19/09/2013 10:08 GMT+7

Từ Côn Đảo về với Nam bộ kháng chiến

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Cuối ngày 25-8-1945, một cuộc hội nghị liên tịch giữa Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ (gọi tắt là Lâm ủy Nam bộ) và Xứ ủy được triệu tập. Chính quyền vừa khai sinh đã phải đối đầu với bao nhiêu nguy cơ hiển hiện ngay trước mắt nhưng quyết định đầu tiên của Lâm ủy Nam bộ lại ưu tiên cho một việc khác.

* Sáng 23-9-1945, chưa đầy một tuần trăng sau cuộc biểu tình vĩ đại ngày 25-8 biểu thị độc lập của nhân dân miền Nam tại Sài Gòn, súng lại nổ. Nam bộ đứng lên kháng Pháp! “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...”. Ít ai biết được ngày 23-9 năm ấy cũng là ngày những người tù cộng sản Côn Đảo trở về đất liền bằng những chiếc ghe bầu. Họ bước lên bờ sông Đại Ngãi (Sóc Trăng) buổi tối ngày 23-9, khi lời hiệu triệu kháng chiến từ Sài Gòn đang bay đi khắp chốn cùng quê... Nhưng họ đã trở về bằng cách nào? Tuổi Trẻ ghi lại hành trình này qua những tư liệu hiếm hoi.

9ySqA4fe.jpgPhóng to
Ông Tưởng Dân Bảo, một trong những người gom tiền thuê tàu ghe đưa đồng đội từ Côn Đảo về - Ảnh Tư liệu gia đình

Không được chậm trễ

Chủ tịch Lâm ủy Nam bộ Trần Văn Giàu có lần đã thuật lại: “Trong hội nghị chiều tối ngày 25-8, tôi nói với các đồng chí trong Xứ ủy: Nay khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về ta, công việc nhiều mà khó khăn mười lần, trăm lần hơn trước. Lênin bảo: giữ chính quyền còn khó hơn cướp chính quyền. Không có anh em ở Côn Đảo về thì không xong. Phải đưa anh em về ngay bằng tất cả các phương tiện ta có, với bất cứ giá nào. Không được chậm trễ. Chậm trễ có thể sinh nhiều bất trắc, ví dụ như hải quân Pháp cản trở. Nội đêm nay anh em ta ở Côn Đảo sẽ biết tin Sài Gòn khởi nghĩa cướp chính quyền rồi, họ nóng ruột lắm. Đừng để các đồng chí phải chờ đợi lâu”.

Tất cả mọi người đều đồng ý. Quyết định đầu tiên của Lâm ủy Nam bộ do chủ tịch Trần Văn Giàu ký là thành lập Ủy ban ủng hộ chính trị phạm, chỉ thị cho các tỉnh ven biển tiếp sức vào việc đón rước tù Côn Đảo. Các ông Đào Duy Kỳ (nguyên bí thư Xứ ủy Bắc kỳ), Nguyễn Công Trung (nhà báo tại báo Dân Chúng), Tưởng Dân Bảo (cựu tù Côn Đảo), Lý Văn Chương, Lý Văn Sâm, Ngô Văn Chương (các nhà tư sản Sài Gòn)... bắt tay vào việc.

Tiên đoán của ông Trần Văn Giàu là chính xác. Ủy ban ủng hộ chính trị phạm chọn chiếc tàu De Lanessan của Pháp đang nằm ở cảng Ba Son. Anh em công nhân dốc sức sửa chữa những chỗ hư hỏng, hoa tiêu là các anh Hóa, Chúc cũng đã sẵn sàng. Nhưng bối cảnh thù trong giặc ngoài lúc bấy giờ không cho mọi việc được diễn ra dễ dàng như thế. Việt gian đã đi mật báo với quân Pháp. Pháp báo cho quân Anh. Anh lại lệnh cho quân Nhật lúc đó đang chờ giải giáp đến tịch thu tàu.

Hơn một tuần chờ tàu sửa chữa thế là trôi qua vô ích. Ông Ngô Văn Chương, với biệt danh Chương “tư sản”, tức tốc lên xe xuống Rạch Giá. Ông dự định tìm những chiếc tàu buồm của người Trung Quốc, thường gọi là tàu Hải Nam, thường ghé buôn bán ở đó để thuê ra Côn Đảo. Ông đi rồi nhưng những người còn ở nhà không thể yên tâm ngồi chờ. Lại một kế hoạch thứ ba được vạch ra, người trực tiếp thực hiện lần này là Tưởng Dân Bảo, một người có nhân thân thật đặc biệt.

nCtcfDzE.jpgPhóng to
Hai bà Tưởng Thị An, Tưởng Thị Quí bên di ảnh cha - Ảnh: Tự Trung

Người đặc biệt

Hôm nay, trong căn nhà giản dị ở quận 7, các bà Tưởng Thị An, Tưởng Thị Quí chỉ còn giữ được một tấm ảnh của cha trên bàn thờ và nét mặt của cha trên chính gương mặt của mình. Những câu chuyện về hoạt động của cha do mẹ kể lại, do những đồng chí, đồng đội của ông hồi tưởng đều được ghi chép và giữ gìn cẩn trọng. Ông Tưởng Dân Bảo đã hi sinh năm 1947 khi mới bước vào tuổi 40, lúc đang đảm nhiệm vị trí bí thư kiêm chủ nhiệm Ủy ban kháng chiến Châu Đốc. Nhưng ông đã kịp để lại thời tuổi trẻ hoạt động sôi nổi, một niềm tự hào cho các con. Bà Tưởng Thị An, con gái đầu lòng của ông, mất cha khi mới 8 tuổi, và câu chuyện về cha đã được bà mang theo suốt một đời. Các đồng nghiệp ở Trường THCS Tân Quy 3, Nhà Bè vẫn còn kể câu chuyện cô giáo An bỗng nhiên bật khóc trước các em học sinh lớp 6 trong một giờ giảng văn. Hôm ấy cô đang dạy bài Về với Mẹ. “Ấy là bài văn kể về một người tù Côn Đảo được đón về quê hương sau ngày đất nước thống nhất và được gặp mẹ ở ngay trên bến tàu. Bài văn không viết về cha tôi nhưng khiến tôi nhớ đến cha, nhớ đến một thành quả nổi bật của ông ngày xưa ấy...”, cô An bùi ngùi.

Yêu nước, tham gia chống Pháp và bị bắt, đày đi Côn Đảo từ năm 1929 khi vừa qua tuổi hai mươi nhưng khi đó ông Tưởng Dân Bảo lại chưa phải là một người cộng sản. Ông là một đảng viên Quốc dân đảng. Trong tù, ông đã gặp những người cộng sản. Cảm phục nhân cách những người cùng chí hướng nhưng khác con đường, ông dần ngả sang lý tưởng cộng sản.

Điều này khiến ông bị phía Quốc dân đảng kết án tử hình. Một đảng viên Quốc dân đảng đã lãnh nhiệm vụ, cầm dao bất ngờ tấn công, cắt cổ ông trong một buổi tù nhân đi lao động ở bên ngoài. Đứt động mạch cảnh, máu phun có vòi nhưng ông Bảo đã bình tĩnh tự tay dịt lấy mạch máu ở cổ trong suốt chặng đường được đưa về trạm xá. Vài mũi khâu của y tá của đảo, sức trẻ và ý chí phải sống đã cứu được Tưởng Dân Bảo trong khi kẻ đâm ông đã tự sát. Vượt qua cái chết, Tưởng Dân Bảo chính thức trở thành người cộng sản.

1936 ra tù, ông tham gia hoạt động cách mạng tại Thanh Hóa, Hà Nội, bị lộ lại chuyển vào Sài Gòn. Nhà ông, văn phòng đại lý hãng sơn Résistanco ở đường Charner (nay là Nguyễn Huệ - PV) là cơ sở che giấu cán bộ, cơ sở cung cấp kinh tài cho những hoạt động cách mạng bí mật. Các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Bùi Lâm là những người khách quen thuộc. Và rồi sau ngày độc lập 25-8-1945, ông được giao việc tổ chức đi rước tù Côn Đảo.

Ông Vũ Huy Xứng, một đồng chí của ông Bảo ngày ấy, giải thích: “Ông Bảo có nhiều điều kiện để được lựa chọn: có khả năng tổ chức, có am hiểu đường đi nước bước ở Côn Đảo, có tài chính dồi dào để lo việc, lại có nhiệt huyết để chạy đua với Pháp trong việc đón tù chính trị...”.

Bà An nhắc: “Tháng 8-1945, em út tôi, đứa con trai duy nhất của cha mới được 3 tháng, còn đỏ hỏn. Cha về nhà gom tiền hàng, rút kho bạc rồi chạy đôn chạy đáo để mua chợ đen từng thùng dầu. Lúc ấy loạn lạc, chiến tranh chực chờ, xăng dầu bị coi là hàng cấm. Cha nói với mẹ: đây là thời cơ lớn của đất nước, phải tạm quên chuyện nhà để lo việc chung...”.

Chiếc tàu lớn bị quân Nhật tịch thu. Tàu Hải Nam đi tìm thuê không chắc chắn sẽ có và có sớm. Ông xuôi ngược đi chuẩn bị và tự đi tìm những chiếc tàu, ghe của người Việt...

Nghị quyết Lâm ủy Nam bộ và Xứ ủy Nam kỳ đêm 25-8-1945:

Thành lập Ủy ban ủng hộ chính trị phạm, trụ sở đặt tại tòa soạn báo Dân Chúng

Tổ chức đón các chiến sĩ từ Côn Đảo về, tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Việc này giao cho hai đồng chí Đào Duy Kỳ, Nguyễn Công Trung phụ trách.

Điện cho Ủy ban cách mạng lâm thời các tỉnh ven biển phải ủng hộ và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức đón rước.

____________________

Kỳ tới:Ghe bầu vượt biển

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên