phát từ cửa Trần Đề, nhằm thẳng hướng Côn Đảo. Ông Tưởng Dân Bảo đại diện chính quyền cách mạng đi trên tàu Phú Quốc. Ông Lý Văn Chương ngồi trên chiếc ghe số 3. Trên đầu cột buồm ghe, ông treo một chiếc khăn bông tắm để làm “beo” cho các ghe sau nhìn thấy, khỏi lạc. Chỉ có những ngư dân thường đi đánh cá xa là biết rõ đường đến Côn Đảo, còn lại các thủy thủ và cả ông Chương đều không biết đảo ở đâu giữa mịt mùng trời nước.

u1oPhPxj.jpgPhóng to
Một cuộc hội thảo về sự kiện đón đoàn tù chính trị trở về - Ảnh tư liệu

Tấm lòng ông Chương

“Người có trách nhiệm quá!”, sau này ông Trần Văn Giàu chỉ nói một câu rất ngắn gọn nhưng đầy cảm kích về Lý Văn Chương như bản tính “miền Nam rặt” của ông. Nhưng ông lại kể rất rõ câu chuyện ấn tượng: Sau khi mượn được ghe biển ở Vàm Láng, Lý Văn Chương lại tức tốc về Sài Gòn. Ông cho tiệm buôn bán của mình đóng cửa để rảnh tay lo công việc cho cách mạng. Xe hơi chạy qua đường, nhà chỉ cách lộ chừng ba mươi mét, đứa con nhỏ mới 4 tuổi đang chạy chơi trước ngõ, ông Chương nhảy xuống xe vò đầu con một cái rồi lại nhảy lên xe đi luôn. Ông nghĩ: “Việc cách mạng đang gấp, vào thăm con, thăm cha mẹ lại lỡ ngày lỡ giờ. Lo xong việc sẽ về thăm, muộn gì”. Thế rồi khi việc vừa hoàn thành, kháng chiến đã bùng nổ. Ông Chương đi kháng chiến, rồi lại đi tập kết, luôn mấy mươi năm...

Trong bản tự thuật của mình, ông Chương còn kể thêm một câu chuyện: Sau bốn, năm giờ đồng hồ chạy êm trên biển, trưa 16-9, trời nổi dông. Sóng đánh từ trước mũi ra đến tận sau lái. Gió lớn. Mưa quất vào mặt, vào buồm. Các ghe đều phải cuốn buồm, thả trôi theo lượn sóng. Người thì say sóng nằm mê man. Người khỏe hơn ngồi tát nước chịu trận. Ghe của ông đi đầu bị sóng đánh nghiêng ngả. Ông lái ghe đòi quay đầu xuôi sóng trở vào bờ, khi nào hết dông sẽ trở ra. Ông Chương cương quyết không chịu, quyết giữ lái gối lên đầu sóng, không cho trôi vào. Ghe chỉ huy mà quay vào bờ thì cả đoàn sẽ không ai đi nữa. Chịu đựng như thế gần ba giờ đồng hồ thì sóng gió dịu bớt nhưng bảy chiếc ghe đã bị trôi dạt phải quay lại Cồn Nóc đến ba ngày sau mới ra được. Một thủy thủ tên Thủ đang làm nhiệm vụ lăn buồm. Cánh buồm bị gió quật, gạt anh rời tay ra, rơi xuống biển, mất tích.

Ông Chương tâm sự: “Trong trận dông này, tôi nghĩ mười phần chỉ còn một phần sống. Nhưng đã nhận nhiệm vụ, và trong lòng nghĩ thương các nhà chính trị bị đày đọa tại Côn Lôn nên tôi thà chết chớ không nghe lời ông lái ghe quay trở lại”.

Tấm lòng trách nhiệm quên thân ấy của ông Lý Văn Chương đã dẫn được đoàn ghe 25 chiếc lần lượt cặp bãi Cỏ Ống vào rạng sáng 17-9, cho dù ông không phải là hoa tiêu hay thủy thủ dày dạn sóng gió. Chiếc tàu Phú Quốc do ông Tưởng Dân Bảo đưa ra đã đến trước. Côn Đảo tưng bừng đón mừng độc lập.

2.000 tù chính trị ở Côn Đảo

Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng Cộng sản chỉ có khoảng 5.000 đảng viên để lãnh đạo khởi nghĩa trên cả nước. Nhiều nơi, tiêu biểu là Sài Gòn và toàn miền Nam, chưa bắt lại được liên lạc, đã tự khôi phục tổ chức, tự khởi nghĩa. Trong lúc đó, ở Côn Đảo có gần 2.000 tù chính trị, trong đó có hàng trăm đảng viên kỳ cựu, lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương đã bị bắt trong các phong trào đấu tranh. Chi bộ Đảng trong nhà tù Côn Đảo cũng hoạt động mạnh mẽ: đấu tranh bảo vệ tù nhân, tuyên truyền, học tập, xuất bản báo để mở rộng đội ngũ...

___________________

Kỳ tới:Côn Đảo tự do

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên